NGÀN LẺ MỘT LÝ DO ĂN NHẬU CỦA NGƯỜI VIỆT 12-11-2022 Thao Nguyen
Những tác hại từ RƯỢU BIA gây ra vẫn luôn là đề tài thời sự nóng bỏng. Những tai nạn thảm khốc do uống rượu say xỉn khi lái xe, những vụ bạo hành trong gia đình và cộng đồng dẫn tới chết chóc tù tội,…đều có bàn tay của ma men đưa đường dẫn lối. Về bản chất, bia rượu vẫn là một mặt hàng tiêu dùng phục vụ đời sống như bao mặt hàng khác. Nhưng sử dụng rượu bia như thế nào, đó mới là vấn đề. Mời bạn đọc thư giãn cuối tuần qua bài viết sau đây (tuy đã cũ nhưng vẫn mang tính thời sự):
Nếu có ai đó muốn làm một cuộc khảo sát, thống kê để biết chính xác ở các thành phố lớn của Việt Nam, cụ thể như ở Sài Gòn, có bao nhiêu nhà hàng, quán nhậu, từ “thượng vàng” đến “hạ cám” thì e rằng đây là việc làm hơi khó. Bởi Sài Gòn có quá nhiều những địa chỉ như vậy, từ nhà hàng hạng sang, đến các “làng” nướng, quán nhậu vỉa hè cho tới nhậu “riêng lẻ”… thôi thì đủ cỡ, đủ kiểu. Dân nhậu thì hầu hết ở tuổi thanh niên, trung niên và một số lão niên. Sáng, trưa, chiều, tối đều có “suất”, thậm chí có nơi còn nhậu cả khuya 1, 2 giờ sáng.
Có người cho rằng vì kinh doanh nhà hàng, quán nhậu lời “khẳm”, nên loại hình này bùng phát dữ dội và đang ở giai đoạn “cao trào”, cực thịnh. Nhưng phải nhớ rằng có “cầu” thì mới có “cung”, đó là quy luật của thị trường. Không có “giới” ăn nhậu đông đảo thì làm sao có quán xá tràn lan? Ở đây cũng cần phân biệt một chút giữa “nhậu nhẹt” và “tiệc tùng”. Tiệc tùng thì phải có lý do rõ ràng, dẫu cho các lý do thời nay nhiều khi có vẻ “lãng nhách”, là sản phẩm của một thứ “phú quý sinh bát đĩa”. Còn nhậu nhẹt thì không cần phải có lý do, dẫu cho nhiều lúc vẫn có ẩn chứa một hậu ý hay mục đích nào đó của chủ bàn nhậu.
Nhậu so với tiệc, dù hai bên cũng đều là “ăn uống” cả, nhưng tiệc thì có thể chỉ uống chút rượu nhẹ hay nước ngọt và cái “ăn” mới là chính, còn nhậu thì đa phần là với rượu bia, và cái “ăn” hầu như chỉ là phụ. Và bia ở đây, không chỉ uống một vài lon như cách giải khát thường ngày của người nước ngoài, mà là hằng chục lon, thậm chí hằng “két”, hằng “thùng”. Uống thì thường phải “quắc cần câu”, không say không về! Và điều đặc biệt, nhậu thì phải ồn ào, rôm rả, phải thi đua “dzô” tập thể, và “rượu vào lời ra”, càng “sung” càng tốt.
Ăn nhậu nói chung (kể cả tiệc tùng), là cả một đề tài hết sức phong phú, không thể diễn tả hết mọi khía cạnh trong một bài viết ngắn. Ở đây tác giả chỉ muốn bàn về “ngàn lẻ một” lý do để ăn nhậu của người Việt, và xin dùng từ “uống” để thay cho từ “ăn nhậu”, bởi vì điều đáng gây ra hệ lụy không phải là ăn mà chính là “uống”. Từ đó, có thể hiểu ra là tại sao người Việt lại uống bia kinh khủng, với 3 tỷ lít bia mỗi năm (tương đương 3 tỷ USD), trong khi đại đa số dân Việt vẫn còn nghèo, thậm chí là “chạy ăn từng bữa”.
*1001 lý do để nhậu:
–“NAM VÔ TỬU…” : uống !
“Nam vô tửu như kỳ vô phong” là câu nói từ xa xưa khi người Việt bắt đầu biết uống rượu. Có lẽ nó không xuất phát từ dân gian nói chung mà từ cửa miệng của các “đấng lưu ly”. Nhưng xưa người ta chỉ uống thứ rượu đế màu trắng, cùng lắm mỗi “đấng” chỉ cần năm ba xị là đã “quắc cần câu”, còn bây giờ uống bia, “bợm” có thể ngốn từ két này tới két nọ. “Đàn ông không rượu như cờ không gió” câu nói tuy có vẻ “áp đặt”, viễn vông, nhưng đã khiến cho không ít quý ông ảo tưởng rằng đó là sự thật. “Tửu lượng” trở thành thước đo “bản lĩnh của đàn ông” và từ đó, trải qua bao đời “tửu lượng” mặc nhiên trở thành “niềm tự hào”, thành “sức mạnh” của giới mày râu. Lại còn uống càng nhiều bia thì bụng càng bự, bụng càng bự thì tướng càng “sang”. Bởi người ta tin rằng “đàn ông bụng bự thì sang”!
Ngày nay, lứa tuổi nam thanh niên người Việt đã bắt đầu chứng tỏ “bản lĩnh” của mình khá sớm. Trên những bàn nhậu, họ thi nhau rót và nốc. Viện lẽ “tửu ép bất khả từ” họ cứ liên tục cạn ly và cạn ly…Cứ thế cho đến khi “chiến hữu” mà cũng là “đối thủ” – có khi là một, có khi là nhiều – ngã gục trên bàn hoặc lăn quay ra đất, họ khoái trá với niềm say sưa là kẻ chiến thắng! Đó là lý do thứ nhất.
-VUI : uống !
Nói về tiệc tùng ngày nay thì rõ ràng là “phú quý sinh lễ nghĩa”. Câu tục ngữ này có lẽ đúng trong mọi thời đại. Bởi ngày nay, qua rồi cái thời chiến tranh gian nan, thiếu thốn cơ cực, khi kinh tế ngày càng có vẻ khá lên, có của ăn của để, người người bắt đầu tổ chức đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, tiệc cưới, tiệc hỏi; nhà nhà tổ chức tân gia, giỗ quảy, lên chức lên lương, đó đây hội làng tổ chức họp mặt kỷ niệm, lễ hội truyền thống…Chưa kể Tết Dương lịch và Tết cổ truyền cứ nối gót từ năm cũ sang năm mới,… là những dịp “dài ngày” vô cùng thoải mái để bà con họ hàng “giao lưu” gặp gỡ…
Có thể nói là chưa bao giờ xã hội ta lại có nhiều “hỷ sự” hoành tráng và phong phú như vậy. Mà hỷ sự, có ăn thì phải uống. Uống thứ gì mà nam nữ ai cũng “dzô” được? Thì có gì ngoài bia? Rõ ràng vì vui mà uống là lẽ đương nhiên, không ai có thể chê trách phê phán. Quý bà cũng không thể rầy rà quý ông trong trường hợp này. Và càng uống nhiều, “không say không về” thì càng chứng tỏ tình cảm chân thành và niềm vui mới “trọn vẹn”! Đó là lý do thứ hai.
-BUỒN : uống !
“Uống để giải buồn”, “uống để tiêu sầu”. Điều đó thì ai cũng biết, ai cũng có lúc từng trải nghiệm. Bởi ngoài niềm vui ai lại chẳng có những nỗi buồn. Buồn vì “thất tình”, vì duyên nợ; buồn vì gia đình, buồn chồng, buồn vợ, buồn con; buồn từ trong cơ quan ra xí nghiệp, vì công ăn việc làm, thậm chí buồn chán, ức chế vì những đụng chạm, bất công ngoài xã hội,…con người ta muốn mượn rượu, mượn bia, mượn men say để tạm quên đi tất cả. Thực tế này cũng đã phần nào giải thích “điều lạ lùng” là tại sao khi kinh tế càng khó khăn, công ty xí nghiệp giải thể, đóng cửa, công nhân thất nghiệp, nói chung là việc kiếm tiền trở nên khó khăn, thì người ta lại càng “uống” nhiều hơn! Nhưng bất hạnh thay vì đây cũng chỉ là cách đối phó, tránh né, dẫu biết là tiêu cực, bế tắc, vì khi tỉnh rượu: mọi việc vẫn “đâu vào đấy”, không giải quyết được gì. Vậy mà người ta vẫn cứ uống bởi không còn lối thoát nào khác. Và cứ thế vẫn vật vờ “sáng xỉn, chiều say, tối…lăn quay”. Đó là lý do thứ ba.
–KHÔNG VUI KHÔNG BUỒN : cũng uống !
Ở đây chính là trạng thái “vô tư”, nhiều lúc đồng nghĩa với “ở không”. Mà ở không thì cảm thấy “ngứa ngáy” thiêu thiếu một điều gì đó. Người có thói quen đọc sách, có “tâm tư” thì vào phòng đọc sách, vào thư viện, số đông thuộc “tuýp” khác, “thực dụng” hơn lại tìm kiếm bạn bè, để rồi được đấu láo, “tám” chuyện thời sự, chuyện trên trời dưới đất. Vừa “tám” vừa nhìn làn khói thuốc tản mạn, hình ảnh tuôn trào “thân quen” của bọt bia ra khỏi chiếc cốc thơm trước mặt. Và rồi cứ thế men say “vơi lại đầy…đầy rồi lại vơi, thật lãng tử! Đó là chưa nói đến “hiện tượng” những con người “phàm phu tục tử” bên khói thuốc và hơi men đôi lúc bỗng có “tâm hồn”, bỗng biến thành “thi nhân”. Bởi có ai ngờ cái tên thuốc “CAPSTAN” vô tri vô giác lại được “bợm nhậu” thổi hồn: “Cho Anh Phát Súng Tàn Ân Nghĩa – Chiếc Áo Phong Sương Tặng Ấm Nàng”!? Đó là lý do thứ tư.
-GIAO DỊCH : càng phải uống !
Không biết từ lúc nào, rượu bia đã trở thành “một phần không thể thiếu” trong giao dịch làm ăn của người Việt giữa thời đại ngày nay. Những hợp đồng được “ký kết” trên bàn tiệc xem ra khá suôn sẻ hơn trên bàn giấy ở văn phòng. Rượu bia bỗng trở thành chất bôi trơn rất ư là hữu hiệu: vừa trơn cổ để dễ ăn nói (theo nghĩa đen), mà cũng vừa trơn tru cho công việc làm ăn (theo nghĩa bóng). Hình thức giao dịch này xem ra ngày càng phổ biến và trở thành thông lệ, là quy luật bất thành văn của giới làm ăn người Việt đặc biệt trong các quan hệ với lãnh vực công. Và tùy giá trị của hợp đồng mà có chất men phù hợp: thấp thì có 333, Saigon, Tiger,… trung bình thì có Ken, Saporo,… cao hơn thì phải sử dụng đến Hennessy, Rémy XO, hay Camus…Đó là lý do thứ năm.
-GHIỀNG : không uống không được !
Với 5 lý do vừa kể, hẵn là còn thiếu, nhưng đấy là những lý do tiêu biểu. Từ đó sẽ dẫn tới một lý do khác mang tính “hệ lụy” rất cao: Đó là “ghiềng”. Bởi dù có uống vì bất cứ lý do gì, nhưng cứ uống mãi, uống thường xuyên sẽ dần dần trở thành thói quen, thành “con nghiện”, một trạng thái mà hiếm khi người trong cuộc tự ý thức được. Đây mới thực sự là lý do quan trọng, nguy hiểm, dễ dàng dẫn con người ta đến chỗ “lạm dụng” rượu bia. Nó cũng gần giống như ma túy vậy: thiếu bia thì con người đâm ra vật vờ, tâm lý bất ổn, cơ thể bải hoải, hao gầy.
Đó là nói về hệ lụy cho riêng cá thể, còn với tập thể, nó sẽ dần dần hình thành nên cái “nếp”, cái lề thói, thậm chí trở thành tập quán của một cộng đồng, một xã hội, trở thành một thứ “văn hóa”: văn hóa ăn nhậu, (dẫu vẫn biết rằng dùng từ “văn hóa” ở đây là quá thô thiển, là một cách “bôi bác” ý nghĩa của từ này, cũng như người ta gọi là “văn hóa từ chức” hay “văn hóa khinh bỉ” gì gì đó nữa).
*Kết:
Xem như vậy, người Việt ta có quá nhiều lý do để tiệc tùng, ăn nhậu, để uống. Mà có thể nói, bên cạnh mục đích “chia vui” thì ít mà “sẻ buồn” lại nhiều. Buồn vì quá nhiều lý do từ cộng đồng, từ đất nước, từ xã hội. Ở đó có lắm bất công, lắm bất an và đầy bất mãn. Cuộc sống trở nên mong manh, tâm trạng con người cũng bị ức chế, căng thẳng và bi quan. Tự nhiên người ta cần sống vội và không còn niềm tin ở tương lai. Và ăn nhậu chính là một trong những “kênh” để giải tỏa, mượn men say để quên đi thực tại.
*Thanh Mạo (2015)
(Hình ảnh: sưu tầm)
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận