XUNG QUANH CÂU HỎI: KẾ MÔN CÓ PHẢI LÀ LÀNG NGHỀ KIM HOÀN? 10-11-2022 Thao Nguyen
Thừa Thiên Huế từ xưa vốn quy tụ nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chỉ nói riêng về huyện Phong Điền đã có gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, rèn Hiền Lương, đệm Phò Trạch… và kim hoàn Kế Môn. Tuy nhiên nhiều người đã không đồng tình khi xếp Kế Môn vào dạng LÀNG NGHỀ như các làng đã nêu, bởi nghề kim hoàn ở Kế Môn có nét đặc thù. Người ta chỉ có thể đồng ý với nhau ở một điểm: làng Kế Môn chính là nơi khởi phát ra nghề kim hoàn – hay hình tượng một chút là CÁI NÔI của nghề kim hoàn cả nước. Tại sao? Mời các bạn cùng trở về với quá khứ để đánh giá về quan điểm này.
- Hoàn cảnh ra đời nghề thợ bạc ở Kế Môn
Cho đến cuối thế kỷ 18, làng Kế Môn – qua gần 500 năm từ khi thành lập vào đầu thế kỷ 14 – vẫn là một làng thuần nông như các làng quê khác kế cận. Nhưng rồi như một định mệnh, một sự kiện tình cờ đã làm thay đổi đời sống kinh tế của một bộ phận người dân làng. Đó là sự xuất hiện của nghề thợ bạc, do hai vị tổ sư người họ Cao là Cao Đình Độ và con trai là Cao Đình Hương mang tới.
Hai cụ người họ Cao có gốc gác từ làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, di cư vào Đàng Trong lập nghiệp vào thời kỳ quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân (1783) sau khi chúa Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh bật phải chạy thoát vào phía Nam. Truyền khẩu kể lại rằng trên hành trình Nam tiến ấy, khi thuyền của gia đình các cụ đi trên sông Ô Lâu ngang Khút Bàu Ngược – một vũng nước xoáy bên cạnh đồng ruộng làng Kế Môn, chiếc thuyền chèo bị lật chìm. May mắn các cụ được hai nông dân người Kế Môn thời ấy – một vị họ Hoàng và một họ Trần – ứng cứu kịp thời.
Cũng theo truyền khẩu, sau tai nạn này, gia đình các cụ đã quyết định neo thuyền dừng chân xin lưu trú trên đất làng Kế Môn – và đã được hội đồng tộc trưởng cùng người dân bản làng thời ấy ưu ái dành cho một đặc ân so với “thông lệ” đối với người mới nhập cư. Cụ thể là không phải qua giai đoạn “thử thách” ban đầu. Chính trong khoảng thời gian sau đó, trên đất Kế Môn, cụ Cao Đình Độ đã đem vốn liếng quý báu là nghề thợ bạc – tích lũy được từ trên đất Bắc – ra truyền dạy cho một số thanh niên trong làng, như một nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa. Họ, những thanh niên người Kế Môn này chính là những đệ tử đầu tiên của cụ Cao. Và sau này khi được triệu vào cung tại kinh đô Phú Xuân theo lệnh của vua Quang Trung (khoảng năm 1790), hai cụ cũng đã mang theo các đệ tử – những người thợ Kế Môn – để cùng làm việc trong đội Cơ vệ Ngân tượng của triều đình.
- Cơ vệ Ngân tượng thời Quang Trung và Gia Long
Như vậy có thể nói, trong buổi sơ khai mới thành lập ngành Ngân tượng dưới thời vua Quang Trung – một bộ phận chuyên nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, chế tác trang sức, các vật dụng và đồ trang trí bằng vàng bạc ở cung đình – dưới vị lãnh binh cai quản chỉ huy là cụ Cao Đình Độ, và người con trai thợ cả giúp sức Cao Đình Hương – thì hầu hết các tay thợ nòng cốt thời ấy đều là người làng Kế Môn.
Cứ thế tiếp nối cho đến khi nhà Tây Sơn sụp đổ, mở đầu triều đại nhà Nguyễn (1802), Cơ vệ Ngân tượng cùng nhân sự đội cai quản được vua Gia Long cho bảo lưu. Và khi Cơ vệ Ngân tượng ngày càng được củng cố mở rộng, nhu cầu thợ chế tác càng đông, thì đó là cơ hội cho lớp thợ đàn em kế thừa người Kế Môn được thu dụng bổ sung. Dần dần, một bộ phận không nhỏ con dân làng Kế Môn cùng gia đình dòng họ các thế hệ tiếp nối – mà khởi đầu vốn xuất thân từ hai dòng họ Trần Duy và Huỳnh Công – đã tiếp bước theo nghề thợ bạc – chính là tiền thân của nghề kim hoàn ngày nay.
Những gì diễn ra sau đó thì các di tích lịch sử và các sắc phong còn bảo lưu cũng đã chứng minh. Cụ Cao Đình Độ qua đời năm 1810 ở tuổi 66, được vua Gia Long sắc phong tước hiệu “Đệ Nhất Tổ sư” và cụ Cao Đình Hương, sau 11 năm dốc lực truyền nghề cho nhiều đệ tử, cũng nối gót theo cha năm 1821 ở tuổi 48, được vua Minh Mạng ban tước hiệu “Đệ Nhị Tổ sư”. Sau đó, vâng theo di nguyện của cụ Cao Đình Hương các đệ tử đã chia nhau lan tỏa ra khắp nước từ Bắc chí Nam để truyền nghề lại cho lớp thợ hậu sinh. Nghề kim hoàn từ đó hình thành và phát triển rộng khắp đất nước và kỹ thuật chế tác ngày càng được nâng lên tầm tinh vi và hiện đại.
- Phải chăng Kế Môn là làng nghề đúng nghĩa?
Với các hạn chế về tài liệu truyền khẩu và qua truy tìm trên thực địa, thì cho đến nay, các di tích (như vườn tược, nhà cửa, lò bệ…) mà hai cụ Cao để lại trên đất Kế Môn hầu như không hề được lưu dấu nột cách rõ ràng. Một số vị lão thành trong làng (đã mất) cho rằng Cụ Cao sống cùng với người họ Hoàng ở Xóm Đình. Rất tiếc cũng không ai xác quyết chuyện này, để từ đó mà nay làng đã có thể xây dựng nên một Khu Lưu Niệm. Tuy vậy nếu căn cứ vào sử sách, xác nhận rằng gia đình cụ Cao đã xuôi Nam vào khoảng năm 1783 như đã dẫn ở trên (và giả thiết tình huống thuyền đắm trên sông Ô Lâu cũng gần với thời điểm ấy), cho đến khi được vua Quang Trung triệu vào kinh đô (khoảng năm 1790) thì tính ra gia đình cụ Cao đã cư ngụ trên đất làng Kế Môn được chừng 7 năm.
Khoảng thời gian ấy ngoài việc truyền nghề cho con trai và thanh niên làng, thì việc “hành nghề” của thầy trò cụ Cao (nếu có) đã diễn ra ở mức độ nào trên đất làng. Đó vẫn là một ẩn số. Nhưng nếu biết rằng, vàng bạc – đặc biệt là vàng – loại quý kim mà đám thứ dân khó có quyền sở hữu, nhất là ở một vùng quê nghèo, thì có thể suy đoán việc sản xuất, gia công hoặc trao đổi món hàng trang sức vàng bạc xa xỉ kia khó có thể xảy ra ngay trên địa bàn làng Kế Môn thời ấy một cách phổ biến, thường xuyên và lâu dài để biến địa danh này thành một làng nghề đúng nghĩa.
Còn sau này, khi hai cụ Cao và các đệ tử thạo nghề của làng đã vào kinh đô làm việc trong đội Cơ vệ Ngân tượng rồi, liệu các thế hệ thợ đàn em, đàn con cháu có còn trụ lại trên đất làng để hành nghề thợ vàng bạc, hay cũng phải tìm đường vào kinh đô Phú Xuân, vào kinh thành Huế, là nơi “đất lành chim đậu” của nghề vàng?
Rõ ràng do tính đặc thù của sản phẩm mà một thực tế là người thợ kim hoàn Kế Môn – từ trước đây cũng như ngày nay – thường phải rời làng ra đi lập nghiệp ở một xứ khác, nơi phồn hoa đô hội hay ít ra cũng có điều kiện sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn. Hiếm có ai mở lò hay kinh doanh vàng bạc ngay trên đất làng cả. Các cơ sở kim hoàn người Kế Môn hiện hữu trên khắp các tỉnh thành trong nước từ nửa cuối thế kỷ 20 và ở cả hải ngoại hiện nay là một minh chứng.
- Cái nôi cuả nghề kim hoàn Việt Nam
Từ các nét đặc thù vừa kể, có thể khẳng định, với nghề thợ bạc xưa, thợ vàng trước đây hay nghề kim hoàn hiện nay, tuy đã từng nổi tiếng với danh xưng “làng kim hoàn” hay “làng vàng”, nhưng Kế Môn vẩn chưa hẵn là một LÀNG NGHỀ đúng nghĩa – như các làng gốm Phước Tích, rèn Hiền Lương, mộc điêu khắc Mỹ Xuyên hay đệm bàng Phò Trạch một thời… Kế Môn, chính xác hơn là nơi khởi nguồn của một nghề nghiệp, hay hình tượng hơn một chút là chiếc nôi đã ấp ủ buổi bình minh ban sơ với nhiều kỳ vọng của một nghề: nghề thủ công mỹ nghệ kim hoàn. Bởi nếu không có hai cụ Cao Đình Độ và Cao Đình Hương xuất hiện ở làng Kế Môn như một định mệnh ơn nghĩa thì chưa chắc Cơ vệ Ngân tượng đã có được cơ may và điều kiện nhân sự thuận lợi để hình thành và phát triển suốt từ triều đại Tây Sơn qua đến nhà Nguyễn. Từ đó sản sinh ra hàng loạt những người thợ kim hoàn đi truyền nghề khắp nước, làm cho nghề kim hoàn của chính người Việt ngày càng phát triển rộng khắp cả về lượng lẫn về chất như ngày nay. Nói làng Kế Môn là cái nôi của nghề kim hoàn Việt Nam chính là trong ý nghĩa đó.
Bài: Nguyễn Thanh Mạo (2019)
(Trích bài viết trong sách “Làng Kế Môn”)
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận