GIẢI MÃ VỊ THẦN THỜ Ở MIẾU “ĐÔ TY” CỦA LÀNG KẾ MÔN 03-02-2025 Thao Nguyen
Lễ cúng đầu năm của làng và các xóm là một tục lệ truyền thống. Lễ này được tổ chức vào những này “mồng” của tết Nguyên đán cho nên gọi là “đầu năm”, còn tên thực của lễ theo chữ Hán là cúng “Xuân thủ” (đầu mùa xuân). Xóm thì tổ chức cúng ở miếu của xóm vì nơi đây thờ ngài khai canh của xóm và cũng có thể gọi là Thành hoàng của xóm.
Còn làng nếu thần Thành hoàng thờ ở đình làng thì tổ chức lễ Xuân thủ ở đình. Nếu có miếu thờ riêng thì tổ chức tại miếu. Ở làng Kế Môn ta có miếu thờ ngài Thành hoàng (trên Đường Cấy, chếch sau lưng họ Đặng) nên trước đây lễ Xuân thủ hằng năm được tổ chức tại miếu của ngài. Bởi vậy ngôi miếu này còn có tên gọi là miếu “Xuân Thủ” (tên gọi này ở làng hiện nay ngoài chú Bùi Giây thì chắc hiếm người biết đến). Nhưng từ khi làng có ngôi miếu “Đô Ty” hay còn gọi là “Nghè Đô” ở xóm Đồng Dạ thì việc cúng đầu năm của làng được tổ chức tại ngôi miếu này.
Vậy vị thần được thờ ở miếu này là ai mà tiền nhân của chúng ta lại sùng kính tôn ngài thành vị thần bảo hộ cho dân làng ngang với thần Thành hoàng và trở thành vị phúc thần chính của làng? Từ những di chỉ ở miếu và mộ và từ những thần tích được truyền khẩu lại đối chiếu với chính sử của triều Nguyễn, nay xin giải đáp những điều mà bấy lâu nay chúng ta chưa biết về vị thần này.
*
- NGÀI LÀ AI ? TÊN CỦA NGÀI LÀ GÌ ?
Theo thần vị thờ trong miếu và theo bia mộ thì ngài là con dân của họ Trần Đăng của làng Kế Môn thuộc hệ phái Trần Hữu (phái ông Trần hữu Ngơi ở xóm Khe Phụ).
Theo truyền khẩu thì ngài có thân hình cao lớn dị thường, da mặt vàng như nghệ, tài trí hơn người, võ nghệ siêu quần, sức mạnh phi thường. Trong quân đội chẳng có ai địch nổi, lính tráng xem ngài như thần như thánh (Dũng quán tam quân nãi thần nãi thánh). Thuở thiếu thời ngài làm nông ở làng, sau đó với tài trí thực của mình ngài tiến thân ở quân đội mà không qua thi cử.
Theo các dữ liệu từ truyền khẩu đối chiếu với chính sử thì ngài sinh vào khoảng năm 1800 hoặc trước đó vài năm (trước Gia Long lập quốc), ngài mất năm 1866 (thời Tự Đức) thọ khoảng 66 tuổi. Về tên thật của ngài thì xin được dẫn chứng như sau:
Năm 2012 khi về quê tham dự Việc Tiếu tôi có gặp bác Hoàng Luân. Hai bác cháu nói chuyện về bài văn tế làng và bài vè về làng của bác Nam Sơn Hoàng Đông thì bác Hoàng Luân cho biết, trước đây ông Bát Duân (ông Bùi Duân cụ thân sinh của ông Bùi Phiệt và Bùi Phiến) có nói rằng: “ngài tên là Thăng đã từng đi đánh giặc ở miền Nam”. Đây là thông tin rất đáng tin cậy vì người cho biết là một người trong lớp tiền bối trí thức theo Tây học đầu tiên của làng. Thế nhưng khi tôi nhờ anh Trần Đăng Lỵ thư ký của họ Trần Đăng xem gia phả để xác minh thì đáng tiếc vì không thể khẳng định là đúng được bởi vì theo lời anh Lỵ thì “gia phả của họ đã bị cháy mất từ lâu và trong họ cũng không có người nào biết tên ngài, chỉ có vài người trong họ khẳng định rằng ngài tên là Đô cho nên mới gọi là nghè Đô”.
Vào năm 2023 làng có kế hoạch trùng tu lại các miếu thờ trong đó có miếu Đô Ty. Khi vận động đóng góp để trùng tu miếu này, anh Hoàng Ngọc Hùng có làm một clip phát trực tiếp toàn cảnh ngôi miếu và lời phát biểu vận động của ông Bùi Giây. Từ lời phát biểu đó lại có thêm một thông tin mới về cái chết của ngài “chết vì đứa con nuôi làm phản” trái ngược với nguyên nhân mà rất nhiều người biết là do “người vợ ngoại tình vu oan”.
“Không có lửa làm sao có khói” cụ Bát và chú Giây đều là người họ Bùi cho nên trong câu chuyện truyền khẩu về ngài Đô Ty có thể là do một vị tiền bối nào đó trong họ truyền lại, lâu ngày kẻ nhớ người quên rồi khi truyền cho đời sau thì không còn nguyên bản. Nhưng dẫu sao các thông tin đó cũng là chìa khóa để giải mã tên của ngài. Thật vậy từ hai thông tin trên ghép lại với nhau thành câu: “Ngài tên là Thăng đã từng đi đánh giặc đứa con nuôi làm phản ở miền Nam” thì ta sẽ có một dữ liệu lịch sử trong thời kỳ nhà Nguyễn và đây chính điều để xác thực tên của ngài. Đó là: Loạn Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt thời vua Minh Mạng (từ năm 1833 đến 1835).
Tả quân Lê văn Duyệt là đại công thần của nhà Nguyễn có công giúp Gia Long lập quốc và mở mang bờ cỏi nước ta ở phía Nam. Lúc còn là hoàng tử, vua Minh Mạng và tả quân đã có hiềm khích với nhau cho nên sau khi lên nối nghiệp, nhà vua bèn tìm cách trả thù Tả quân. Lê văn Duyệt chết rồi nhưng Minh Mạng cũng không buông tha cho con cháu của Tả quân, chính vì vậy mà Lê văn Khôi – xưa kia vốn là một tù trưởng ở vùng Cao bằng được Tả quân thu phục nhận làm con nuôi cùng ngài vào trấn giữ ở miền nam – mới khởi binh nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng phái quân vào dẹp loạn này trong vòng hai năm mới xong.
Trận đánh cuối cùng ở thành Phiên An (tên cũ của thành Gia Định và thành Sài Gòn) quân nhà Nguyễn chia thành nhiều hướng để tấn công thành. Cuộc đánh chiếm được phát lệnh bắt đầu từ giờ Thìn ngày 16/7 năm Ất Mùi (08/9/1835). Lãnh binh Trần Hữu Thăng đốc suất đánh góc tiền tả của thành và là đạo quân đầu tiên chiếm lĩnh mặt thành cùng với đạo quân đánh góc tả tiền do tham tán Trần Văn Trí và khâm phái Nguyễn Tri Phương đốc suất, đã tạo điều kiện cho các cánh quân khác tiến vào thành đánh tan quân địch kết thúc cuộc nổi loạn (lược trích từ chính sử). Như vậy tới đây chúng ta khẳng định rằng tên thật của ngài là Trần Hữu Thăng.
Nhân đây cũng xin giải thích rõ về việc cho ngài tên ĐÔ là không đúng vì đây là chức vụ của ngài. Hai chữ “Đô Ty” được lấy từ cụm từ chỉ chức vụ của ngài là “Cẩm Y Vệ Đô Ty Chỉ Huy Sứ”. Tức là người chỉ huy cao nhất trong ty chỉ huy sứ có nhiệm vụ bảo vệ vua và kinh thành. Đây là chức vụ cao nhất của ngài trước khi chết.
*
- NGUYÊN NHÂN VỀ CÁI CHẾT OAN ỨC CỦA NGÀI
Có thể nói: “Ngài và người thiếp của ngài đều là nạn nhân trong cuộc chiến tranh giành quyền lực thời vua Tự Đức nhà Nguyễn”. Vua Thiệu Trị mất lại truyền ngôi cho con thứ là Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức) cho nên người con trưởng là Hồng Bảo đã hai lần nổi loạn để giành ngôi vua nhưng bất thành. Lần thứ 2 Hồng Bảo bị bắt nhốt và chết, phe cánh của ông hoàng này đứng đầu là 3 anh em nhà họ Đoàn là Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Tư Trực và Đoàn Hữu Ái cùng với một số thân vương và nhà sư đã phò Đinh Đạo – là con trưởng của Hồng Bảo – âm mưu đảo chính lần thứ 3. Phe này đã lên kế hoạch lấy công nhân đang xây dựng lăng Vạn Niên (sau đổi là Khiêm Lăng, tức lăng Tự Đức hiện nay) làm nòng cốt. Điều quan trọng là khi khởi sự phải khống chế cầm chân không cho vị tướng chỉ huy cẩm y vệ có mặt trong thành, vì hai lần trước thất bại là do không có ai đánh lại vị tướng này – đó chính là ngài Đô Ty Trần Hữu Thăng. Nhiệm vụ này được giao cho vị thân vương là hữu quân Tôn Thất Cúc – người phụ trách cửa Đại Cung môn thực hiện. Ông này đã tìm cách quyến rũ người thiếp (Đại Lộc) của ngài Đô và khống chế người thiếp này làm theo những gì ông ta sai bảo.
Cuộc đảo chính này sử sách gọi là “loạn chày vôi” vì quân nổi loạn là những người dân giả vôi ở lăng Vạn Niên theo Đoàn hữu Trưng dùng chày giả vôi làm vũ khí, xảy ra vào đêm 16 rạng ngày 17 /9/1866. Nhưng cuộc đảo chính lại thất bại và những người tham gia, những người bị tố giác đều bị giết với đủ mọi cách hành hình. Đêm xảy ra cuộc đảo chính, theo ý đồ của tình nhân, người thiếp của ngài đã cầm chân ngài ở nhà. Và khi biết việc đảo chính thất bại thì bà theo kế hoạch, thả tờ rơi tố cáo là “chồng tiếp tay cho quân đảo chính” để chạy tội về hành vi của mình. Vì vậy ngài bị bắt và bị hành hình bằng cách là cho voi quật (thật ra nếu đảo chính thành công thì ngài cũng bị quân đảo chính giết).
Chuyện kể rằng ngày hành hình, vua cho mời đại diện và các tộc trưởng của làng vô chứng kiến. Lúc hành hình, vì quá oan ức ngài hét lên một tiếng “long trời lở đất” khiến con voi đang hung hăng đi tới quật ngài phải chạy lui không dám tới nữa dù cho quản tượng thúc giục. Có thể chú voi đã sợ thần uy của ngài, lúc đó đã thể hiện lên cực điểm. Vị quan giám hình đã tấu lên vua Tự Đức thì vua phán: “hắn không chịu chết thì giết cả làng hắn”. Vua không nói chơi cho nên các người của làng có mặt lúc đó phải quỳ xuống mà lạy ngài Đô, xin ngài vì con dân của làng mà ngồi quay lưng lại. Biết thế nào mình cũng bị giết nên không muốn liên lụy đến dân làng ngài đã ngồi quay lưng lại và lúc đó con voi mới dám tiến đến cuộn lấy ngài quật xuống.
Than ôi! Hồn phách của ngài theo những cái quật đó mà thoát ra khỏi thể xác, mang theo nổi uất hận hòa cùng trời đất để hiển linh phù trợ cho con dân của làng (Khí doanh lưỡng đại vi anh vi linh). Thân xác của ngài được đưa về làng và táng ở cuối làng (khu vực độn xóm Đồng Dạ) vì ngài là người có tội (lệ làng xưa kia người ngụ cư thì chôn hai đầu độn của làng còn người có tội thì phải chôn ở cuối làng).
- MINH OAN VÀ PHONG THẦN – AI LÀ NGƯỜI MINH OAN CHO NGÀI ĐÔ?
Dân làng Kế Môn ta khi nhắc đến ngài Đô Ty thì chắc hẵn nhớ đến ngay câu chuyện ngài “cõng trâu xuống hói để chao chân cho sạch bùn” đã làm cho người thợ mộc ở bên kia sông Ô Lâu – bơi qua khút bàu ngược tìm ngài để thách đấu vật – phải bỏ đi không dám quay đầu lại.
Người thợ mộc đó chính là ngài Nguyễn Tri Phương, người làng Chí Long xã Phong Chương bây giờ. Thuở thiếu thời ngài làm nghề mộc, về võ nghệ cũng như sức mạnh thì vùng hữu ngạn Ô Lâu chưa từng có địch thủ. Cũng như ngài Đô, ngài Nguyễn cũng tiến thân trong quân ngũ bằng cái tài thực của mình và hai vị này đã trở thành đồng liêu với tình cảm bạn bè thân thiết nhất.
Khi sự việc xảy ra ngài Nguyễn Tri Phương đang làm tổng đốc thành Hà Nội. Vua Tự Đức cho triệu hồi ngài về để chỉnh đốn lại trị an của kinh thành. Về đến nơi ngài không tin bạn mình là người bất trung bất nghĩa với vua nên ngài Nguyễn đã cho người điều tra sự việc về cái chết của người bạn thân và ngài đã xác minh được là bạn mình chết oan. Đó là do sự sắp đặt của quân phiến loạn và người vợ không chung thủy. Chính nhờ vậy mà ngài Đô mới rửa được oan tình tội danh phản tặc.
*PHONG THẦN
Sau khi biết rõ oan tình của vị tướng tài đã lập nhiều công trạng cho triều đình, vua Tự Đức rất ân hận. Để minh oan vua đã phong thần và cho lập miếu để thờ phụng. Làng đã lập một ngôi miếu ngay trước mộ ngài để thờ. Sau đó vua lại đặc ân phong ngài làm “Phúc Thần” của làng với danh hiệu là “Thổ Kỳ” (thần đất) và cho thờ ở miếu Thổ Kỳ của làng. Vì vậy ngài được thờ hai nơi. Ở miếu chính thì ngài là: “Bổn Thổ Đô Ty Trần Quý Công Tước Phong Dực Bảo Trung Hưng Gia Tặng Đoan Túc Linh Phò Tôn Thần”. Còn ở miếu Thổ Kỳ của làng – trước đây đã thờ một vị nhiên thần – sau có thêm ngài là nhân thần, nên trong Thần Vị mới ghi là: “Bổn Thổ Thổ Kỳ Nhị Thần Thần Vị. Tước phong hai thần giống nhau: “Bổn Thổ Thổ Kỳ Sắc Tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng Gia Tặng Tỉnh Hậu Trung Đẳng Thần Tôn Thần”.
Chính vì vậy mà họ Trần Đăng khi lập bia mộ cho ngài đã lấy tước vị lớn để viết vào bia mặt trước: “Kim Đô Viết Trần Quý Công Dực Bảo Trung Hưng Gia Tặng Tỉnh Hậu Trung Đẳng Linh Phò Tôn Thần”. Mặt sau bia viết: “Bổn Thổ Thổ Kỳ Trung Đẳng Thần Tôn Thần”.
- LÝ DO LÀNG CÚNG ĐẦU NĂM Ở MIẾU ĐÔ TY .
Phúc Thần là vị thần có tước phong trung đẳng hoặc thượng đẳng thần. Thần có nhiệm vụ là “Hộ quốc tỳ dân”. Ở làng Kế Môn có 3 vị “Bổn Thổ Phúc Thần” các ngài đều thuộc trung đẳng thần có tước vị và sắc phong như nhau. Đó là:
– Bổn Thổ Thành Hoàng (nhân thần) thờ ngài Lý Phục Man
– Bổn Thổ Thổ Kỳ (nhiên thần)
– Bổn Thổ Thổ Kỳ (nhân thần) thờ ngài Trần Hữu Thăng
Cả 3 vị này đều là Thành Hoàng của làng.
Thành Hoàng chính là ngài Lý Phục Man. Ngài do dân làng cổ xưa chọn và xin vua phong làm thành hoàng của làng (bổn thổ) nhưng ngài không thuộc con dân của làng. Còn ngài Trần Hữu Thăng là con dân của làng do vua trực tiếp phong làm Phúc thần.
Theo tục thờ cúng Thành hoàng thì dân làng có thể thay thành hoàng nếu thấy vị thành hoàng đang thờ không còn linh ứng hoặc không thay nhưng tôn vị phúc thần khác lên làm thành hoàng chính. Lý do mà làng Kế Môn cúng đầu năm ở miếu Đô Ty và không còn cúng ở miếu Thành hoàng như trước đây bởi làng đã chọn ngài Đô Ty làm Thành hoàng chính của làng vì ngài là con dân của làng.
*LỜI KẾT
Sự việc đã xảy cách đây gần 160 năm nhưng hầu hết những gì chúng ta biết về ngài thì quá ít ỏi và mơ hồ. Nay qua bài viết này tác giả muốn làm sáng tỏ thêm về thân thế cũng như giải đáp một số nghi vấn về sự tích của Thần với mục đích “dân làng phải biết sử làng”. Vì vậy rất mong sự góp ý và bổ sung các thông tin liên quan đến Thần của quý đồng hương. Nhân đầu năm mới xin kính chúc tất cả bà con làng Kế Môn ta một năm mới “An Khang Và Thịnh Vượng”.
Cầu xin Ngài: “Bổn Thổ Thổ Kỳ Đô Ty Trần Quý Công” Phù Hộ Cho Con Dân Của Làng Trong Năm Mới Luôn “Chân Cứng Đá Mềm”.
Phước Long, ngày 02/02/2025 (mồng 5 tết Ất Tỵ)
Thân chào,
Trần duy Huấn
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận