CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI GIÀU Ở LÀNG KẾ MÔN 28-04-2020 Thao Nguyen

Làng Kế Môn vốn nổi tiếng là “làng kim hoàn” hay dân dã hơn người ta thường gọi là “làng vàng”. Đã là “làng vàng” tất phải giàu. Cái giàu có thịnh vượng thể hiện rõ nét qua cảnh quan kiến trúc của ngôi làng. Bởi vậy mà qua ảnh vệ tinh của Google hay nếu dùng flycam quan sát từ trên không, sẽ rất ngạc nhiên và thú vị, cứ ngỡ đây là một thị xã hay một chốn phồn hoa đô hội nào đó, chẳng phải là hình ảnh thường thấy của một làng quê nông nghiệp.
.
                   Một góc của làng Kế Môn (nhìn từ flycam của Nguyễn Hồng Hạnh)
.
Có bài báo đã không ngần ngại khi cho rằng Kế Môn là “quê hương của hàng ngàn người giàu”. Quả không ngoa bởi thực tế có khả năng là như vậy. Tất nhiên “giàu” ở đây là muốn nói về tài sản vật chất. Nhưng có điều, trong khi do đâu nhiều người Kế Môn trở nên giàu có thì ai cũng có thể nhận biết, còn giàu cỡ nào, làm giàu ra sao thì lại là vấn đề cần tìm hiểu.
.
Giàu cỡ nào?
.
Trước hết, hãy định nghĩa thế nào là “giàu”. Một người có tài sản cỡ nào mới được coi là giàu? Câu trả lời tuy dễ mà khó. Vì mỗi thời mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác. Kinh tế thời còn lạc hậu tất phải khác với kinh tế thời phát triển. Ngày xưa, thời nông nghiệp, trong ba hoàn cảnh thường gặp trong đời sống: thiếu-ăn thiếu-mặc, đủ-ăn đủ-mặc và dư-ăn dư-mặc, thì “dư ăn dư mặc” hay có “của ăn của để” được cho là thuộc dạng khá giả, có thể hiểu là “giàu”. Tuy nhiên trong số những người thuộc thành phần may mắn ấy, muốn biết được “ai thực sự giàu hơn ai” là điều không phải dễ. Bởi “của-để” này thường chỉ thể hiện phần “nổi” trên số tài sản thấy được, đo đếm được (qua đất đai, ruộng vườn, nhà cửa,. trâu bò, xe pháo, số lượng “người ăn kẻ ở”,…), phần “chìm” còn lại vẫn là một… con bài tẩy mà – ngoại trừ những kẻ hay khoe khoang – thường người ta hay dấu đi.
.
Thời nghề kim hoàn mang lại thịnh vượng cho người Kế Môn trong nửa cuối thế kỷ 20, tiêu chuẩn “của ăn của để” có vẻ đã lạc hậu vì… chưa đủ để được gọi là giàu. Ở thời kỳ này, tại miền Nam Việt Nam, có “xổ số kiến thiết” hàng tuần, với tấm vé số mệnh giá 10 đồng có cơ may trúng lô độc đắc lên tới 1 triệu đồng, ai trúng bỗng nhiên trở thành triệu phú. Như vậy ai có tiền triệu trở lên được coi là triệu phú, là giàu.
.
Với nghề kim hoàn, nhìn qua tầm vóc và bộ mặt cửa tiệm, có thể đánh giá sơ khởi mức độ thành đạt của chủ nhân. Nhưng cụ thể, nếu hiểu giàu bắt đầu từ mức triệu phú, thì với những ai có trong tay tiền triệu tức khoảng 500 lượng vàng (theo thời giá ở thập niên 1960 khoảng 2.000 đồng/lượng) thì mới được coi là giàu. Ở thời kỳ này, người Kế Môn hay kháo nhau: ở Huế có Vĩnh Mậu, Đà Nẵng thì “nhứt Kỳ nhì Đẩu”, Ban Mê thì có Thái Long,… là những tên tuổi tiêu biểu.
.
Còn ngày nay, ở đầu thế kỷ 21 với giá vàng dao động từ 40 đến 50 triệu đồng/lượng, cùng lúc một ngôi nhà cấp 4 ọp ẹp đã có giá vài ba tỷ đồng, thì tiêu chuẩn để được xếp vào ngưỡng giàu, không còn là triệu, thậm chí là tỷ tiền-đồng nữa. Lúc này với 500 cây vàng đã có giá tới gần 25 tỷ đồng tức xấp xỉ 1 triệu đô-la Mỹ. Nói khác, phải có triệu đô trong tay mới được coi là giàu.
.
Hiện người Kế Môn từ trong nước ra đến hải ngoại, nếu chỉ tính riêng người sống bằng nghề kim hoàn, có bao nhiêu người sở hữu số tài sản hàng triệu đô như vậy. Chắc là không ít, bởi có thể “mục sở thị” một số những doanh nghiệp kim hoàn người Kế Môn hiện đang có tầm vóc nổi trội, hoặc ở Cố đô Huế, ở Đà Nẵng, Sài Gòn hay Long Thành, Vĩnh Long và Tây Nguyên. Nhưng chắc là sẽ rất khó để thống kê hết bởi thực tế chỉ “ai giàu nấy biết” mà thôi. Nói “Kế Môn có hàng ngàn người giàu” là phỏng đoán một con số chung chung và có tính biểu tượng, bởi con số thực và chính xác có thể ít hoặc nhiều hơn.
.
Khác với cái giàu của các tỷ phú đô-la ngày nay trên thế giới – mà con số hiện đã lên tới hàng ngàn – ở đó tài sản được minh bạch và được truyền thông “xếp hạng” công khai hàng năm. Ví dụ: tốp 5 người giàu nhất thế giới hiện nay (2020) theo Reuters gồm: Jeff Bezos, Công ty Amazon, Mỹ (140 tỷ), Bernard Arnaul, trùm kinh doanh đầu tư, Pháp (107 tỷ), Bill Gates, Microsoft, Mỹ (106 tỷ), Warren Buffett, doanh nhân, Mỹ (102 tỷ) và Mark Zuckerberg, mạng xã hội Facebook, Mỹ (84 tỷ).
.
Làm giàu ra sao?
.
Ở Việt Nam, từ khoảng 5 năm trước đã bắt đầu có tỷ phú đô-la. Theo tạp chí Forbes, năm 2020, VN có 4 tỷ phú được ghi nhận, gồm Phạm Nhật Vượng, Vingroup (5,6 tỷ), Nguyễn Thị Phương Thảo, Vietjet (2,1 tỷ), Trần Bá Dương, Trường Hải ô tô (1,5 tỷ) và Hồ Hùng Anh, Techcombank (1 tỷ).
.
Tất nhiên trên đây mới chỉ là những khuôn mặt doanh nhân mà các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của họ được cho là đã “minh bạch hóa”, có niêm yết công khai trên sàn chứng khoán. Còn vô số những tay giàu cỡ triệu phú, thậm chí tỷ phú đô-la trong xã hội VN mà hầu hết tiền kiếm được đều từ các hoạt động phi pháp (lừa đảo, buôn lậu, tham nhũng,…) thì chẳng bao giờ lộ diện cả, mặc dù cứ nhìn vào cơ ngơi tài sản và cách tiêu xài, người ta vẫn thừa biết họ là những ai.
.
Xã hội Việt Nam thời nay, hố ngăn cách giữa giàu – nghèo ngày càng được đào sâu và mở rộng: bên cạnh tầng lớp giàu có – vốn chiếm thiểu số – vẫn là đại đa số dân nghèo, xuất thân từ tầng lớp công nông. Giàu thì giàu “khủng”, giàu đến “nứt đố đổ vách”, còn nghèo thì nghèo “kiết xác”, nghèo “mạt rệp”! Đó đây từ phố thị đến làng quê, người ta dễ dàng chóa mắt trước những “biệt phủ” nguy nga hoành tráng nằm không xa những khu ổ chuột hay những dãy nhà trọ nhếch nhác tồi tàn… Vậy nhưng có thể khẳng định 99% những kẻ giàu này thuộc dạng làm ăn bất chính, trong đó nổi cộm là lớp quan chức tham nhũng và những tên “đại gia” trọc phú cơ hội, dựa thế và ăn theo.
.
Còn những người giàu Kế Môn, ngoài một số rất ít làm ăn trong các ngành nghề khác (cá biệt có người đang sở hữu thương hiệu cà-phê nổi tiếng), thì hầu hết theo nghề kim hoàn dưới dạng doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Họ trở nên giàu có từ ý chí “thoát nghèo” buổi sơ khai nơi làng quê, từ con số không tròn trĩnh, từ số vốn nhỏ nhoi lúc ban đầu và chỉ trông cậy vào hai bàn tay, khối óc lương thiện của chính mình để tích lũy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Không lừa đảo, không gian dối, không bóc lột… Nghĩa là không mang tác hại trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ ai. Một cái giàu hết sức chân chính, hết sức lương thiện.
.
Họ không giống với bọn cơ hội trên với cái giàu cấp kỳ, nhanh, gọn và không cần tốn mồ hôi. Bọn này chỉ cần quên đi cái gọi là lương tri hay đạo đức, quên đi cái gọi là đồng bào, đồng loại. Tất nhiên với bọn họ tiền là trên hết, là kiếm tiền bằng mọi giá. So với chúng, cái giàu của người Kế Môn trước đây hay hiện nay quả là khiêm tốn. Nhưng cũng từ thực tế này mới thấy cái giàu của người Kế Môn thật đáng quý và đáng cho xã hội trân trọng biết chừng nào.
.
Từ đó mà những đồng tiền kiếm được của người Kế Môn có một giá trị hết sức nhân bản. Họ sử dụng những đồng tiên ấy một cách hợp tình hợp lý nhất có thể. Ngoài mưu sinh cho bản thân và gia đình, họ không quên bỏ tiền ra giúp đỡ bà con họ hàng, làng xóm, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn do thiên tai dịch họa. Họ cũng sẵn sàng đóng góp xây dựng những công trình phục vụ văn hóa và dân sinh nơi cố hương. Hình ảnh ngôi làng vừa khang trang, sạch đẹp vừa hiện đại là một minh chứng rõ nét nhất.
.
Thay lời kết
.
Xem như vậy, giàu cỡ nào. Triệu phú, tỷ phú tiền-đồng hay triệu phú, tỷ phú đô-la? Điều đó, ngoài nỗ lực tự thân, phần quyết định sẽ do số má, do thời vận. Giàu cỡ nào, nói cho cùng, cũng không quan trọng, vì chết đi sẽ chẳng mang theo được gì. Điều quan trọng là kiếm tiền ra sao, bằng cách nào, là làm giàu ra sao. Cuối cùng, tiêu tiền như thế nào, vào những mục đích gì. Đó mới là điều quan trọng.
.
*Nguyễn Thanh Mạo
(Sg, mùa dịch Covid-19)

Phản hồi (1)

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác