CHUYỆN MA Ở LÀNG 24-03-2023 Thao Nguyen
Có lẽ trong mỗi người chúng ta, ai cũng đã từng đặt ra câu hỏi: Có ma không? Câu trả lời thường là tùy… Có người tin là có ma thật, có người lại không, có người lại nửa tin nửa ngờ. Nhưng những câu chuyện về ma thì nhiều vô kể, từ ngoài dân gian, đời thường đến trong sách vở. Đặc biệt các câu chuyện ma thường được thêu dệt khá là ly kỳ hấp dẫn, khiến nhiều người tuy sợ ma mà vẫn cố lắng nghe.
*Có ma hay không? Ma hiện ra thế nào?
Ở các vùng quê như ở làng Kế Môn, thời xưa, lúc chiến tranh loạn lạc, đi đâu cũng “gặp” ma: ngoài sông hói, trong rú và ngay cả giữa làng, giữa xóm… nơi nào có bóng dáng người chết đâu đó là… có ma. Con nít hầu như đứa nào cũng sợ. Đi ngang mồ mả (của những người sống “dữ” hay chết “dữ”), các miếu xóm, các nghè thờ, nhất là mấy âm hồn, đứa nào cũng lạnh xương sống, không dám dòm vô, cố nhắm mắt nhắm mũi chạy trối chết.
Tất nhiên ma thường… hiện ra lúc đêm khuya bởi vì ma thuộc về… cõi âm. Nhưng ở rú, nơi mồ mả nhiều, cây cối rậm người ta cũng thường cho là ma hay…xuất hiện vào buổi trưa, lúc mặt trời “đứng bóng”. Ở cuối truông Xóm Dừa hay Xóm Đề gì đó, nghe đồn có một… chợ ma hay họp lúc ban trưa. Từ xa đã nghe tiếng chào hỏi, mua bán râm ran, nhưng khi “liều mạng” tới nơi thì …chẳng thấy ai cả.
Ở vùng Khút Bàu Ngược, khi hai người dân chở cát sạn về xây chùa làng đầu thập niên 1960 bị chìm ghe chết trôi tại khúc sông đó, thân nhân nóng lòng không đợi nổi lên, bèn thuê ghe chài dùng lưới cào để vớt xác ngay. Những đêm sau đó, ghe của ông chài (tôi không nhớ tên) liên tục bị ma quấy rầy. Ông kể: “Hể tui đặt lưng xuống, mới chợp mắt, thì chiếc ghe lại lắc lư chao qua chao lại. Thoáng như có bóng người ngồi phía sau lái, tui vùng dậy bước ra, nhưng rồi chẳng chộ chi. Cứ rứa suốt đêm không ngủ được. Những ngày đó tui chẳng bắt được con cá, con tôm mô cả. Vợ tui mua bông, chuối, cứ chiều túi ra sau thắp hương khấn vái mãi, cả tháng sau mới hết”.
Có lẽ đó là ma nước hay còn gọi là “ma rà”! Người ta cho rằng ma rà lúc bắt được người chết trôi, nó phải “cầm tù” xác chết trong thời gian “ba chìm bảy nổi” để… chén và đổi mạng. Vì vậy ai cố vớt xác trước thời hạn đó thì chúng tìm cách trả thù, phá phách. Ở đây là phá ông chài. Trong lúc đó thì thân nhân người chết lại muốn vớt lên nhanh để …tránh cho gia đình cái “huông” chết nước, dân làng quen gọi là người “có noi”! Người ta còn dọa rằng người “có noi” chỉ cần húp một đọi nước là cũng có thể …chết vì nước!
“Ma” thì nhiều như vậy, nhưng nếu ai hỏi hình dáng của con ma ra sao thì có lẽ không ai trả lời cho cụ thể rõ ràng được. Có người “thấy” ma nữ (còn gọi là “tinh”) mặc áo trắng xỏa tóc dài lướt qua, có người “thấy” ma “đi” dòm xuống không có chân, lại có người “thấy” ma “không đầu”- có lẽ là những con ma của nạn nhân bị ai đó cắt cổ trong thời chiến “xôi đậu” ở làng… Và cũng còn nhiều hình ảnh ma ghê rợn khác nữa. Nhưng nói ra, thuật lại thì không ai cùng chứng kiến để kiểm chứng.
Có người nói ma chỉ là do tưởng tượng – vì sợ quá mà sinh ra ảo giác, tỉ như đi ngang hồ sen họ Hồ ban đêm dưới ánh sáng lờ mờ của ánh trăng, thấy …bóng ma thấp thoáng trên mặt hồ, ớn lạnh nổi da gà, vội vàng co giò mà chạy, không còn can đảm để đứng lại nhìn cho kỹ, rằng đó chỉ là cái táng lá sen phất phơ theo gió. Trong giấc mơ, có người bị… ma đuổi gấp sau lưng mà hai chân thì như bị “quấn quýu” không chạy được, muốn… đứng tim, tỉnh dậy thở hổn hển! Hóa ra ma phổ biến đến độ đi cả vào những giấc mơ.
Có người dứt khoát cho rằng thế giới tâm linh thì có thể có, không thể không tin hay bác bỏ, bởi vì nó thuộc về phạm trù “khoa học huyền bí” – mà đến nay trên thế giới vẫn chưa có ai lý giải, khẳng định. Nhưng cho rằng ma hiện ra hình người hay hình thú – tức là một thứ vật chất, cho dù chỉ là cái bóng – thì không thể tin. Nghĩa là, có thể có “hồn ma” nhưng “xác ma” thì không.
Hiện tượng “đồng bóng” phổ biến ở làng ngày trước – mà dân làng quen gọi là “sai vía”, hay thời gian qua sau chiến tranh, bỗng xuất hiện nhiều nhà “ngoại cảm”, khiến nhiều người vẫn nửa tin nửa ngờ. Tin là vì có những tình huống ông đồng bà bóng nói “trúng phóc” đến lạnh cả người. Ngờ là vì cũng có không ít ông đồng bà bóng “lên giả” mang tính dàn dựng dối trá. Chuyện tìm hài cốt theo ngoại cảm cũng vậy, có người đã tiết lộ rằng trong vài trường hợp phải “dựng chuyện như vậy để làm… yên lòng người sống”. Thật chẳng biết mô mà lần.
*Quan niệm của tác giả bài viết:
Vậy ý kiến của người viết thì sao? Trước khi có ý kiến về vấn đề này tác giả xin trình bày sơ qua quan niệm của mình về chuyện giữa “hồn và xác”. Rõ ràng con người ta được tạo nên bởi hai phần: một phần vật chất – cấu tạo bởi “ngũ hành” gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ – gọi là xác, và một phần tinh thần gọi là linh hồn – gọi tắt là hồn. Hồn và xác của một con người “nội tại” vào nhau, “tương hợp” với nhau. Nói khác là “hồn nào xác đó”. Đây chẳng phải là mê tín, mà là vấn để thuộc về khoa học, nó tạo thành bản chất riêng của một con người, không ai giống ai mà chỉ có một số ngoại lệ.
Nhưng hồn, trong một tình huống nào đó có thể “thoát xác” để “lơ lửng” ở…một nơi nào đó. Như khi ta ngủ say. Và hồn sẽ “nhập” lại để “đánh thức” xác dậy khi ta tỉnh thức. Ông bà ta xưa có một tục lệ kiêng cử – tuy mới nghe có vẻ như mê tín – nhưng suy cho kỹ đó chính là một quan niệm về hồn và xác. Rằng khi một người đang ngủ, nếu có ai đó lén vẽ lại khuôn mặt cho thật khác đi thì người này có nguy cơ “ngủ mê” vì hồn không thể “nhập” lại được. Bởi lúc đó hồn khó nhận ra xác của mình. Đó là chuyện ngủ, còn chết lại là chuyện khác, bởi cái xác lúc này đã “bất khả dụng” nên hồn có muốn nhập lại cũng không thể.
Chuyện “sau khi chết đi linh hồn người sẽ đi về đâu” là một câu chuyện dài, một vấn đề lớn và phức tạp, không thể mang ra bàn luận trong một bài viết ngắn như thế này. Bởi nó liên quan đến phạm trù tôn giáo, đến đức tin và rõ ràng, mỗi tôn giáo có một cách giải thích riêng – mà hầu như tất cả đều không hề có điều kiện để kiểm chứng (vì có ai chết đi sống dậy để kể lại “hành trình ra đi” của mình?).
Vậy, liên quan tới vấn đề “ma” trong câu chuyện này, ta hãy giả thiết rằng linh hồn người sau khi chết đi vẫn còn “vất vưỡng” đâu đó (chưa lên Thiên Đàng – nói theo Thiên Chúa Giáo, hay chưa đầu thai kiếp khác, chưa siêu thoát hay vãng sanh về cõi Phật nói theo Phật giáo). Nói khác là phần hồn của người đã khuất vẫn còn “quanh quẩn” đâu đó. Họ vẫn “nhìn thấy” người sống, đôi lúc đang “đứng” cạnh người sống, nhưng không thể giao tiếp. Mà đôi khi vì quá vấn vương tình cảm cõi trần hay vì các tình huống “oan khuất” nào đó, hồn người chết vẫn cố tìm mọi cách để “giải bày” với người sống. Đó là nhập, tức là mượn xác người sống để nói ra nỗi niềm.
Chính điều này đang giải thích phần nào hiện tượng đồng bóng và ngoại cảm như đã trình bày ở trên. Trong đó, phần hồn người chết – trong một tình huống “lấn lướt” hồn sống của chủ thể – đã nhập vào phần xác của ông đồng bà bóng. Lẽ tất nhiên giữa hồn chết và xác sống trong trường hợp này cần có điều kiện “tương hợp” đặc biệt – là những ngoại lệ như đã nói qua ở trên. Có lẽ vì vậy mà trong thực tế, không phải ai ngồi đồng đều “lên” được, vì xác xuất “tương hợp” giữa hồn này xác kia rất nhỏ.
Tóm lại, người viết cho rằng có thế giới tâm linh, có hồn ma, nhưng không tin là “ma” có thể hiện hình. Để kết thúc bài viết, xin được kể câu chuyện sau đây mà chính bản thân người viết đã trải qua hơn 60 năm về trước – qua chứng kiến của những người trong cuộc – như là một giải trình cho quan điểm của tác giả.
Dạo ấy, khoảng đầu thập niên 1950 thế kỷ trước, thời còn chiến tranh chống Pháp, khi tôi còn là một thằng bé khoảng 5,6 tuổi. Chị lớn tôi có căn nhà tranh cất tạm giữa vùng rú, ở truông xóm Xuôi, gần cống khe ông Phụ, giao cho người chị thứ và tôi canh giữ. Quanh đó lác đác cũng có mấy căn nhà. Bọn con nít chúng tôi, tối tối những đêm trăng sáng thường tụ tập ngay trên vạc mả trước nhà để chơi trốn tìm, ù mọi… Hôm ấy, bọn trẻ chơi tới gần nửa đêm mới giải tán, ai về nhà nấy, riêng tôi thì ngủ quên lại trên một nấm mộ. Đó là ngôi mộ nhỏ mà thường ngày chúng tôi vẫn thấy nó lòi ra một góc hòm bằng gỗ. Có lẽ phần vì cát bay, phần vì chôn quá cạn do gấp gáp gì đó trong thời chiến. Người ta nói đó là ngôi mộ của một chiến sĩ chết trận.
Chị thứ tôi kể: “Khi đặt lưng xuống ngủ một chặp, bỗng thức dậy không chộ thằng em mình đâu, tui vội chạy ra trước nhà coi nó ở mô, vừa chạy vừa kêu “Hươi M. huơi M. Mi ở mô?”. Khi ra tới gò mả, tôi mới chộ nó đang nằm úp mặt trên nấm mộ. Tui kêu “M…M. Dậy! Dậy!”. Tức thì nó lồm cồm đứng lên, chạy đi như ma đuổi. Tui đuổi theo và cứ kêu tên nó. Nó càng chạy mau hơn và băng cả rú, cả mồ mả. Tui chộ nó chạy xuống khe Lồ Ồ – nơi có mả của mệ nội tui sát bờ – mất dấu một chặp rồi nó chạy trở lên, chui vào nhà mụ Hiểu ở gần đó. Nghe tiếng tui la, cả nhà thức dậy mới bắt được nó”.
Nếu câu chuyện chỉ xảy ra chừng đó rồi thôi, như một tình huống mà dân gian thường gọi là “mớ ngủ” hay “mộng du” – mà vài người thường gặp – thì không nói làm gì. Đằng này, trong suốt những năm sau đó (trước khi tôi rời quê lên thành phố học cấp trung học), hễ mỗi lần tôi đang ngủ mà có ai đó gọi đúng tên tôi, tức thì, theo lời ông bà thân sinh tôi kể lại: “Nó ngồi dậy, khóc tức tưởi, thảm thiết, mặt như mặt …ma. Tui chẳng biết mần chi hơn để nó nín, chỉ biết lấy hết đao, rạ để lên chờn quanh nó. Cuối cùng một chặp nó mới chịu nín”.
Về phần tôi, khi tỉnh dậy, bị hỏi “tại răng con khót” thì tôi chẳng biết trả lời ra sao cả, mặc dù cố nhớ, rất cố. Chỉ mang máng là tôi thấy trước mắt một hình ảnh đủ màu sắc, quay cuồng quanh tôi, trông rối rắm và có gì đó thương cảm khiến tôi phải khóc. Thế thôi, tai hại là chẳng nhớ được gì thêm. Và suốt thời gian 5,6 năm sau đó đã xảy ra không dưới một chục tình huống tương tự mà hình ảnh trong mơ đều giống y chang nhau, và tỉnh dậy thì trí nhớ cũng chẳng khá hơn. Nó đến bất cứ lúc nào, buổi sáng, trưa, chiều, tối. Có một lần anh trai tôi từ Đà Nẵng về lúc chập tối, gỏ cửa gọi tên lúc tôi đang ngủ, thế là tôi bắt đầu…lên cơn.
Rất may là từ khi tôi rời quê ra đi đầu thập niên 1960 thì tình huống ấy không còn xảy ra nữa. Tôi cũng đã từng tự tìm nguyên nhân, và chị tôi cũng đồng ý với tôi khi cho rằng có thể hồn ma của anh chiến sĩ kia đã “nhập” vào tôi khi tôi úp mặt ngủ trên mộ của …chú ấy. Và chắc rằng hồn người chiến sĩ này đang có điều gì đó lắm oan khuất, tức tưởi, muốn tỏ bày với ai đó chăng.
Cho đến bây giờ sau hơn 60 năm trôi qua, đôi khi tình cờ nghe tới chuyện ma, chuyện hồn người chết, tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi: trường hợp của tôi thì sao? nguyên nhân có đúng như tôi suy đoán không? Sau này lớn lên, vài lần tôi cũng đã đi ngang qua vạc mả đó nhân khi đi chạp, xem có tìm lại được dấu vết ngôi mộ “bày hòm” không, nhưng nay thì mộ đã nhiều thêm hẵn và không gian thì đã thay đổi quá nhiều, không thể nhận ra mả nào là mả nào nữa.
*Bài viết: Thanh Mạo
*Ảnh minh họa: sưu tầm
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận