ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG BẢN ĐỒ ĐỘN CÁT 18-07-2012 minhhien
Kính thưa mọi người trong cộng đồng làng Kế môn ở trên mọi miền trong và ngòai nước!
Trong lần đưa Cha về an táng tại làng, chúng tôi được Mạ và Huynh trưởng dẫn đi thăm mộ của hai bên Nội, Ngọai. Qua đó, chúng tôi mới có thấy nơi trở về của những người trong dòng họ để có dịp thắp những nén nhang thành kính. Tuy nhiên, thời gian qua đi thì vật đổi sao dời nhất là đường đi trong độn không ngay hàng thẳng lối nên việc đi mộ cũng có nhiều khó khăn để định hướng cho lối đi, ngay cả Mạ tôi là người đã nhiều lần đi mộ mà đôi khi cũng khó khăn trong việc định hướng.
Vì thế, trong những lần ngồi nghỉ mệt trong độn thì anh, chị em chúng tôi có suy nghĩ nếu như có thể làm một bản đồ với hệ thống biển chỉ báo trong độn thì quả là thuận tiện biết bao cho những ngừơi xa làng khi về thăm mộ có thể qua đó mà định hướng được đường đi. Qua nói chuyện với Anh Hùng, chồng Chị Hòang Thị Liễu – hiện sống tại xóm 25 thì hầu như những người thuộc thế hệ anh đều rất rành rẽ lối đi trong độn kể cả lối đi ra Phá Tam Giang. Với riêng gia đình tôi thì tôi có xây dựng hệ thống đi mộ qua hình ảnh như đính kèm nhưng cũng khó đi nếu như những gì trong hình tôi chụp có thay đổi về sau
Vì vậy, tôi xin mạn phép kêu gọi mọi người suy nghĩ cùng đóng góp cho ý kiến cho việc:
XÂY DỰNG BẢN ĐỒ ĐỘN CÁT NHẰM TẠO THUẬN TIỆN CHO VIỆC ĐI THĂM MỘ
Xin chân thành cám ơn
Hoàng Ngọc Quý
Phản hồi (17)
HiềnHồ
Tháng Bảy 18th, 2012 lúc 09:22con ủng hộ ý kiến của chú Hoàng Ngọc Qúy . việc lập biển chỉ báo trong độn sẽ giúp những người xa quê khi tìm về lại với cội nguồn muốn thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên được thuận tiện hơn, đỡ mất thời gian hơn. và nếu như đường đi trong độn được bê tông hóa thì sẽ càng tuyệt vời hơn nữa.
trung long
Tháng Bảy 18th, 2012 lúc 21:31đơn giản thôi bỏ tiền vào đó là có ngay
Hoàng Ngọc Quý
Tháng Bảy 19th, 2012 lúc 11:14Tôi xin chân thành kêu gọi những người con Kế Môn hiện đang làm cho các công ty và tổ chức về bản đồ và trắc đạt đóng góp ý kiến về chuyên môn coi như đóng góp một phần công đức cho Quê hương. Còn việc làm đường bê tông trong rú thì cần lắm những tấm lòng vàng của tất cả bà con nhất là những Mạnh Thường Quân!
Trân trọng cảm ơn!
Hoàng Ngọc Phương
Tháng Bảy 19th, 2012 lúc 12:17Con cũng đồng ý sáng kiến của chú Quý.Vừa rồi con có về làng dự việc tiếu,con có vào độn thắp hương cho ôn mệ.Khi qua khe để vào thắp hương cho các bác lúc đó khoảng 5h tối,trong độn không có 1 bóng người.Cháu tìm đường ra làng nhưng lại lạc tuốt ra biển.May nhờ có điện thoại di động nên cháu liên lạc với người thân ra đón cháu.Nếu không thì …. sợ quá….vắng tanh….ớn lạnh.
Hoàng Thị Minh Châu
Tháng Bảy 20th, 2012 lúc 09:17Ông Bà ta có câu ” Góp gió thành bão”. Chúng ta cùng chung tay lại, mỗi người hãy đóng góp một phần tùy theo khả năng và tấm lòng của mình. Tôi mong là việc xây dựng bản đồ sẽ sớm được thực hiện.
thaonguyen
Tháng Bảy 22nd, 2012 lúc 20:25Bạn Ngọc Qúy và các bạn độc giả website thân mến,
Chia xẻ “nỗi niềm” của bạn Qúy và các bạn, tôi, cũng là con dân làng sống tha phương, xin có vài ý kiến nhỏ về vấn đề này, có thể là “chủ quan” hay “phiến diện”, nên cũng chỉ mong rằng đây là ý kiến để các bạn tham khảo.
Trước đây thì không, nhưng về sau này tôi có được cái may mắn là năm nào cũng về làng vào dịp “dẫy mả” (tức giỗ chạp) Nhánh Họ, tổ chức vào tháng 9â.l. Hễ đã về chạp thì phải cầm rựa, cầm cào hay cuốc, vô rú, dù tháng đó thường hay có mưa. Đi hoài thành quen nên không còn lạc đường nữa.
Trước đây, lâu lâu mới có dịp về, tôi cũng đã từng “mất dấu”, loay hoay tìm mãi vẫn không ra mộ. Đơn giản vì mồ mả, lăng tẩm mỗi năm một thêm lên, lại lộn xộn, không theo một trật tự nào cả. Từ đó địa hình cũng thay đổi theo, không còn dấu vết cũ. Vì vậy, để phòng về lâu về dài, tôi cũng đã từng vẽ ra giấy và lưu lại vài bản đồ địa hình của các khu mộ gia tộc, đánh dấu những điểm mốc tương đối ổn định trong thiên nhiên, để sau này, con cháu ở xa về cứ theo đó mà lần ra.
Có thể là bạn Qúy cũng đã làm như tôi (như bạn đã chụp hình lăng mộ gia tộc mình). Nhưng giả thiết những hình ảnh ấy vẫn tồn tại qua thời gian chăng nữa, thì dấu vết những con đường dẫn tới khu mộ có còn độ tin cậy nữa không ? khi mà những lối đi ngày càng bị thu hẹp, cắt khúc, thậm chí bít hẵn ?
Đó là chưa nói tới các TRUÔNG, là lối đi ngang qua rú, (mà ngày trước cứ vài xóm lại có một truông), thường có bề ngang chí ít cũng vài chục mét, và có mặt cắt như lòng chảo, nay, ngày càng bị thu hẹp dần…đến mức có truông chỉ còn như một lối đi bình thường, thậm chí là lối mòn quanh co, vướng víu, khó di chuyển.
Ngày xưa, ông bà ta thường chọn chỗ đất vừa cao ráo lại vừa kín đáo để chôn người quá cố, nhưng nay nhiều người lại ưa ra trống trải ngoài…mặt tiền! (có lẽ điều này cũng bắt nguồn từ “hội chứng mặt tiền” của các thành phố thương mại chăng?). Từ đó , khá nhiều lăng tẩm đã hầu như lấn chật lối đi vốn có.
Chưa kể, cây cối ngày càng âm u rậm rạp hơn, đã làm khó cho việc định hướng. (Như ngôi Mả Ngài và khu mộ gia tộc họ Hoàng kế cận, ngày xưa chỉ cần đứng ở Bàu Bể hay Bàu Lấp là có thể nhìn thấy, nhưng nay thì không).
Trong cái đà đổi thay liên tục, không ngừng và lộn xộn của khu vực mồ mả như vậy, sáng kiến của bạn Qúy và các bạn dù được nhiều người quan tâm, nhưng xem ra vẫn khó thực hiện. Một mặt vì tính “không ổn định” của địa hình, mặt khác, đây chỉ là “vấn đề” đối với người phương xa, lâu lâu về thăm, còn đối với bà con bản làng như bạn cũng đã biết : rú đang quá quen thuộc, chỉ nằm trong lòng bàn tay thôi. Địa phương cũng vậy, phải bận rộn với những việc trực tiếp cấp bách hơn, không dễ gì hỗ trợ các bạn trong chuyện này.
Nhiều người cho rằng : “rú còn…bao la, lo gì hết đất !” Nhưng thử tưởng tượng, chỉ vài chục năm nữa thôi, tình hình mồ mả lăng tẩm sẽ ra sao, nếu không có những quy chuẩn về không gian, về hình thức lăng mộ, để sử dụng đất đai một cách hợp lý, tiết kiệm hơn ?
Theo tôi, bây giờ cũng không phải là sớm, địa phương cần có ngay một quy hoạch cho khu “nghĩa trang rú” này, ít ra cũng ở mức độ tổng thể, để từ đó, một mặt, ổn định những khu vực mồ mả cũ, một mặt hướng đến trật tự cho những mồ mả phát sinh.
Tất nhiên, đụng đến mồ mả là đụng đến tín ngưỡng, đến tâm linh. Đó là vấn đề nhạy cảm. Nhưng nếu không kêu gọi được tinh thần hiểu biết, tự giác của bà con trong việc sử dụng đất đai chôn cất, đồng thời chế tài được những vi phạm làm ảnh hưởng đến các lối đi chung, thì quy hoạch sẽ vẫn chỉ nằm mãi trên giấy mà thôi.
Một khi mà vùng độn rú vừa là nghĩa trang này đã được quy hoạch rõ ràng, được phân chia thành từng khu vực, mới cũng như cũ, hợp lý, có đường vào, lối đến riêng, thì khi đó tấm bản đồ của bạn Qúy mới khả thi và hữu ích cho những người phương xa như bạn.
Chào bạn Qúy và các bạn. TN.
Hoàng Ngọc Quý
Tháng Bảy 23rd, 2012 lúc 13:38Thưa Bạn Thaonguyen và Quí Vị!
Ý kiến của Bạn Thaonguyen thật đáng trân trọng và ở tầm vĩ mô mà theo tôi chính quyền làng, xã và huyện nên xem xét để từng bước có được những hành động kịp thời nhằm tạo ra một sự qui họach mang tính chiến lược lâu dài cho rú của làng. Đúng như bạn Thao nguyen nói, nếu chúng ta tưởng tượng vài chục năm nữa thì rú sẽ như thế nào vì nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn cũng như khai thác độn rú một cách hiệu quả thì một khi hết chổ mà phải lấn về hướng biền thì có thể hậu quả sẽ khó lường. Qua lời chia sẻ và đóng của bạn Thaonguyen thì theo tôi có hai vấn đề cần xem xét cho chiến lược sử dụng độn rú về lâu dài:
1. Tuyên truyền Ý thức bảo vệ môi trường cho độn rú và gìn giữ rú vì chúnh rú là nơi bảo vệ cho xóm làng trước thiên tai
2. Sử dụng rú cho mục đích tâm linh một cách hiệu quả dựa trên định hướng cho một qui họach lâu dài của chính quyềnn địa phương và ước nguyện cũng như tinh thần tự giác của mỗi người dân
Tất nhiên để thực hiện các việc trên sẽ cần những điều kiện về nguồn lực, thời gian, tinh thần đóng góp và tự nguyện của nhiều người cũng như một lộ trình thực hiện nhất định. Vì thế tôi chân thành đề nghị mọi người chia sẽ và đóng góp thêm ý kiến để có được thêm nhiều ý kiến hữu ích nhất là Quí vị có kiến thức chuyên môn về trắc địa bản đồ. Tôi tin nếu được như vậy thì sẽ giúp chính quyền địa phương xem xét một cách rõ ràng hơn
Còn trước mắt theo thiển ý của tôi thì chúng ta có thể thực hiện được các việc sau mà không nhiều tốn kém và cần nhiều nhân lực:
1. Tại các vị trí có tên mà nhiều người biết trong độn cắm các biển báo hướng chỉ về biển, về các xóm. Ít nhất cũng sẽ giúp người đi thăm mộ không lạc về hướng biển
2. Dọc theo các con đường chính dẫn lên rú từ các xóm, cắm các biển báo hướng về xóm hay ra biển
3. Dọc theo các con đường ngang của các xóm (TRUÔNG) đặt các biển báo như: Truông xóm 8-9 và hướng về xóm tương ứng
Còn đặt biển ở đâu, trên cây hay cắm cọc tại những vị trí cụ thể ra sao thì cần lắm lời khuyên của các vị nắm rõ địa hình trong rú cũng như các bậc Trưởng lão cao niên trong làng. Nếu làm được như vậy thì chí ít người đi mộ sẽ không bị lạc ra biển. Các gia đình có thể dựa vào đó để làm bản đồ gia tộc của mình.
Mong Quí Vị, Bạn Thaonguyen đóng góp thêm nữa để có thể triển khai thực hiện từng bước
Thời gian rồi sẽ trôi qua nhưng mồ mã ông Bà tổ tiên vẫn còn đó. Con cháu thì theo sự phát triển của xã hội mà cũng phải mưu tìm kế sinh nhai. Thế hệ ở lại làng càng ngày càng ít, sợ rằng sẽ tới lúc con cháu có về làng thắp nhang không những không tự đi được mà biết đâu cũng không có người ở làng biết mà dẫn đi.
Thật là đáng tiếc lắm thay!
Tái bút: Ngày 25/7/2012 tôi về làng để làm thất tuần cho Cha. Nếu Quí vị nào có ý muốn trao đổi trưc tiếp thì xin liên hệ số điện thọai: 0908004676
Trân trọng!
Thành việt
Tháng Bảy 23rd, 2012 lúc 22:51Thưa anh Quý, Việt không biết anh lớn hay nhỏ,nhưng Việt mách bảo anh rằng anh Thảo Nguyên năm nay 65 tuổi và Việt chia sẻ cùng anh, Việt không đồng ý anh nói đoạn cuối thời gian cho đến câu mà dẫn đi. Nếu như vậy thì anh hoàn toàn mất gốc làng Kế Môn rồi, dù mưu sinh nơi nào chăng nữa chúng ta luôn luôn nhớ về cội nguồn mà. Cho Việt trích đoạn bài hát Nhớ Kế Môn của anh Đặng Minh Hiền cũng là chủ nhiệm trang web này:
Ai đi xa mà không nhớ quê nhà
Ai đi xa mà không nhớ nhớ xóm làng……
Thành việt
Tháng Bảy 23rd, 2012 lúc 22:53Nhờ anh minh hiền chỉnh lại cho việt với sao phản hôi không được chấp nhận
Hoàng Ngọc Quý
Tháng Bảy 24th, 2012 lúc 09:18Thưa Anh Việt!
Cám ơn Anh đã góp ý và nếu có gì không đúng thì mong anh hoan hỉ bỏ qua cho.
Việc tôi nói là sợ rằng người ở làng còn ít hay không còn người biết để dẫn đi chứ không phải là chắc chắn. Lý do vì nếu xét thời gian 100 năm nữa hay hơn khi các thế hệ sau này con cái ít hơn các thế hệ cha ông chúng ta. Rồi con cháu lại đi xa mà mưu sinh cũng là qui luật tất yếu của cuộc sống thì biết đâu trong cái nhánh nhỏ của gia đình liệu còn có ai ở làng không. Chỉ mong rằng theo như anh nói là chuyện này không bao giờ xảy ra thì thât là lành thay.
Thưa Anh Thaonguyen!
Do nghĩ rằng chúng ta cùng chia sẽ những việc đóng góp cho làng quê là gieo cái nhân thiện nên tôi đã mạo phạm mà gọi Bạn nghĩa là cùng chung suy nghĩ, nỗi niềm chứ không có ý coi bằng vai, phải lứa. Vậy nên cũng mong anh hoan hỉ mà bỏ qua cho.
Cám ơn các Anh nhiều!
Trân trọng!
Nguyễn Hoàng Nhật Đông
Tháng Bảy 24th, 2012 lúc 10:15Chào chú Việt và Qúy chú bác gần xa!
Cháu có đôi dòng chia sẻ cùng chú. Cháu luôn theo dõi về bài viết cũng như những phản hồi liên quan đến bài viết này. Sau đây cháu có một số ý kiến như sau. Tuổi cháu còn nhỏ, cháu chỉ nói theo sự hiểu biết của mình. Nếu có gì không phải mong chú Việt và các Bác bỏ qua và góp ý thêm cho cháu.
Mẹ cháu là người gốc làng Kế Môn nhưng lại sinh ra ở Đà Nẵng. Còn cháu thì lại sinh ra ở TP.HCM. Năm Ông Ngoại ( Ôn) cháu mất cháu còn quá nhỏ nên không cùng mẹ về đưa tang Ông. Nay cháu lớn cháu muốn tìm đường về quê thắp cho ông cháu nén nhang thì khi cháu về tới làng bà con họ hàng bên mẹ cháu đã đi làm ăn xa hết. Nhà thờ ông bà đóng cửa. Cháu có đi hỏi thăm lân cận và nói gốc gác của cháu thậm chí cả mẹ cháu thì không ai biết mẹ cháu là ai. Cháu gọi điện cho mẹ, mẹ chỉ đường nhưng cháu đi hoài vẫn không tìm ra mà còn đi lạc nữa. Cuối cùng cậu cháu đã gần 60 tuổi từ Đà Nẵng phải về dắt cháu đi.
Trường hợp của cháu là một minh chứng cho đoạn bài viết của chú Qúy ” Thời gian……. không có người ở làng biết mà dẫn đi”. Cháu không tự đi được mà ở làng cũng không ai biết để dẫn cháu đi, nếu cậu cháu không về được có lẽ cháu đành ngậm ngùi ra đi mà không thắp cho ông ngoại mình được một nén nhang. Như vậy thì cháu sẽ buồn vô cùng.
Đời cháu mà về thắp nhang cho Ông ngoại cháu đã khó khăn trong việc tìm mộ thì đến đến đời con cháu sẽ khó khăn như thế nào.
Cháu thấy ý kiến xây dựng biển báo chỉ dẫn đường đi trong rú, trong độn là rất thiết thực. Chúng cháu cần một bản đồ cho lối đi chính thôi để khỏi lạc. Còn về phần lăng mộ của riêng từng họ tộc, từng gia đình thì những người trong họ sẽ tự xây dựng cho riêng mình.
Còn về bê tông hóa đường đi trong rú thì không phải là vấn đề cấp thiết vì còn phụ thuộc nhiều vào kinh phí và nguồn nhân lực cũng như về tâm linh….. Tuy nhiên ý kiến này cũng đáng hoan nghênh. Vì theo cháu thấy thì lăng mộ làng mình xây dựng rất đẹp với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. Cho nên độn rú trong tương lai không chỉ là nơi trở về của tổ tiên, ông bà… mà có khả năng phát triển văn hóa du lịch, làm giàu đẹp thêm cho quê hương.
Cháu xin dừng bút.
Xin chân thành cảm ơn trang web đã có mục Phản Hồi này để cho cháu có dịp chia sẻ.
N.H.N.Đông.
Đặng hữu Hung
Tháng Bảy 24th, 2012 lúc 13:02Gửi các anh và cộng đồng langkemon.
Về việc xây dựng bảng đồ”Rú langkemon”
Đây là góp ý đúng,thực tế cho chính cộng đồng làng.Nơi tâm linh cũng cần quy hoạch
tổ chức lại cho đúng vì làng là làng Văn Hóa từ lâu đời nay.Đặc biệt hơn tại Rú có những
khu thờ các “NGỤ,LÀNG” .
Theo tôi chi cần chi phi nhỏ là có thể làm được bởi những “BẢNG CHỈ ĐƯỜNG” ví như
vài xóm có chung một lối đi gọi là TRUÔNG…v.v..độn Bạch Nài,độn Trong,độn Ngoài,
các Khe cũng có tên gọi..hy vọng chính quyền địa phương quan tâm thêm vấn đề này..
Đây chỉ là góp ý của Cá Nhân…có gì sai sót mong bỏ qua.
Đặng huu Hùng
Thành việt
Tháng Bảy 24th, 2012 lúc 14:40Anh Quý Mến
chẳng qua việt thấy những người đi lâu không về quên mất gốc làng mà thôi, chứ việt không có ý mạo phạm anh mô mong anh bỏ qua cho,còn chuyện anh thảo nguyên là việt mách bảo để anh tiện xưng hô mà thôi (việt 43T)chúc anh vui vẽ hẹn gặp lại
thaonguyen
Tháng Bảy 25th, 2012 lúc 21:51Qúy, Việt và các bạn mến,
Thảo Nguyên già hay trẻ cũng không thành vấn đề đâu (!). Cứ xưng hô thoải mái đi. Quan trọng là có đóng góp được ý kiến gì hữu ích không thôi. Tôi cũng rất mừng là đang có nhiều phản hồi về vấn đề này. Thật ra, bản thân tôi cũng đang tìm tài liệu để tự vẽ ra tấm “bản đồ” này. ( chứ không cam tâm ngồi chờ ! ). Vì không có chuyên môn về trắc đạc, nên, một mặt, tôi chỉ căn cứ vào bản đồ của Google chụp từ vệ tinh (phóng to, thu nhỏ), sau đó, tôi trực tiếp xác nghiệm trên thực tế hiện trường. Mặt khác, tôi tham khảo ý kiến của những người làng quen thuộc mồ mả trong rú.
Nếu từng ở làng, hẵn các bạn đã biết rú tuy “bao la” um tùm nhưng không khó để định hướng và tìm nơi cần tìm. Này nhé : Một cách tổng quát thì rú làng mình có dạng gần như một hình chữ nhật, giới hạn bởi : Đê “Cụp” ở “trên” ( hướng biển ), Đường Cấy ở “dưới” ( hướng làng), Đường bê-tông ranh giới Kế Môn Vĩnh Xương ( bên trái ) và Đường thẳng lấy ranh của Khe Đồng dạ ( bên phải ).
Trong vùng chữ nhật ấy có các điểm mốc quan trọng : Bàu Đán (phía trái, tương ứng với Nhứt Tây), Bàu Bể, Bàu Lấp (Nhì Tây), Độn Mít Nài ( Nhì Đông ), Mả Ngài, Độn cát họ Hồ…( Nhứt Đông). Đặc biệt, độn rú được phân ra vùng trong, vùng ngoài bởi hai con khe: một xuất phát từ Bàu Cuồng (Vĩnh Xương ), bọc lấy rú trong, đổ ra khe Đồng Dạ và một ( từ giữa rú) đổ ra Khe Ông Phụ (ngắn hơn).
Một điểm cần lưu ý là trước đây, các họ thường chia nhau thành các khu vực dành cho họ mình, để khi dẫy mả cho tiện và khỏi bỏ sót. Khu vực riêng đó gọi là “lum” : như lum mả họ Nguyễn ở độn Nhì Tây, lum mả họ Đặng ở gần Bàu Bể, lum mả họ Hoàng , họ Hồ…và theo thời gian, mỗi họ cũng phát sinh ra nhiều lum.
Bạn có thể từ rú đầu làng (phía Vĩnh Xương) hay cuối làng (phía Đại Lộc) băng ngang qua rú ( nếu không sợ mỏi chân) hay xuất phát từ các xóm tương ứng ở làng qua các truông : như truông Chùa, truông họ Nguyễn, truông Xóm Khe, truông Xóm Đình…
Một điều quan trọng nữa mà hiện đang có nhiều tranh cãi. Đó là phần bia mộ có nên duy trì lối viết chữ Hán (xưa bày nay làm) hay nên thay bằng chữ quốc ngữ. Theo tôi, nên thay bằng chữ quốc ngữ cho con cháu sau này dễ đọc. Vấn đề là viết cách nào cho có thẩm mỹ mà thôi.
Hy vọng tấm bản đồ của tôi sẽ sớm công bố để các bạn góp ý và hòan thiện, hầu góp một phần nhỏ tiện dụng cho các bạn xa quê lâu lâu về thăm mồ mả ông bà tổ tiên, trong lúc chờ đợi có tấm bản đồ chính thức như các bạn mong muốn.
Đặng hữu Hung
Tháng Bảy 26th, 2012 lúc 08:36Xin góp ý a.Thao Nguyên.
/(Đó là phần bia mộ có nên duy trì lối viết chữ Hán (xưa bày nay làm) hay nên thay bằng chữ quốc ngữ. Theo tôi, nên thay bằng chữ quốc ngữ cho con cháu sau này dễ đọc.)/
Chẵng một lý do nào nữa để giữ chữ Hán.Ai đọc?ai viết`?ai hiểu?Đây là việc thủ cựu .
Theo tôi cộng đồng làng nên dùng Việt ngữ và bỏ hẵn lối chứ Hán..
bên cạnh những ngội mộ cũ đã xử dụng Hán ngữ thì cũng nên thêm ghi chú bằng tiếng Việt,như vậy sẽ thích nghi và thuận tiện về Văn hóa Tâm Linh.
Đặng hữu Hùng
thaonguyen
Tháng Bảy 26th, 2012 lúc 19:45Hùng mến,
Sở dĩ anh nói “việc giữ hay thay chữ Hán đang tranh cãi” vì như em từng về làng cũng thấy đó : ở Từ Đường các Họ, kể cả các bia mộ Tổ, đặc biệt ở Đình làng mới xây, vẫn ghi tất cả bằng chữ Hán. Đã có nhiều người dân đề nghị nên thay hết ( hoặc thay một phần ), để con cháu về sau dễ đọc, nhưng vẫn bị khước từ với lý do “để giữ nguyên di tích”…
Có một sự kiện oái ăm ở kỳ khánh thành Đình làng vừa rồi mà TN biết được. Đó là, có một Việt kiều xin bỏ ra mấy triệu cúng cho làng một bức hoành bằng chữ quốc ngữ, trang trí rất thẫm mỹ ghi “Đình Làng Kế Môn” để thay bức bằng chữ Hán đã viết. ( thay bức ở chính giữa, còn bốn bức kia để nguyên ). Bức hoành gấp rút hoàn tất chỉ đợi treo lên là xong, nhưng giờ chót lại bị “đa số” hội đồng từ chối. Báo hại ông “xếp” (nằm trong phe thiểu số) phải chẳng đặng đừng nói lời xin lỗi với vị VK. Không biết bức hoành hiện đang ở đâu ?! dùng vào việc gì ?
Điều đó cho thấy, không phải ai cũng suy nghĩ như Hùng, như anh hay như vị Việt kiều và một số bà con khác. Mà một số không ít vẫn vin vào cớ “xưa bày nay làm” hay “giữ nguyên trạng di sản”, mà quên rằng “di sản” bản thân nó cũng đã thay đổi : Đình làng ngày xưa vẫn là ba gian hai chái, làm gì có năm gian và “tiền đàng hậu tẩm” như bây giờ?
Như vậy, vấn đề nhiều khi thấy đã tương đối rõ ràng, nhưng vẫn bị nhiều lực cản. Phải cần thời gian và hoàn cảnh thực tế mới thay đổi được suy nghĩ, mới thống nhất được ý chí và hành động của mọi con dân làng. ( Vấn đề này đã đi chệch ra ngoài tâm điểm của mục phản hồi, nhưng dù sao cũng có liên quan. Mong các bạn thông cảm ) TN.
Thành việt
Tháng Bảy 28th, 2012 lúc 23:16Kính Gửi: Bà Con Thân Mến
Theo như bà con góp ý xây dựng bản đồ,thì rất thiết thực với những người sống xa quê,việt rất ủng hộ tinh thần vấn đề này. Anh thảo nguyên chỉ vạch ra bản đồ rất chính xác và thực tế ,việt xin góp thêm phần nhỏ của mình bà con xem sao?theo như ở Làng thì mỗi đội có một âm hồn để cúng tế chúng ta đặt bản đồ ở đó thì thuận tiện hơn việc đi thắp nhang, mình chia ra từng khu ở độn trong là phía gần làng độn ngoài là phía ra biển ở đầu làng là nhà doi,đi về là truông xóm dừa (xóm 7)ở đó có âm hồn đội 1 và cứ đi theo hướng đó là từng truông xóm nguyễn cứ thế…, còn độn ngoài thì bàu cuồng vĩnh xương, tiếp đó là Lăng Lãnh Điễu rồi bàu bể cứ thế….đến cuối làng là ngòi viết là khe đồng dạ,ở phía ngoài thì đặt bản đồ ở gần lăng lãnh điễu và truông xóm khe( xóm 13) và xóm đình(xóm 19)và ngòi viết (khe đồng dạ) bà con thấy sao? chúng ta cùng góp ý thêm để tránh sự việc xảy ra như cháu nhật đông và con cháu sau này, nhưng nỗi khổ ở đề là tài chính và vấn đề ở chính quyền địa phương và hội đồng ở làng thì sao?còn vấn đề thay chữ hán là điều nên làm vì mình là người Việt mà,nói thẳng nói thật mỗi khi làng mình có ai qua đời thì việc đi nhờ viết chữ hán rất phức tạp thậm chí viết sai thì cũng chẳng ai hay (sách quốc ngữ là chữ nước ta con cháu nhà điều phải học) thì lý nào phải dùng chữ hán và còn một điều việt thấy nghịch lý ở chỗ này về việc đám cưới ở làng không biết sao mà phải đi ho nạp lễ từ khoảng 2-4h sáng rất vất vả ,và khi cưới xong thì đôi bạn trẻ lại trở về nhà cô dâu ngủ,sáng mai trở về nhà chồng cho đến 3 tháng như vậy mới thôi ở 2 vấn đề này cũng mong bà con xem xét lại cho những cái gì lạc hậu thì chúng ta không cần dùng đến nó nữa không phải cái gì cũng xưa bày nay làm phải không bà con?đây là ý kiến chân thật của việt còn vị nào thấy không hài lòng thì tiếp tục đóng góp ý kiến việt xin lắng nghe và để quê hương mình ngày càng văn minh hơn xin chân thành cảm ơn
Thành Việt
Bình luận