BHUTAN: ĐẤT NƯỚC HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI 21-04-2016 Thao Nguyen

Bhutan là một quốc gia nhỏ bé ở Nam Á nằm trong dãy Himalaya, kẹp giữa hai nước đông dân hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ. Diện tích chỉ vỏn vẹn 47.000 km2 trong đó hơn 70% là rừng nguyên sinh. Dân số hiện nay khoảng 700.000 người. Bhutan là một đất nước có nền kinh tế thuộc vào hàng nhỏ nhất thế giới, tổng sản phẩm quốc nội chưa tới 2 tỷ USD. Nhưng là một quốc gia hiện được cho là hạnh phúc nhất thế giới. Vì sao? Mời các bạn và tôi, chúng ta hãy cùng khám phá những “bí ẩn” đầy thú vị bên trong một đất nước – từng được mệnh danh là “Shangri-La” cuối cùng này, để từ đó, có thể rút ra vài bài học cho các quốc gia nhỏ bé khác hay cho chính mình chăng?

depositphotos_29721033-Kingdom-of-Bhutan---vector-map

Bhutan: quốc gia phát triển bền vững

Là quốc gia từng đưa ra lời hứa “không phát thải khí nhà kính” từ Hội nghị Biến đổi Khí hậu lần thứ 15 ở Copenhagen năm 2009, cho đến nay Bhutan vẫn giữ tròn lời hứa đó. Nhưng xa hơn thế nữa, là quốc gia duy nhất trên thế giới có khí thải nhà kính ở mức độ âm (negative). Tại sao? Đơn giản bởi tổng khí thải CO2 mà Bhutan thải ra hằng năm chỉ vào khoảng 2,2 triệu tấn, trong khi những cánh rừng nguyên sinh của họ đã hấp thụ gấp 3 lần số CO2 đó. Có nghĩa rằng rừng của Bhutan đã “hấp thụ giùm” cho các nước láng giềng (tức cho thế giới) đến 4,4 triệu tấn CO2 mỗi năm!

Đạt được điều “không tưởng” này là do ý thức nhất quán và hành động nghiêm túc cho một môi trường “phát triển bền vững” của Bhutan – điều mà quốc gia nào cũng nói được, hứa được nhưng chưa bao giờ làm được. Đối với Bhutan: “cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bền vững môi trường và bảo tồn văn hóa” là quốc sách hàng đầu trong chiến lược phát triển. Đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự cho người dân của họ – hình thành một khái niệm đầy thú vị về “tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross National Happiness – GNH) – là mục tiêu quan trọng mà Bhutan nhắm tới. Bởi như nhà vua Bhutan đã tuyên bố: “tổng hạnh phúc quốc gia” quan trọng hơn “tổng sản phẩm quốc gia” (Gross National Happiness is more important than Gross National Product –GNP).

13091014463174111

Bhutan: quốc gia có nền quân chủ lập hiến tiến bộ

Là một đất nước có lịch sử hình thành hàng ngàn năm từ trước công nguyên và chính thức áp dụng chế độ quân chủ chuyên chế từ năm 1907, nhưng các vì vua của Bhutan về sau, “giác ngộ” trước trào lưu dân chủ của thế giới, đã sẵn sàng trao lại quyền dân chủ cho nhân dân nước mình bằng những quy định hết sức tiến bộ trong hiến pháp. Thậm chí hy sinh quyền lợi của chính bản thân nhà vua và hoàng tộc. Như điều khoản quy định “người dân có quyền kết tội nhà vua”… hay nhà vua buộc phải “về hưu” ở tuổi 65 chẳng hạn. Và điều này không phải là hình thức chỉ để “mỵ dân”, mà thực tế đã xảy ra.

Có điều rất lạ là ở đất nước Bhutan này, người dân vốn đã không đòi hỏi dân chủ (có lẽ, sống dưới chế độ quân chủ của Bhutan họ cũng đã cảm thấy hạnh phúc rồi chăng?), mà chính nhà vua đã chủ động mang dân chủ về, tự nguyện “áp đặt” dân chủ lên người dân! Đây quả là điều đối nghịch hẵn với các quốc gia khác, vốn đã phải đổ biết bao xương máu, tốn biết bao nhiêu thời gian mới xóa bỏ được các chế độ chuyên chế để thành lập chế độ dân chủ cộng hòa.

bhutan-05

Bhutan: quốc gia đặt niềm tin vào tôn giáo

Hơn 2/3 dân số Bhutan theo Phật giáo (thuộc hệ Kim Cương thừa nguyên thủy), cũng chính là quốc giáo của đất nước Bhutan hiện nay. Họ là những người mộ đạo, sùng kính tôn giáo của mình cũng như các nhà sư và tu viện. Đây cũng chính là giá trị tinh thần thiêng liêng có tác dụng đoàn kết mọi người dân Bhutan lại với nhau. Và đoàn kết, kỷ cương chính là sức mạnh, là chìa khóa thành công của mọi chủ trương chính sách từ phía nhà nước. Họ không vay mượn bất kỳ một ý thức hệ xa lạ nào từ bên ngoài, để phải liên đới hay phụ thuộc.

Điều này giải thích tại sao, đất nước nhỏ bé Bhutan vẫn giữ được độc lập, vẫn “sống ổn” trong hòa bình và thịnh vượng khi phải nằm lọt thỏm giữa hai quốc gia láng giềng đông dân với bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội luôn chứa đầy phức tạp, bất ổn, thậm chí căng thẳng và đối nghịch nhau. Nôm na, như một con khỉ đang ở giữa hai con hổ, buộc con khỉ phải sử dụng cái đầu thông minh để chọn cho mình một lối thoát, một hướng đi thích hợp. Nếu không…Hai con hổ mà “choảng” nhau thì nhà khỉ cũng tan hoang!

Và Vương quốc Bhutan đã làm được điều đó. Bởi Bhutan đã không tự khép kín, cực đoan và tự cô lập như một vài nước hiện nay, mà ý thức rõ thực tế “toàn cầu hóa”. Họ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước, phát triển cũng như kém phát triển, bất luận chế độ chính trị. Có điều khác là họ không để “toàn cầu hóa”, không để “hội nhập” làm mất đi tính tự chủ và bản sắc văn hóa dân tộc của họ. Đó mới là điều quan trọng, là thành công của họ.

1426850999_6

Bhutan: đất nước có kỷ cương – xã hội lành mạnh

Rõ ràng, người dân Bhutan vốn dĩ có niềm tin vào tôn giáo, sống hiền hòa, hướng thiện. Tuy nhiên để phòng ngừa những tác hại có thể dẫn tới trong quá trình hội nhập, giới lãnh đạo Bhutan đã không ngần ngại có những quyết sách, giải pháp nhằm hạn chế và sàng lọc nội dung của internet cũng như ngành du lịch. Họ sẵn sàng tiếp nhận những mặt tích cực của internet nhưng đồng thời cương quyết ngăn chặn những tác hại tiêu cực từ phương tiện truyền thông hiện đại này. Khách du lịch tới Bhutan cũng vậy, họ chủ trương chỉ cần “chất” mà không cần “lượng”!

Kết quả là ở Bhutan không có các tệ nạn xã hội như hầu hết các quốc gia khác. Không trộm cướp, mại dâm hay xì-ke ma túy. Ngay bản thân nhà vua – thế hệ thứ 5 – này cũng tự nguyện theo chế độ “một vợ một chồng”, mặc dù truyền thống cho phép đa thê. Mặt khác, nông nghiệp của Bhutan là một nền nông nghiệp cực sạch, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng các chất hóa học độc hại nhằm kích thích tăng trưởng hay tăng năng suất cây trồng. Nhà nước còn quy định mỗi tuần dành ra một ngày đi bộ và những thời khắc nhất định để dân chúng ngồi thiền. Ngoài ra còn trợ giá cho ai mua xe hơi chạy bằng điện, đồng thời khuyến khích người dân dùng điện (thay cho củi) ở nông thôn.

bhutan-09

Bhutan: quốc gia có giáo dục và y tế miễn phí

Đây cũng là điều lạ, bởi dẫu sao, xét về tổng sản phẩm quốc nội, về tài chính (như đã nói ở trên), Bhutan vẫn là một nước nghèo, đang phát triển. 80% dân số sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là canh tác và chăn nuôi gia súc. Cái nghèo còn chồng thêm cái khó vì đất nước Bhutan chỉ có rừng núi mà không hề có một tấc biển nào. Không như những nước may mắn có cả “rừng vàng, biển bạc”, cùng tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nhưng ở Bhutan, giáo dục từ mầm non đến phổ thông, thậm chí lên đại học (nếu học giỏi) đều được hoàn toàn miễn phí! Chưa hết, y tế, từ thăm khám, điều trị đến thuốc men, tất cả đều được nhà nước chi trả. Ôi! Việc “trồng người” trong môi trường giáo dục và y tế như vậy, thì người dân Bhutan đúng là đang ở “thiên đường” rồi còn gì?!

Thử hỏi thế giới có bao nhiêu quốc gia làm được như vậy? Không nói tới các nước nghèo, đố các nước phát triển, giàu có làm được như Bhutan! Không làm được không phải vì các nước giàu có này không đủ tiền, mà chính vì người ta chưa thực sự quan tâm đến người dân, đến tương lai của giống nòi, đất nước họ, chưa đủ tầm. Nói khác là người ta đã đặt “tổng sản phẩm quốc gia” lên trên “tổng hạnh phúc quốc gia”, ngược hẵn với mục tiêu của Bhutan!

Bhutan-9

Kết: Những bài học nào có thể rút ra từ Bhutan?

Mỗi một quốc gia trên thế giới đều có vị trí chiến lược, có hoàn cảnh lịch sử và có những con người khác nhau, không ai hoàn toàn giống ai. Đó là một thực tế. Mang đất nước Bhutan ra làm một “hình mẫu” e rằng cũng là điều có đôi chút khập khiểng. Tuy vậy, từ những thành công đáng khích lệ của vương quốc nhỏ bé này, thiển nghỉ có thể rút ra một số bài học, một vài kinh nghiệm quý báu cho các quốc gia khác, dù nhỏ dù lớn, dù phát triển hay đang phát triển.

-Một là, giàu có hay thịnh vượng (ở đây thường là tính theo thu nhập bình quân – là về vật chất) chưa hẵn đã là hạnh phúc (happiness). Bởi con người không chỉ có cái ăn cái mặc, mà còn có cả phần tâm linh tình cảm. Các nước kém phát triển khi mới thoát nghèo thường dễ ngộ nhận về điều này. Họ cứ tưởng chỉ cần có nhà cao cửa rộng, xe hơi nhà lầu là hạnh phúc.

-Hai là, vị trí chiến lược không thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, cũng chưa hẵn là điều bất hạnh cho một quốc gia. Bởi còn yếu tố quan trọng là “con người”. Điển hình như nước Nhật – một đất nước rất nghèo về tài nguyên và thường xuyên động đất, sóng thần. Ngược lại, tài nguyên dồi dào, có “rừng vàng biển bạc” – cũng giống như gia tài cha mẹ để lại – cũng chưa hẵn là thuận lợi. Thậm chí có khi còn bất lợi là đằng khác, vì con cháu cứ ỷ lại vào của cải, tha hồ phung phí!

-Ba là, không thể có hạnh phúc nếu không có dân chủ. Vì có dân chủ thì mới tận dụng được yếu tố “con người”, mới có phát triển bền vững, nghĩa là hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bền vững môi trường và bảo tồn văn hóa. Nhưng con người ở đây là con người được “trồng” trong môi trường thuận lợi, được tạo điều kiện để có sức khỏe và học hành, nghĩa là có cả trí lực lẫn thể lực. Ngược lại, khi con người không được giáo dục tốt, thì càng đông đúc, chỉ càng hỗn loạn và vô kỷ luật mà thôi.

Tất nhiên, từ Bhutan, có thể rút ra nhiều “bài học” khác nữa, nhưng trên đây là 3 trong số những kinh nghiệm căn bản. Mỗi quốc gia cần nhìn thẳng vào sự thật – một cách khách quan – thế mạnh thế yếu của mình để có những chiến lược phát triển khôn ngoan phù hợp. Đó cũng là sứ mệnh của các nhà lãnh đạo, những đại diện thực sự của người dân.

np7300061a339253449-ss

*Bài: NGUYÊN THANH
*Ảnh minh họa: internet

(Bài viết đã tham khảo các tài liệu liên quan trên các trang mạng chọn lọc, đặc biệt từ tham luận của Thủ tướng Bhutan mới đây trên TED – một diễn đàn quốc tế dành cho những nhân vật nổi tiếng trên thế giới)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác