KHI NHỮNG VẠCH SƠN BIẾT NÓI 03-02-2016 Thao Nguyen
Giới thiệu:
Lâu nay, khi nói đến tai nạn giao thông đường bộ, người ta thường chỉ nói tới cánh tài xế như là một trong những nguyên nhân. Ít ai quan tâm đến lỗi của người đi bộ, dù thực tế cho thấy khá nhiều trường hợp, nhiều tình huống thoạt đầu, người đi bộ là nguyên nhân dẫn đến sự cố, đến tai nạn – cho chính họ cũng như người khác. Không kể các trường hợp lòng lề đường bị lấn chiếm, người đi bộ khi ra đường hoặc băng qua đường thường rất ít khi tuân thủ luật giao thông, ít để ý đến các vạch sơn hay biển báo. Thậm chí người ta còn quan niệm rằng cứ xe đụng người đi bộ thì lỗi là của xe. Xét theo luật thì đó là sai lầm, vô căn cứ.
Nhân sự kiện bắt đầu phạt lỗi vi phạm dành cho người đi bộ kể từ đầu tháng 2/2016 tại Hà Nội – như là một thí điểm, website langkemon.com.vn xin giới thiệu bài viết rất “thời sự” sau đây của Nguyên Thanh ghi lại:
TÂM SỰ CỦA NHỮNG VẠCH SƠN TRÊN ĐƯỜNG
Chúng tôi là những vạch sơn trên đường, tất nhiên là đường bộ, và là đường nhựa phẳng phiu hẵn hoi chứ không phải là đường đất hay sỏi đá lồi lõm ổ voi ổ gà. Bà con họ hàng chúng tôi xem ra cũng khá đông đúc. Bằng chứng là ở đâu có đường nhựa ở đó đều có chúng tôi thường trực. Chúng tôi sinh ra trên đất nước Việt Nam con Rồng cháu Tiên, và tuy cùng một ông tổ sinh ra: đó là cụ Tổ Giao thông Đường bộ, nhưng tầm vóc, hình dạng, kích cỡ chúng tôi lại chẳng giống nhau lắm, và mỗi một dòng phái lại đảm trách một phần việc khác nhau.
Bản thân tôi và đồng nghiệp khi hành sự thường phải mặc đồng phục màu trắng (thường là bằng vải…Seamaster 6200 xịn), nằm xếp hàng ngang ngay ngắn, trải thảm cho người đi bộ băng qua đường. Tất nhiên chúng tôi tập trung nhiều nhất ở các ngả ba, ngả tư, đặc biệt là các con đường ở nội ô, nơi thị tứ đông đúc người qua kẻ lại. Và thật vinh dự cho chúng tôi là đang được… công tác tại một thành phố phát triển vào hạng bậc nhất – mà xưa từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn đông”, nay là thành phố mang tên Bác.
Mà thành phố lớn thì người và xe cộ đều đông đúc, đường phố lúc nào cũng tấp nập người qua kẻ lại, vì vậy mà đồng phục chúng tôi mặc mới vài tháng đã xuống màu, rách bươm, phải thay mới. Tuy vậy, điều mà chúng tôi muốn nói ở đây không phải vì chuyện đồng trang đồng phục – dù trong chuyện thay mới đổi cũ liên tục này cũng đã ngốn một khoản chi không nhỏ từ cụ ông Sở Giao thông, mà thực ra là tiền của người dân đóng thuế. Điều chúng tôi muốn nói tới là ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt với người đi bộ. Nói cách khác là chúng tôi, vì vậy mà đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Hầu như chẳng có – hoặc rất ít – người đi bộ chịu băng qua đường trên mình chúng tôi – dù dẫm chân lên như vậy chúng tôi vô cùng hãnh diện, đôi khi còn có cảm giác rất khoái vì… đã ngứa! Chúng tôi thấy rõ một thực tế là người ta băng qua đường ở mọi lúc mọi nơi, một cách vô tư, thậm chí chỉ cách chúng tôi có vài ba mét, coi như là chúng tôi không hề được sinh ra trên cõi đời này! Trong khi đó thì các luồng xe cơ giới, lớn có, nhỏ có, tải nhẹ có, tải trọng kinh hoàng có, cứ tha hồ phóng và nghiền nát thân thể chúng tôi. Nhiều lúc họ còn vô tư dừng và đậu ngang nhiên trên mình chúng tôi, chắn hết lối băng ngang của người đi bộ trên các ngả tư đèn đỏ. Có lẽ họ cũng xem chúng tôi như không hề hiện diện trên đường thì phải.
Đây cũng có thể là lý do khiến người đi bộ không mặn mà với chúng tôi chăng? Bởi có lần vì bức xúc, tôi đã hỏi một người vừa mới băng qua đường:
-Sao bác không băng trên vạch sơn cho an toàn? Thì câu trả lời vừa giận dữ vừa thất vọng được thốt ra ngay:
-Thế băng trên vạch sơn của chúng mày với băng… như này thì có gì khác đâu? Chúng vẫn chạy ào ào kia kìa, có nhường đường cho đâu?!
Thực tế, giao thông ở nước tôi là như vậy. Chúng tôi vẫn hiện diện đầy đường ra đó: người thì giữ tim đường, không cho vượt, không cho cáng lên, vậy mà người ta vẫn cứ vượt, vẫn ngang nhiên lấn trái, để rồi tai nạn khủng khiếp phải xảy ra như cơm bữa. Những người như chúng tôi thì khoanh lối an toàn cho người đi bộ băng qua đường, nhưng cả người đi bộ và chạy xe đều không chịu sử dụng và tôn trọng. Thế đấy, luật thì có luật, không thiếu, nhưng người ta có chấp hành không thì lại là chuyện khác.
May thay trong nỗi thất vọng ngao ngán ấy, đôi lúc chúng tôi cũng được an ủi phần nào. Ấy là lúc gặp được những người nước ngoài. Họ đi từng cặp hoặc từng đoàn, da trắng có, da màu cũng có, băng qua đường trên mình chúng tôi một cách tự nhiên và nghiêm chỉnh – dù tôi biết họ cũng đang vô cùng cảnh giác và sợ hãi với cách chạy xe của người Việt. Chúng tôi lại nghĩ hình như… đồng loại của chúng tôi ở các nước văn minh có diễm phúc hơn chúng tôi nhiều. Bởi ở đó, họ có được truyền thống văn hóa và kỷ cương để phục vụ cho sự an toàn của khách bộ hành, không như ở đất nước chúng tôi.
Chúng tôi cũng đã từng tự hỏi: Liệu chúng tôi có cần tiếp tục được tồn tại một cách vô tích sự như thế này hay không? Đến bao giờ, ở ngay trên đất Việt chúng tôi, giao thông mới đi vào nề nếp, người tham gia giao thông mới hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông – đặc biệt là giao thông đường bộ – như ở các nước thực sự văn minh? Đến bao giờ dân Việt mới kéo giảm được tai nạn giao thông vốn đang nhức nhối như một quốc nạn ở đất nước này?
Và đâu phải chỉ có người chạy xe – cánh tài xế – mới là nguyên nhân gây tai nạn – mà thực tế trong nhiều trường hợp gián tiếp hay trực tiếp lại chính là do lỗi của người đi bộ. Vậy thì vấn đề không phải là do chúng tôi – những vạch sơn trắng trên đường – vô tích sự – mà là do từ những nguyên nhân khác: là văn hóa, là giáo dục. Vả chăng, không phải chỉ từ các mức phạt răn đe của CSGT không thôi mà cải thiện được tình hình, mà phải là sự kết hợp đồng bộ và có trọng lượng của cả hai mặt: chế tài và giáo dục.
Giáo dục nhân cách và luật pháp từ thế hệ mầm non cho tới trưởng thành, bên cạnh các mức phạt thật nghiêm khắc về các lỗi giao thông là hai biện pháp song song, sẽ giúp người đi bộ – cũng như người chạy xe ở đất nước chúng tôi văn minh hơn, an toàn hơn. Và như vậy tức là đã giúp chúng tôi – những vạch sơn trên đường – hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó. Chúng tôi sẽ không còn là những kẻ bị coi là vô tích sự, chỉ “ăn bám và ngồi không” nữa. Mong lắm thay!
NGUYÊN THANH
(Ghi lại tâm sự của Vạch Sơn)
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận