LỊCH SỬ LÀNG KẾ MÔN – QUÊ HƯƠNG TA ĐẸP VÔ NGÀN 22-11-2010 admin

Lời người viết

Mặc dù thời gian về sống tại quê hương chỉ khoảng 6 năm (1946–1951),  song suốt cả thời gian dài sau đó, hơn 23 năm theo học và công tác trên đất Bắc, không liên lạc được với gia đình, xa quê hương, nhưng lòng tôi vẫn luôn luôn nhớ đến những hình ảnh kỷ niệm về quê hương Kế Môn, quê Cha đất Tổ, nơi mẹ tôi, chị dâu và các em tôi đã vĩnh viễn nằm xuống sau suốt một ngày (18 tháng 2 năm 1951) mưa bom của giặc Pháp

Đến tháng 8 năm 1975, chúng tôi mới có dịp trở về thăm lại quê hương Kế Môn.Về thăm làng Kế Môn–gợi cảm cho chúng tôi lòng so sánh không nguôi là không đâu đẹp như quê ta.

Qua quá trình 20 năm công tác về nông nghiệp, chúng tôi đã từng tham gia trưc tiếp chỉ đạo sản xuất có kết quả tốt ở một số địa phương thuộc một số tỉnh, có cơ hội đi khảo sát và tham quan rất nhiều vùng thâm canh tăng năng xuất lúa cho cả miền Bắc lẫn miền Nam Việt Nam, nhưng chưa thấy có địa phương nào trong phạm vi một thôn, kể cả các địa phương cùng giải đất với làng Kế Môn, có lối xây dựng khu dân cư tập trung, phân bố xóm theo lối kiểu xương cá, có hệ thống giao thông vận chuyển đường bộ, đường thủy, kiến thiết đồng ruộng, chia “trưa” và “ruộng” ra từng dòng, đặt tên các dòng “trưa”, “ruộng” theo vần thơ chữ Nho, đắp bờ vùng bờ thửa, mương tưới, mương tiêu hợp lý thẳng tắp, quy cũ khoa học và mỹ thuật như các vị tiền bối của làng Kế Môn đã làm, kiến tạo cho quê hương Kế Môn trở nên những làng vừa đẹp vừa có quy cũ khoa học hơn cả.

Vì vậy khi ở tuổi “cổ lai hy”, với lòng thiết tha hướng về quê hương, chúng tôi đã cố công sưu tầm những tư liệu, sách báo đã viết liên quan đến Kế Môn, ghi chép lại những hiểu biết và nhận xét về quê hương, đồng thời trao đổi, thu thập thêm những ý kiến của các vị lão trong làng, chúng tôi đã hệ thống lại những tư liệu đó, viết thành tài liệu nhỏ này với tên gọi “Lịch sử làng Kế Môn – Quê hương ta đẹp vô ngàn”

Do những tư liệu được sưu tầm, góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau nên không sao tránh khỏi những thiếu sót. Mong Quý Bác, Quý Bạn đọc chỉ bảo, góp ý, bồ sung và lượng thứ cho, chung sức góp phần làm cho tài liệu này phong phú hơn, hoàn hảo hơn.

Nhân đây chúng tôi xin chân thành cảm ơn đến những tác giả có tác phẩm mà chúng tôi đã sử dụng, trích dẫn trong tài liệu này. Riêng chú Trần Cường (Đà Lạt) đã gởi cung cấp một số tư liệu quý về Làng.

Thành thật cảm ơn

Nguyễn  Thành  Trung

 

 

 

LỊCH SỬ LÀNG KẾ MÔN

QUÊ HƯƠNG TA ĐẸP VÔ NGẦN

Theo lịch sử dòng dõi Lạc Việt lập quốc Văn Lang ở phía Nam sông Dương Tử, Qua nhiều đời vua (Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân,các vua Hùng) thì nước Văn Lang bị quân Tàu chiếm và đô hộ. Trong hơn 1100 năm dưới sự đô hộ của quân Tàu, những vùng đất phương Bắc bị đồng hóa bởi người Tàu, nhưng dân phương Nam vẫn tiếp tục duy trì dòng giống Lạc Việt, người Việt vẫn liên tục đấu tranh giữ được bản sắc dân tộc và dộc lập tự chủ.

Đến năm 939, khi Ngô Quyền (897-944) đánh quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng giành lại độc lập cho người Viêt Nam từ tay người Tàu, nhưng lúc đó lãnh thổ chỉ còn từ Lạng Sơn đến Thanh Hóa.

Sau đó, đến năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn Nhị Thập (12) sứ quân, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Lúc bấy giờ nhà Tống bên Tàu phải công nhận sự tự chủ của nước ta là An Nam Quốc.

Những phần đất ở phương Bắc đã bị mất và bị đồng hóa bởi người Tàu và cũng từ đó người Việt Nam có khuynh hướng di dân về miền Nam mở mang lãnh thổ. Một dân tộc có sức phát triển mạnh mẽ thì cuộc Nam tiến là con đường duy nhất để tồn tại.

Trong việc mở mang bờ cõi về phía Nam lúc bấy giờ đã xúc tiến theo nhiều thể thức khác nhau.

  1. a. Đem quân chinh phạt, tấn công bất thần.

Như trường hợp vua Lý Thánh Tông năm 1069, đánh Chiêm Thành bắt được Chế Củ. Chế Củ phải dâng 3 châu: Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính (tức Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) để chuộc thân xin tha tội.

Đền năm 1075, vua Lý Nhân Tông phái Lý Thường Kiệt vào xây dựng 3 Châu này và chiêu mộ dân cư đến ở. Đó là cuộc Nam tiến di dân đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Đến năm 1103, vua Chiêm là Chế Ma Na đánh lấy lại 3 châu trên, nhưng đến năm 1104, vua Lý Nhân Tông lại phái Lý Thường Kiệt dùng lực lượng quân dân, ngăn ngừa Chiêm Thành xâm lăng bờ cõi, tiến quân trừng phạt. Chế Ma Na bại trận phải xin trả lại vùng đất đó.

b.Dùng chiêu bài ngoại giao, tình cảm để chinh phục.

Như năm 1306, vua Trần Anh Tông đem gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Vua Chế Mân dâng 2 Châu là Châu Ô và Châu Lý làm sính lễ xin cưới Huyền Trân Công Chúa. Việc bán gã này đã mở rộng cuộc Nam tiến vượt qua sông Gianh đến tận Thuận Quảng.

Năm 1307, vua Trần Anh Tông cử Đoàn Nhữ Hài vào tiếp nhận vùng đất mới và đổi tên Châu Ô thành Châu Thuận (gồm có quận Triệu Phong, Hải Lăng và Phong Điền), đổi Châu Lý thành Châu Hóa (gồm có Quảng Điền, Hương Trà, Diên Phước và Hòa Vang).

Cuộc Nam tiến từ Thanh Hóa đi dần vào Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình…Mở mang đến đâu thì chiêu mộ dân cư đến đó, đồng thời sử dụng lực lượng hàng binh và tù binh để cùng khai khẩn mở rộng bờ cõi.

Từ đó mở ra một giai đoạn mới, một truyền thống mới, rồi đặt tên tỉnh, tên huyện, tên xã, tên làng…lập họ, lập phái…

Làng Kế Môn, quê hương của chúng ta cũng ra đời từ bối cảnh lịch sử đó. Theo tài liệu về gia phả của các tộc họ, cùng theo sự truyền khẩu, thì hầu hết các vị thủy tổ của làng Kế Môn thuộc gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An. Những người đầu tiên vào sinh cơ lập nghiệp chủ yếu là khai hoang, đến vùng đất này vào khoảng đầu thế kỷ 15 (1410), qua lao động và gầy dựng nên Giang Sơn cẩm tú ngày nay. Theo sự  truyền khẩu, làng Kế Môn được lập thành từ một đơn vị  Nam tiến với một số người quen biết có quan hệ tình cảm với nhau và từ đó chia thành 12 họ (hiện nay có 16 họ).

Làng Kế Môn thuộc Tổng Vĩnh Xương, huyện Kim Trà, tỉnh Quảng Trị. Đến năm Minh Mạng thứ 16( 1835) thì làng Kế Môn được sát nhập vào huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nay làng Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

I- VỀ  ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN:

 

Làng kế Môn chạy dải khoảng 2,4 km, phân bố theo dải đất hẹp nằm giữa sông và biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam . Phía Nam giáp sông Ô Lâu, phía Đông Bắc là biển Đông, phía Tây Bắc giáp làng Vĩnh Xương, phía Đông Nam giáp làng Đại Lộc. Ruông đất canh tác làng Kế Môn chỉ chiếm 10% đất tự nhiên, do đó người dân Kế  Môn với bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó, kết hợp với sự  giúp đỡ và uy quyền của các Quan lại người Kế Môn trong triều đình phong kiến, đã tích cực khai phá đất hoang hóa để mở rộng diện tích canh tác. Nhờ vậy ruộng làng Kế Môn rãi khắp hai bên bờ  sông Ô Lâu và các Cồn như Cồn Chứa, Cồn Thót, Cồn Huyện thuôc địa phận làng Thế Chí Tây ( nay thuộc xã Điền Hòa) khoảng 100 ha, Cồn Đại Lộc bên kia sông Ô Lâu, trước mặt phía Đông Nam làng Kế Môn khoảng 250 ha.

Sau năm 1985, chủ trương của Nhà nước đã thu hồi đất ở các Cồn: Cồn Chứa, Cồn Thót, Cồn Huyện và giao cho dân xã Điền Hòa canh tác.

Riêng Cồn Đại Lộc qua quá trình canh tác, Ngài Thủy Tổ của làng Kế Môn không có con trai, chỉ có một người con gái bán gả cho người Đại Lộc và ông chuyển giao hồ sơ 250 ha ruộng đó cho người con rể, khi ông qua đời. Từ đó làng Kế Môn không còn ruộng ở cồn Đại Lộc nữa (có ý kiến khác cho rằng người con rể đã ăn cắp giấy tờ hồ sơ về ruộng đất Cồn Đại Lộc đó lúc ông bố vợ phơi vì giấy tờ bị ướt).

Hay như thời kỳ các cụ Nguyễn Thanh Oai, Nguyễn Lộ Trạch đã đưa một số bà con của hai Cụ thuộc họ Nguyễn Thanh vào khoanh vùng khai phá ruông ô ở làng Hà Trung, huyện Phú Vang. Do đó, nay có một phái Nguyễn Thanh dân Kế Môn định cư ở làng Hà Trung này.

Làng Kế Môn có diện tích đất tự nhiên khoảng 1.100 ha ( khoảng 780 ha đất được sử dụng do HTX quản lý và hơn 329 ha, do xã Điền Môn quản lý), trong đó có khoảng 222ha đất canh tác (đất ruông 186 ha, đất trồng màu 30 ha, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày là 6 ha), trên 140 ha đất lâm nghiệp, trên 400 ha đất chuyên dụng ( xây dựng cơ bản, giao thông, thủy lợi, đất mồ mả) và gần 11 ha đất thổ cư.

Sau lưng, phía Đông, là động cát rộng kéo dài hơn 1km ra tận biển Đông (Thái Bình Dương). Phía Đông, làng dựa vào chân dải động cát trắng với rừng cây tán nhở và thấp. Nhờ rừng cây tán nhỏ và thấp này đã bảo vệ ngăn chặn những cơn gió, bão cát từ biển thổi vào, di chuyển lấn đất đất khu dân cư và đất đai canh tác. Dân làng dùng khu động cát này làm nơi chôn cất người quá cố, xây cất mồ mả, lăng miếu. Động cao nhất là động Mít Nài, có vị trí gần giữa làng về phía sau rú. Đứng trên động Mít Nài có thể nhìn rõ đồng ruộng mênh mông nước mặt làng với dòng sông Ô Lâu trong xanh mà khúc sông nước chảy vòng uốn cong gọi là Khúc Bàu Ngược trông như bóng đầu rồng múa lượn mà thân rồng vươn dài đến tận Đồng Dạ (Giáp giới thôn Đại Lộc) và xa xa phí tây là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ đứng sừng sững như tấm bình phong khổng lồ và kiên cố che chở cho làng Kế Môn.

Qua dải động cát trắng, nếu đi tiếp về hướng Đông là lội qua con khe nhỏ mà dòng nước mát xuất phát từ các bàu ( bàu Bội, bàu Bề, bàu Dán, bàu Lấp, bàu Môn, …) có nước quanh năm và chảy theo khe Đồng Dạ (ranh giới giữa Kế Môn và đại Lộc). Nguồn nước tự chảy này dùng để tưới ruộng lúa.

Qua khe đó , đi tiếp về hướng Đông là cả vùng rộng lớn động cát vàng, khoảng hớn 1km là đến tận biển Đông (Thái Bình Dương)

Trước mặt làng, hướng Tây Bắc – Đông Nam là đồng ruộng mênh mông từ đường Ngang ra tận bờ : rào” ( bờ Sông Ô Lâu) với hệ thống giao thông đường bộ, mương tưới, mương tiêu cũng là hệ thống vận chuyển đường thủy rất thuận tiện

Đứng trên cao động Mít Nài ngó quanh

Trước làng cánh đồng lúa xanh bát ngát

Sông Ô Lâu nước biếc cháy xuôi dòng

Trường Sơn một dải xa trông oai hùng

Sau lưng làng động cát vàng mênh mông

Lắng nghe sóng vỗ tiếng dội biển đông…

Trước đây nhiều thầy điạ lý có dịp đến thăm làng Kế Môn đều khen phong thổ làng ta có nhiều nét đặc thù, đặc biệt. Qua quá trính đi công tác, tham quan và khảo sát nhiều thôn xã từ Bắc chí Nam, ngay cá các làng cùng một dải đất với làng ta cũng chưa thấy có địa phương nào có lối xây dựng khu dân cư , hệ thống giao thông vận chuyển đường bộ và đường thủy, kiến thiết đồng ruộng, chia ruộng, trưa ra từng dòng và đặt theo vần thơ, đắp bờ vùng bờ thửa, mương tưới, mương tiêu thẳng tắp, quy củ, khoa học và mỹ thuật như các vị tiền bối của làng ta đã làm, kiến tạo cho quê hương làng Kế Môn trở nên một trong những làng vừa  đẹp vừa quy cũ khoa học hơn cả.

Tuy nhiên về phương diện thiên nhiên, làng Kế Môn cũng nằm trong phạm trù chung của miền Trung, sông ngòi ngắn và cạn, đất đai nhẹ pha cát, ruộng chua phèn, nông nghiệp nghèo nàn, không có công nghiệp, mưa nắng hai mùa, đặc biệt vào những tháng 6,7,8 gió nóng từ Hạ Lào lổi qua đèo Lao Bảo tràn vào Quảng Trị, Thừa Thiên – gọi là gió Lào, rất nóng và oi bức. Cùng chịu ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt của vùng Thừa Thiên – Huế: nóng ẩm, mưa nhiều, ngập lụt về mùa mưa, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25oC, độ ẩm trung bình 84%, nhất là vào mùa lạnh. Nắng nóng dẫn đến hạn hán kéo dài từ tháng 5 – tháng 8 và lạnh vào thanag 11, 12 đến tháng 1, 2. mưa liên tục từ tháng  9 – 12 với lượng mưa trung bình hằng năm là 2,744 mm, lượng mua vào thánhg 10: 740 mm., cực tiểu vào thánh 3: 50mm. mưa nhiều và tập trung cào một số tháng đã tạo ra tình  trạng ngập lụt thường xuyên.

II- VỀ HỆ THỐNG GIAO THÔNG VÀ VẬN CHUYỂN THỦY – BỘ

1- Đường Bộ: làng kế Môn có 3 con đường bộ. Ba con đường này chạy song song với nhau theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, theo chiều dài của làng, trong đó đường Quan (nay là quốc lộ số 49) và đường Ngang (trước mặt làng) là hai trục giao thông chính.

a- Đường Quan: Trước còn gọi là con dường 68, chạy dài từ Hải Lăng, Quảng trị đến cửa Thuận An, nay gọi là quốc lộ 49 có kế hoạch mở rộng mặt đường trên 8m tráng nhựa rất thuận tiện cho xe cộ lưu thông vận chuyển

b- Đường Ngang: là con đường song song giữa đường Quan và đường Cấy (còn gọi là đường Rú), cách đường Quan khoảng 250m, cách đường cấy khoảng 200 – 220 m

Gọi đường Ngang vì đường này chạy ngang vuông góc với các đường xóm, phân cách một bên là khu dân cư, có một bên là “ Trưa” (là những chân ruộng nằm giữa đường Ngang và đường Quan, thường là những chân ruộng gieo mạ,  cấy lúa hoặc trồng màu). Đường Ngang đã đổ Bê tông xi măng, mặt đường rộng 4m và địa đặt tên là Nguyễn Thanh Côn. Con đường này sát với khu dân cư, có nhiều cây bóng mát, quán xá buôn bán nên người đi bộ, xe cộ đi lại rất tấp nập và nhộn nhịp.phương

c- Đường cấy: (Đường rú): Con đường này nhỏ, đất cát, phân cách khu gia cư và dải động cát trắng có rừng cây tán nhỡ và thấp. Địa thế đường này cao nên được dùng đi lại trong mùa mưa lụt.

2. Đường Thủy: Kết hợp việc kiến thiết đồng ruộng, đào đắp mương tưới,  mương tiêu, xây dựng hệ thống vận chuyển đường thủy. Có 6 hói dọc và 1 hói ngang.

Về đường thủy có có 6 con hói dọc (cũng có thể gọi là mương ) bề rộng mặt nước từ  5-6m, trong đó có 4 con hói dọc dài được đào đắp gần đường Quan ra tận bờ sông Ô Lâu khoảng 500 -600m, và hai hói dọc nhưng cụt, đào đắp từ gần đường Quan ra gặp hói ngang, mỗi hói cụt này dài độ 200m.

Còn hói ngang mà cửa hói được đào thông với sông Ô Lâu, giáp theo địa phận làng Vĩnh Xương, lượn cong rồi song song và cách đường Quan khoảng 200m từ đầu làng đến cuốn làng.

Hói ngang này cắt ngang thông thương với các hói dọc cùng tạo thành 6 bến ở 6 hói: bến Đào, bến Dừa, bến Phụ, bến Đíu, bến Đình, bến Am.

Theo sự truyền khẩu, sở dĩ trước đây, các vị khai lập quê ta cho đào hói ngang để rút ngắn đọan đường thủy phải đi vòng quanh theo sông Ô Lâu ở khúc sông Khút Bàu Ngược, mặt khác tránh qua Khút Bàu Ngược vì đoạn này sông rộng, nước chảy vòng xoáy hay gặp gió chướng, sóng to dễ gây tai nạn cho thuyền đò.

Trước bến Đình còn là bến đò thuyền vận chuyển hàng hóa, vật tư…và chở hành khách từ Huế về làng và ngược lại từ làng vào Huế, Bao Vinh. Nay đường bộ được tu sữa tốt hơn, hằng ngày xe hơi chạy từ Điền Hải qua làng ta vào Huế hoặc ra Quảng Trị hay chạy ngược lại, thời gian đi lại nhanh và tiện hơn đường thủy nhiều.

III- VỀ XÂY DỰNG TỔ CHỨC KHU DÂN CƯ:

Khu dân cư  của làng Kế Môn được kiến tạo tập trung theo hình chữ nhật nằm giữa đường Ngang và đường Cấy (đường rú)

Không như nhiều địa phương khác, nhà cửa dân cư ở phân tán theo địa thế nên chia ra nhiều chòm, xóm lớn , bé cách biệt nhau.

Trước đây, làng Kế Môn có 4 ngụ (Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây). Mỗi ngụ có 7 xóm. Như vậy làng Kế Môn trước có 28 xóm. Sau này do dân số phát triển nên mở rộng thêm, hiện có 36 xóm.

Mỗi xóm có con đường xóm. Các đường xóm chạy song song với nhau đi từ đường Ćấy và vuông góc với đường Ngang. Nhiều xóm có con đường xóm kéo dài xuống tận đường Quan.

Xóm có chừng 18 -24 căn nhà, phân bố nằm 2 bên con đường xóm. Mỗi căn nhà đều có sân, giếng nước và vườn tược. Tùy theo gia đình có vườn rộng khoảng từ 400m2 đến 800 m2 . Vườn tược cây cối xanh tươi, phần lớn trồng rau màu, cây ăn quả… Ven đường xóm rợp bóng tre xanh, đặc trưng của làng quê Việt Nam. Mọi nhà đều trổ cửa ngõ ra đường xóm, trông như xương cá vậy.

Về nhà cửa, dù nhà tranh hay nhà ngói, thì nhà chính đều xây mặt về hướng Tây Nam, nghĩa là hướng về phía dòng sông Ô Lâu và dãy nuí Trường Sơn.

Làng Kế Môn thuở ban đầu có 12 họ, gần đây có thêm một số người nhập cư mới lập thêm 4 họ, như vậy nay có 16 họ.

Từ đường của các họ cùng xây dựng trong khu dân cư, nhưng chiếm ở những vị trí khá đặc biệt, khu đất rộng rãi nằm ven đường Ngang như các họ: Họ Phan, họ Đặng, hai họ Nguyễn, họ Trần Duy, họ Trần Đình, họ Hoàng, hoặc trước mặt từ đường họ là một hồ nước rộng hay là một thửa ruộng mới đến đường Ngang như họ Bùi, họ Lê, họ Trần Văn, họ Hồ nên hầu hết các từ đường họ có tầm nhìn rất rộng và quang đăng.

Từ đường các họ hầu hết xây cất bằng gạch ngói, nền cao, kiến trúc theo lối cổ, có tiền đàn và hậu trẫm, lợp ngói âm dương, chạm trổ kết hợp long, lân, qui, phụng. Sân rộng, trước có tấm bình phong lớn xây đắp rất kép công và mỹ thuật, điểm thêm những cây xanh mai vàng cùng hoa trang đỏ. Phía ngoài có cổng tam quan, lầu cao đồ sộ và thành kiên cố trông toàn bộ rất bề thế, nguy nga.

Chùa làng, nhà thờ Tổ Kim hoàn, cũng như Từ đường các họ đều nằm bên cạnh đường Ngang.

Riêng Đình làng xây dựng ở khu trung tâm của làng, giữa đường Ngang và đường Quan, Đình làng là nơi thờ phụng những vị cao tổ đã lập nghiệp và gầy dựng nên làng Kế Môn. Bên cạnh Đình làng là Hội quán để dân làng hội họp.

Đình làng xây cất cũng rất kép công, năm gian, cột kèo chạm trổ rồng leo, mái cong hai tầng, hai bên có lầu trống, chiêng, so với Từ Đường các họ còn bề thế hơn nhiều.

Như đã nói ở trên, tất cả Đình, Chùa, Miếu vũ, Từ đường các họ đều xây cất bằng gạch ngói đỏ, lại nằm ở mặt tiền dọc theo đường Ngang và cùng quay mặt về phía Tây Nam nên khách bộ hành hoặc đi xe theo đường Quan (Quốc lộ 49) hoặc đi đò dọc theo sông Ô Lâu, nhìn lên địa phận làng Kế Môn, cảnh đẹp như vẽ, với đường thôn, ngõ xóm dọc ngang thẳng tắp, cây xanh bóng mát, nhà cửa xây rất bề thế nên ai cũng trằm trồ khen.

IX- XÂY DỰNG ĐỒNG RUỘNG

Về kỹ thuật trồng lúa nước, việc quy hoạch đồng ruộng, bờ vùng kiên cố, bờ thửa thích đáng, mương tưới mương tiêu hợp lý là điều kiện tối thiểu để thực hiện thâm canh tăng năng suất, bảo vệ và cải tạo đất. Ở những thôn, xã mà đồng ruộng được xây dựng tốt, thông thường năng suất cây trồng cao và công chăm sóc, vận chuyển lại thấp.

Chúng tôi đã có dịp đi tham quan, khảo sát về xây dựng đồng ruộng ở các nơi có phong trào thâm canh lúa nước từ Bắc vào Nam, đặc biệt đi sâu khảo sát lối kiến thiết đồng ruộng ở vùng đất mới khai khẩn ở Ninh Bình thời cụ Nguyễn Công Trứ, được nhiều tài liệu trước đây nêu ra và nhắc nhở đến nhưng không đâu thấy từ lối kiến tạo thôn xóm, khu dân cư đến việc kiến thiết đồng ruộng trong phạm vi cả thôn, bờ vùng bờ thửa ngay thẳng và thích đáng, mương tưới mương tiêu hợp lý, nào đập ngăn nước mặn ở các cửa hói vào mùa khô, lúc thủy triều dâng lên để bảo vệ đồng ruộng… rất quy cũ, khoa học và thơ mộng như ở làng Kế Môn.

Ruộng đất của làng Kế Môn có diện tích khoảng 222 ha, từ đường ngang ra tận sông Ô Lâu, được chia thành 2 loại chân ruộng có tên gọi khác nhau là “trưa” và “ruộng”.

1,Trưa

Là chân đất canh tác nằm giữa đường Ngang và đường Quan (quốc lộ 49). Chân đất này tương đối cao và nhẹ (tỷ lệ cát cao hơn), có độ dốc từ đường Ngang xuông xuống đường Quan, nên phía trên đường Ngang có mương tưới, phía dưới giáp đường Quan có mương tiêu.

Vùng đất này trước đây thường được dùng để gieo mạ hoặc cấy lúa. Chân đất cao thì trồng màu trong vụ hanh khô còn vụ kia thì cấy lúa. Nay thủy lợi tưới tiêu tương đối chủ động, kỹ thuật gieo thẳng lúa phát triển nên diện tích gieo mạ thu hẹp còn rất ít. Chỉ gieo mạ để cấy cho những chân ruộng sâu.

Từ đầu làng đến cuối làng, “trưa” chia theo 82 dòng có bờ lô thẳng tắp từ đường Ngang đến tận đường Quan cho từng dòng. Mỗi dòng được đặt tên theo vần thơ chữ nho. Mỗi dòng lại chia nhiều bờ ngang (bờ thửa) theo diện tích cần thiết.

2.Ruộng:

là phần đất canh tác chính, diện tích rộng, nhưng thấp hơn so với “trưa”. Ruộng tính từ đường Quan ra tận bờ rào (bờ sông Ô Lâu). Sông ruộng lại chia hai loại.

  1. b. Ruộng Nhất ( nhất đẳng điền):

là những chân ruộng tốt từ đường quan ra gần hói Ngang, sâu bùn và có năng suất cao hơn. Ruông nhất này cũng chia thành từng dòng, có bờ lô thẳng tắp. Mỗi dòng có tên gọi theo chữ nho riêng.

  1. c. Ruộng ngoài: là những chân ruộng xa và đất xấu hơn. Năng suất cây trồng thường kém hơn. Ruộng ngoài cũng được chia thành từng dòng, bờ lô bờ thửa và có tên gọi yheo chữ  Nho nhưng ruộng nhất vậy.

Ruộng ngoài có 48 dòng. Như vậy cả ruộng nhất và ruộng ngoài có 81 dòng tất cả

Trưa và ruộng ở Kế Môn, trước kia phần lớn thuộc về công điền, nên từng thời kỳ 2 – 3 năm lại chia bắt ruộng một lần. Làng có sổ sách sắp xếp thứ  tự chức vụ quan lại hàm bậc của con dân trong làng để bắt chọn ruộng theo từng tiêu chuẩn xếp hạng. Theo thứ  tự  người bắt trước , kẻ bắt sau. Các vị quan lại, chức sắc, tiên chỉ… trong làng bắt và chọn ruộng trước. Phần lớn các phần ruộng nhất được các vị đó bắt trước và cứ như vậy lần lượt cho đến người dân cuối cùng.

V- VỀ PHƯƠNG DIỆN NHÂN VĂN

Dựa vào hình thế tự nhiên, hướng núi, dòng sông long mạch, hình dáng, bố cục của các động sa thạch với các dòng khe nước trong mát cùng cây cối tự nhiên xanh tươi quanh năm bao bọc che chở lấy huyệt điểm quê hương ta – Làng Kế Môn – tạo nên nguồn gốc hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Điều mà trước đây nhiều thầy địa lý đến quê ta nói về các yếu tố Thiên (Trời), Địa (Đất), xét về các vật thể trần tục và các điều kiện hữu hình lẫn vô hình, môi trường địa lý, phương hướng vị trí và nơi tọa lạc đều thấy sự cân bằng về trật tự của thiên nhiên, cái vô hình kết chặt với ảnh hưởng của sông núi, cây cối, đất cát, con người, thú vật, nhà cửa, v.v…

Nói về Nhân (Con Người) biểu hiện trí tuệ và tinh thần đã kết hợp cùng Trời, Đất có sự hòa hợp và cân bằng các nhận thức. Điều này đã đạt được qua mối quan hệ thiết lập đúng đắn giữa tất cả các khả năng của thiên nhiên với tinh thần cần cù lao động và trí tuệ thông minh của người dân làng Kế Môn.

Làng Kế Môn có bề dày lịch sử và văn hóa qua bao thế hệ nối tiếp nhau, vừa xây dựng vừa bảo vệ quê hương, người dân Kế Môn có truyền thống với bản lĩnh chất phát bình dị gắn bó với cuộc sống nông nghiệp, những lúc có biến cố thì rất kiên cường không sợ uy vũ sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, bảo vệ Quê hương Tổ quốc, luôn thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Các bậc tiền bối của làng Kế Môn đã có lối kiến tạo thôn, xóm, xây dựng đồng ruộng rất quy hoạch, khoa học và mỹ thuật. Việc đặt tên các dòng “trưa” và “ruộng” của làng theo những câu thơ chữ Nho, điều chưa thấy ở đâu có đã chứng minh khả năng nhân tài của làng ta không ít.

Thực vậy, từ xa xưa, làng Kế Môn đã có nhiều nhân tài về văn chương cũng như võ biền, rất tiếc sử sách không ghi chép lại hết.

Như chuyên truyền tụng lại về Ngài võ tướng Công hầu họ Trần Hữu, đã oai linh hiển hách nơi trận mạc để bảo vệ giang sơn gấm vóc, không may bị thương Ngài vẫn anh dũng chiến đấu, nhưng vì vết thương quá nặng, Ngài truyền giao binh quyền cho vị Phó Tướng, đành cưỡi ngựa về chốn quê cũ. Khi về đến địa phận quê hương, dừng ngựa Ngài hỏi một bà dân làng về tình trạng thương tích của Ngài liệu có sống được chăng? Bà đó rùng mình, mím chặt môi không trả lời. Ngựa lại tiếp tục tung phi đi về phía trước, đến quá giữa làng gặp anh thanh niên, Ngài dừng ngựa và cũng hỏi y như trước, thì thanh niên nọ trả lời : “Bị thương tích như thế sống sao được”. Câu trả lời vừa xong, thế là Ngài ngã xuống đất và trút hơi thở cuối cùng. Dân làng vô cùng đau đớn thương tiếc Ngài. Ngay tại chỗ đó, họ Trần Hữu và dân làng lập nghè thờ Ngài. Nghè đó được xây cất ở động cát phía sau từ đường họ Trần Hữu. Nghè rất linh thiêng, khi làng có chuyện lâm nguy đều tổ chức ăn chay cầu đảo và mọi sự được trở lại bình an theo ý nguyện. Người dân trong làng đi qua nghè đều cúi đầu để tỏ lòng kính trọng và chiêm ngưỡng sự hy sinh cao cả của Ngài.

Từ xa xưa, làng Kế Môn đã xuất hiện nhiều người có tài ba lỗi lạc, học hành xuất chúng, thi cử đậu cao, đóng góp nhiều công lao với Tổ quốc.

Vài tiêu biểu như  ông Nguyễn Thanh Oai, còn gọi là Nguyễn Uy, đỗ Tiến sĩ năm 1843, làm quan Tổng đốc Ninh Thái, sung chức Thị sự Đại thần hàm Hồng Lô tự Khanh, có bia ghi tên ở Văn miếu, từng giữ chức Thượng Thư  Bộ Hình.

Đến năm 1895, ông Trần Đình Sĩ, đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp, tức là Tiến sĩ. Năm 1903, ông Trần Đình Sĩ được Vua sắc phong Hàm Lâm Viện Thị Giảng Học sĩ.

Sau thời gian này không lâu, con dân Kế Môn xuất hiện một người thông minh đĩnh ngộ, văn tài kiệt xuất, học rộng biết nhiều, là nhà tư tưởng cải cách đất nước, muốn mở cửa giao lưu với các nước văn minh đào tạo nhân tài. Đó là ông Nguyễn Lộ Trạch, Ông Nguyễn Lộ Trạch sinh ngày 15-2-1853, là một trong 5 người con trai của ông Nguyễn Thanh Oai, Thượng Thư Bộ Hình và là con rễ của tiến sĩ Trần Tiễn Thành, Thương Thư Bộ Binh dưới triều vua Tự Đức.

Thuở nhỏ, Nguyễn Lộ Trạch nổi tiếng là một học sinh siêng năng và thông minh xuất chúng, nhưng không chịu theo con đường thi cử của Triều đình lúc bấy giờ vì ông cho lối thi cử  của triều đình nhà Nguyễn không đào tạo ra được những người có thực tài để cứu nước giúp dân thoát khỏi nạn xâm lăng của thực dân Pháp.

Năm 1874, triều đình Huế ký hòa ước nhượng 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp và sau đó Pháp lại lăm le tìm cách thôn tính các tỉnh phía Bắc. Trước tình thế đó, Nguyễn Lộ Trạch, lúc vừa độ tuổi 25, đã viết bản điều trần đầu tiên “Thời Vụ Sách Thượng” dâng lên vua Tự Đức. Nội dung bản điều trần phân tích cặn kẽ hiện tình suy yếu của nước ta và sức mạnh của đối phương và đề nghị gấp rút canh tân đất nước, củng cố cải tổ quân đội để kịp thời đối phó với thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời ông cũng phê phán chủ trương nhu nhược và ươn hèn của quan lại trong triều đình, một số quan lại muốn cầu hòa với Pháp, một số khác muốn tìm cách cầu viện từ Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Lộ Trạch thì cả hai con đường ấy chỉ sớm đưa đất nước vào vòng nô lệ. Theo ông, chúng ta phải học hỏi các nước Tây phương tiến bộ và canh tân xứ sở, ta phải tự lực tự cường có thể nước yếu sẽ thành mạnh. Phải ở tư thế mạnh mới nói đến hòa thì đối phương mới không lấn ép ta. Còn việc mong chờ Trung Quốc cứu giúp thì ông cho rằng tình hình Trung Quốc rất đen tối, đang bị các nước Anh, Phổ, Hòa Lan xâu xé, ốc lo mình ốc chưa xong, làm sao giúp Việt Nam được.

Năm năm sau, năm 1882, Nguyễn Lộ Trạch lại dâng lên Vua Tự Đức bản điều trần thứ hai “Thời Vụ Sách hạ”. Ong nhận định “Đại thế ngày nay không như trước nữa, ngày trước có thể làm mà không làm, nay muốn làm gì thì làm không kịp” vì thế ông đã đưa ra những biện pháp cấp bách để đối phó với những vấn đề trước mặt đồng thời vạch ra những kế hoạch củng cố sức mạnh tự lực tự cường để từ đó tiến lên giành lại thắng lợi cuối cùng. Bản điều trần đề nghị 5 biện pháp táo bạo và tích cực sau đây:

–   Dời kinh đô về Thanh Hóa, dựa vào địa thế hiểm yếu để giữ vững gốc nước.

–   Tích lũy lúa gạo và lương thực, dự phòng chiến tranh

–   Tuyển dụng thêm và liên tục huấn luyện binh sĩ để sẵn sàng chiến đấu.

–   Học hỏi kỹ thuật tân tiến trên thế giới để hiện đại hóa vũ khí.

–   Ngoại giao rộng rãi, nhất là với các cường quốc thù nghịch với Pháp để tạo thể liên minh và nhờ giúp đỡ.

Những kế sách hết sức thức thời đó, nhưng vì Vua quan triều Nguyễn quá ươn hèn, lạc hậu nên họ không thấy được cao kiến của Nguyễn Lộ Trạch.

Bao nhiêu kế sách do tim óc và tâm huyết của Nguyễn Lộ Trạch dâng lên đều không được Vua quan nhà Nguyễn lắng nghe và đáp ứng, Ông hết sức đau lòng. Nguyễn Lộ Trạch vẫn không chịu ngồi yên nhìn cảnh đất nước ngày càng lún sâu vào vòng nô lệ của thực dân Pháp. Ông đi khắp nơi, giao du thân thiết với những người cùng chí hướng, đem chuyện đất nước, chuyện đội đá vá trời ra bàn thảo.

Vào năm 1892, lúc Nguyễn Lộ Trạch tròn 40 tuổi, bầu nhiệt huyết và lòng yêu nước lại thôi thúc ông viết bản điều trần mới, bản điều trần thứ 3, có tựa đề “Thiên Hạ Đại Thế Luận”, Nguyễn Lộ Trạch đã nghiên cứu và nêu ra các nguyên nhân sâu xa đưa đến sự suy thịnh của các quốc gia và trình bày tình hình chính trị toàn cầu, trong đó ông chú tâm phân tích các thế lực tại Á Châu như Anh – Pháp – Phổ và Nhật.

Theo Nguyễn Lộ Trạch, các cường quốc Tây Phương thì vấn đề chính trị và thương mại luôn có quan hệ mật thiết với nhau. Vì quyền lợi đó bị xung đột, các nước Anh, Pháp, Phổ… sẽ âm ỉ mâu thuẫn nhau, ta phải biết lợi dụng tình thế đó để dựa hơi người này chống lại kẻ kia.

Phong trào canh tân trong thế kỷ 19, người ta thường nói đến Nguyễn Trường Tộ, vì ông là một quan chức đã từng sang Pháp thương nghị và sau khi về nước ông là người đầu tiên dâng lên Vua Tự Đức nhiều bản điều trần đề nghị gấp rút cải tổ và canh tân đất nước để có thể chống lại âm mưu xâm lược của thực dân Pháp.

Nguyễn Lộ Trạch đã nối gót Nguyễn Trường Tộ, cũng là một chiến lược gia thiên tài, nhìn xa biết rộng , đã từng tiên đoán không sai tình hình biến chuyển trên thế giới về mấy chục năm sau. Ông cũng đề ra nhiều sách lược để canh tân và cứu nước rất thiết thực, hoàn toàn tương đồng với cách nhìn của Nguyễn Trường Tộ. Qua những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Lộ Trạch đã có những nhận định, tầm nhìn và sách lược vô cùng sáng suốt, khả thi, có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ.

Các nhà cách mạng thời Đông Du như Nguyễn Thượng Hiền, Trương Gia Mô, Phan Bội Châu,… tiếp sau đó nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng, học giả và sử gia nổi tiếng như Đào Duy Anh (1944), Từ Ngọc (1945)… đã viết nhiều bài ca tụng kiến thức uyên bác và lòng yêu nước của Nguyễn Lộ Trạch, cùng truy tìm các tài liệu liên quan đến thơ văn của Ông.

Năm 1895, Nguyễn Lộ Trạch vào Phan Thiết định cùng ông Trương Gia Mô xuất ngoại nhưng không thành. Khi trở về dọc đường đến Bình Định, thì Ông bị lâm bệnh mất ngày 17/02/1898.

Năm 1958, thân nhân đưa hài cốt của ông về cải táng tại quê quán. Hiện nay phần mộ của ông nằm cạnh mộ Tổ Ngài họ Nguyễn Thanh của ông, và được đưa vào danh mục khu di tích lịch sử hiện đang đề nghị Nhà nước xây dựng lăng mộ và đường vào lăng.

Ngoài các văn bản điều trần của ông, nhiều học giả đã truy tìm được một số thơ phú, thơ từ của ông, tiêu biểu là các bài: Thu hoài 1, Thu hoài 2, Trung văn tráng liệt bá nguyên tướng quốc 1, Trung văn tráng liệt bá nguyên tướng quốc 2.

Năm 1999, Hội sử học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học sư phạm – Sở Văn hóa Thông tin – Trung tâm Bảo tồn Bảo tàng tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức hội thảo về thân thế và sự  nghiệp của ông Nguyễn Lộ Trạch. Lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Danh nhân văn hóa và được công nhận năm 2002.

Hiện các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế và một số tỉnh thành trong cả nước đều có tên đường Nguyễn Lộ Trạch.

VI – ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU

Làng Kế Môn nổi tiếng về nghề kim hoàn trên 200 năm nay

Từ trước, cũng như các làng nghề khác, hầu hết dân làng sống về nghề nông, một nắng hai sương lao động vất vả, cực nhọc, một số nhỏ sống nghề chài lưới hoặc buôi bán nhỏ.

Song về phong thổ làng Kế Môn, địa hình địa thế khá đặc biệt, nhân tình lại cần cù và hiền hòa nên duyên lành khéo đẩy đưa. Vào gần cuối đời Võ Vương, Nguyễn Phúc Khoát, gia đình ông Cao Đình Độ, gốc làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xin nhập cư vào làng Kế Môn. Khi đến nhập cư vào làng Kế Môn, ông Độ đã là một người thợ kim hoàn giỏi, tinh xảo nổi tiếng.

Theo thông tục chung thời bấy giờ, người muốn nhập cư phải chịu một thời gian “tạm cư”, phải phục dịch trong các ngày làng hội họp cúng tế như gánh nước, mổ heo, nấu xôi, quét dọn… Sau kỳ hạn 3 năm, Hội đồng làng mới xét cho “chính cư”. Nhưng đất lành chim đậu, ông Cao Đình Độ là người có tay nghề cao, lại có tâm địa tốt muốn truyền dạy nghề cho con dân làng, nên Hội đồng làng “đặc cách phá lệ” miễn cho gia đình ông Độ cái thông tục cổ hữu ấy. Có tài liệu nói cụ thể rằng ông Cao Đình Độ trên đường di cư vào Kinh thành Huế bằng ghe thuyền, khi đến gần cửa Lát Phá Tam Giang thì gặp gió to sóng lớn, thời tiết không không thuận lợi, ông quay lại tạm trú trên một gò đất trống ven sông Ô Lâu thuộc địa phận làng Kế Môn. Ông dựng trại, đắp lò bệ làm nghề kim hoàn.

Ông được nhân dân làng Kế Môn thương yêu giúp đỡ. Do vậy, về sau ông đã tận tâm dạy và truyền nghề kim hoàn cho dân làng Kế Môn.

Nghề kim hoàn bắt đầu khai triển, có vị thế dưới bàn tay người Việt ở Đàng trong, chứ trước đó đồ ngự dùng bằng vàng bạc đá quý trong phủ Chúa hoặc của quan lại, nhà giàu… đều do thợ giỏi người nước ngoài chủ yếu là Tàu, làm ra. Từ đó cùng một một dải đất sự phù trú của dân làng Kế Môn cũng dần dần khá hơn các làng lân cận.

Theo tộc phổ Tổ kim hoàn ghi lại khá đầy đủ về ông Cao Đình Độ. Ông Độ sinh năm 1735, lúc trẻ ông Độ vốn rất thạo về nghề đồng, chuyên làm thợ hàn thiếc, bịt khay, chén, vá nồi, mâm đồng cũ. Ông mơ ước được học nghề vàng, hy vọng có cơ hội được tuyển vào làm việc ở Cung đình, có tương lai hơn. Để học được nghề kim hoàn ông phải tìm đường ra Thăng Long (Hà Nội bây giờ) giả làm dân Hoa kiều vào xin phụ việc, học nghề với một chủ tiệm kim hoàn người Trung Hoa đang nổi tiếng tại Kinh đô.

Mặc dầu chủ tiệm kim hoàn người Trung Hoa cố ý dấu nghề, chỉ dạy những việc làm đơn giản cho học trò, nhưng ông Độ là người thông minh, yêu nghề, chăm chỉ học, cầu tiến lại có khiếu thẩm mỹ nên sau 7 năm học và luyện tay nghề, ông Cao Đình Độ đã trở thành người thợ vàng xuất sắc và khéo tay hơn cả thầy của mình.

Đưa cả gia đình vào Đàng trong lập nghiệp và dạy nghề tại làng Kế Môn. Ngoài ông Độ còn có thêm người trợ giáo đắc lực là ông Cao Đình Hương, con trai trưởng của ông Độ, cũng là một tay thợ vàng giỏi. Hai cha con ông đã dốc lòng tận lực truyền dạy nghề kim hoàn. Dân làng Kế Môn theo học khá đông.

Là một người thợ vàng xuất sắc, là một vị thầy dạy nghề tài giỏi, danh tiếng của ông Độ đồn đến Hoàng Cung. Vì thế, năm 1790, dưới Triều Tây Sơn Nguyễn Huệ, cha con ông Độ cùng một số học trò của ông, được vua Quang Trung cho vời vào kinh đô Phú Xuân, sắp xếp vào Cung đình chuyên lo trang trí vàng bạc trong cung Điện đồng thời mở lớp dạy nghề thợ vàng, đào tạo nhiều thợ giỏi. Triều đình còn lập nên cơ vệ “Ngành Ngân Tượng”. Ông Độ được vua phong chức Lãnh binh, ông Hương chức Phó Lãnh binh.

Sau ngày triều Tây Sơn mất, đất Phú Xuân thuộc về Vua Gia Long thì những gì được gọi là thành tựu văn hóa xây dựng dưới thời Quang Trung – Cảnh Thịnh đều bị trù dập và xóa mất. Duy chỉ có ngành Ngân Tượng vẫn được Vua Gia Long chú ý lưu giữ lại. Hai cha con ông Độ và nhóm thợ giỏi làng Kế Môn vẫn được triều Nguyễn trọng dụng, giữ nguyên chức tước cũ, cấp thêm lương bổng, tiếp tục hành nghề dạy kim hoàn.

Đến năm 1810, ông Độ mất, năm 1821, ông Hương cũng qua đời, triều đình cho cử tang lễ chu tất. Hằng năm lấy ngày 7 tháng hai âm lịch giỗ Vị Đệ Nhất, ngày 27 cùng tháng hai theo âm lịch giỗ vị Đệ Nhị Tổ Sư kim hoàn.

Nghề kim hoàn của làng Kế Môn đã liên tục phát triển trên 200 năm qua, nơi đã từng đào tạo không biết bao nhiêu người có tay nghề cao, nào chạm trỡ, móc khoét khuôn, thiết kế mẫu mã hàng…, chẳng những cung cấp cho đất Kinh Thành mà lại còn cho khắp đất nước và nay còn lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Trong suốt thời kỳ Vua quan nhà Nguyễn, nghề kim hoàn ở Huế được trưng tập theo lệnh của Triều đình phong kiến, từ đó các đồ dùng bịt chạm hoặc làm bằng vàng trong cung cấm của tầng lớp quý tộc, thượng lưu… chủ yếu đều từ bàn tay người thợ làng Kế Môn chúng trở thành những tác phẩm trang trí và trang sức giá trị về nguyên liệu và mỹ thuật công phu.

Làng Kế Môn trên danh nghĩa là làng nghề kim hoàn, nhưng do đặc điểm nghề nghiệp, thợ xuất thân từ đây phân tán rộng khắp trên nhiều tỉnh, nhiều quốc gia. Theo số liệu sơ bộ thống kê về mặt số lượng doanh nghiệp vàng bạc đá quý thành danh có cơ sở lớn vốn gốc làng Kế Môn ở một số nơi như: ở Huế 9/34 tiệm; ở Đà Nẵng 10/43 tiệm; ở Tp.Hồ Chí Minh 14/43 tiệm; ở tiểu bang California 14/56 tiệm; ở tiểu bang Texas 26/56 tiệm.

Bằng con đường cha truyền con nối hoặc dạy truyền nghề lại cho bà con thân thuộc trong làng, kế tiếp viên miền, cho nên từ Bắc vào Nam, đặc biệt từ Quảng Trị trở vào, từ thành phố nhỏ đến đô thị lớn, từ cao nguyên đến đồng bằng, hầu như nơi nào có tiệm vàng, nơi đó có dân làng Kế Môn, hoặc họ là học trò mà thầy dạy nghề là người làng Kế Môn, buôn bán làm ăn thật thà đứng đắn, được khách hàng tín nhiệm nên rất thành công.

Như  gia đình cụ ông Đặng Hữu Bền, đã dày công truyền nghề kim hoàn cho ba đời nối tiếp, cụ Đặng Hữu Mỹ và ông Đặng Hữu Nuôi, là con và cháu nội, cùng những người thợ vàng khác đã đóng góp lưu giữ và làm phong phú cái nghề truyền thống đó, vừa làm giàu cho gia đình, vừa làm sang, làm đẹp cho làng, cho nước, từ các thế hệ trước như các cụ Trần Văn Sum, Huỳnh Mộng, Huỳnh Công Bảng, Bùi Viết Sứ, Trần Văn Trâm, Huỳnh Công Lân, Bùi Duy Chước, Trần Duy Phẩm, Trần Văn Chiêm, Huỳnh Công Chung, Huỳnh Công Thanh… cùng nối tiếp đến các thế hệ sau ngày càng đông đảo, như điều mà cụ Trần Duy Phẩm đã từng ví von “thợ vàng của làng Kế Môn tựa như tre trong rừng, tre già măng mọc, khó có ai đếm được trong rừng có bao nhiêu cây tre, chỉ thấy rừng tre luôn xanh tươi…”.

Vào những thập niên đầu của năm 1900, nhiều gia đình nhờ thành công trên thương trường, đời sống khá giả hơn, nên có điều kiện cho con cháu ăn học, mà trước theo học chữ  nho, dần dần chuyển sang học chữ  Quốc ngữ và Pháp văn.

Giai đoạn này làng ta có ông Hồ Tá Khanh, con cụ Hồ Tá Bang, là một trong những người Việt Nam tốt nghiệp tiến sĩ  y khoa tại Pháp sớm nhất và đã từng giữ chức Bộ Trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945.

Một xu hướng mới trong tầng lớp thanh niên học sinh lúc bấy giờ là thoát ly gia đình đi theo con đường binh nghiệp, mà chủ yếu gia nhập vào đội ngũ lính khố xanh. Người có công ban đầu dìu dắt đưa đường chỉ lối lúc đó là ông Trần Hữu Điễu. Do đó ngoài một số người theo nghề kim hoàn, xóm nào cũng có vài ba thanh niên đi lính khố xanh

Thường trong dịp tết, Kế Môn lại tấp nập đón tiếp những bà con, con cháu cùng  những trai làng đi làm ăn xa về trong những bộ quần áo mới, quân phục nhà binh, đi lại chào hỏi đón xuân rộn ràng trong tình làng nghĩa xóm rất vui vẻ.

Trong hàng ngũ những thanh niên đi lính, qua quá trình rèn luyện ở thao trường học tập tiến bộ và chấp hành kỹ luật tốt, nhiều người đã thành đạt, giữ những chức vụ cao nhất trong quân đội quốc gia thời bấy giờ mà dân làng thường nhắc đến như ông lãnh binh Trần Hữu Điễu ông quản Côn ( họ Nguyễn Thanh), ông Quản Chuôm (Họ Hồ) Ông Quản Đằng (họ Hoàng), ông quản Hàm (họ Phan)…

Gần với thế hệ chúng ta, vào những năm đầu của 1940, ông Nguyễn Thanh Nghệ đã tốt nghiệp trường sỹ quan đầu tiên của pháp tại Việt Nam, ra trường với chức vụ chuẩn úy. Ở Huế, cùng khóa với ông Nguyễn Thanh Nghệ có ông Hà Văn Lâu, ông Phan Tử Lăng…

Năm 1945, theo lệnh Đồng Minh, quân đội pháp vào Việt Nam thay quân Tàu, tước khí giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc (từ Đà Nẵng trở ra). Sau khi tước khí giới quân Nhật, quân Pháp với dã tâm thực dân, gây hấn ở nhiều nơi, âm mưu xâm chiếm đô hộ nước ta một lần nữa. Do đó lệnh kháng chiến cứu nước toàn  dân được ban hành. Quân và dân ta khắp nơi nhất tề đứng lên cứu nước chống giặc pháp xâm lăng. Chiến trường Thừa Thiên Huế lúc đó có 3 mặt trận, thì làng Kế Môn ta có hai vị Chỉ huy trưởng, chỉ huy hai mặt trận, đó là ông Lãnh Binh Trần Hữu Điễu và ông Nguyễn Thanh Nghệ (còn gọi biệt danh là Lê Tùng), còn mặt trận thứ ba do ông Hà Văn Lâu chỉ huy

Sau một thời gian chiến đấu, quân đội Pháp trang bị khí giới tối tân hơn, mạnh hơn, nên quân ta phải rút về vùng căn cứ ở Quảng Bình để bảo toàn lực lượng. Ông Nguyễn Thanh Nghệ được bổ sung vào ban tham mưu quân đội phân khu Bình Trị Thiên.

Năm 1951, ông Trần Hữu Điễu về nghỉ hưu. Từ năm 1955 đến 1963, qua hai nhiệm kỳ, ông đã được nhân dân Thừa Thiên – Huế bầu vào đại biểu quốc hội của Việt Nam Cộng Hòa thời ông Ngô Đình Diệm.

Làng Kế Môn, quê ta rất đỗi bình thường như bao làng khác, làng ta cách khá  xa đường sắt, đuờng quốc lộ 1, cách Kinh thành Huế chừng 40 km đường chim bay về phía Bắc, nhưng lại sớm lan tỏa “ tiếng thơm” khắp xứ Đàng trong hơn 200 năm qua cũng nhờ phong thổ, con người và nghề kim hoàn.

Sự lớn mạnh của ngành kim hoàn liên quan với sự phát triển của nền kinh tế chung, và người thợ vàng làng Kế Môn đã đành rời quê hương đi khắp nơi đến các phố xá, đô thị làm ăn buôn bán. Dân Kế Môn đến đâu cũng thường sống quây quần, đùm bọc thương yêu nhau, trân quý nghề kim hoàn truyền thống, nên phần lớn dân Kế Môn ở đâu cũng làm ăn thành công, đời sống sung túc, con cháu học hành tiến bộ thành đạt.

Như ở Đà lạt bà con ta đã lập làng Kế Môn II, cử ban đại diện làng, dựng chùa, lập từ đường thờ vọng tổ sư và Liệt vị tổ tiên, giúp đở nhau làm ăn sinh sống và trong sinh hoạt hàng ngày.

Ở  Đà nẵng cũng lập Hội Đồng hương làng Kế Môn, phát huy những tập quán hay của quê hương như  giúp đỡ nhau “ lá lành đùm lá rách” người đi trước giúp kẻ đi sau” thăm hỏi nhau lúc khó khăn, đau ốm, hiếu hỷ…

Sau ngày 30/4/1975 đất nước ta thống nhất nhưng bước đầu đời sống xã hội và kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, một số dân làng ta đã đi định cư ở nước ngoài, song ở Hoa Kỳ là nơi đông nhất. Bà con ta ở rải rác nhiều tiểu bang, đặc biệt là thành phố Houston, tiểu bang Texas có chừng 400 dân làng với trên 40 tiệm vàng lớn nhỏ.

Với truyền thống tương thân tương trợ, bà con ta ở Houston đã lập hội tương tế làng Kế Môn, là hội bất vụ lợi, có nội quy , tôn chỉ, mục đích… đại hội bầu ban chấp hành có chương trình hoạt động, hàng năm vào dịp tết cổ truyền tổ chức “ Đại hội tế làng mừng xuân “ họp mặt đồng hương và phát giải thưởng khuyến học cho các cháu ngoan học giỏi, ra đặc sản” Nhớ Nguồn”

Như trên đã nói, rất nhiều gia đình dân Kế Môn ở trong nước và hải ngoại nhờ thành công trên thương trường, nên có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng nay làng ta chưa thống kê được con số người đỗ đạt thành công trên nhiều lãnh vực và đang làm ăn khắp nơi để đánh giá sự đóng góp của dân Kế Môn ta vào kho tàng khoa học và kinh tế chung của xã hội.

Thực tế số bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư… hiện có rất nhiều người giữ những trọng trách mà ta chưa biết đến. Đơn cử một số gia đình tiêu biểu, như  gia đình ông Bùi Viết Thuyên, giám đốc công ty Cáp treo Đà Lạt, đã có bốn tiến sĩ.

Gia đình ông Đặng Hữu Nuôi, 3  đời nối nghiệp nghề Kim Hoàn. Sau năm 1975 ông bà phải ở lại lo chăm sóc mẹ già, 9 người con của ông bà gồm 5 trai 4 gái đã lần lượt sang định cư ở Hoa Kỳ. Nhưng các cháu có tính hiếu học, nổ lực cá nhân, tự lực tự cường, vừa đi làm vừa đi học, kết hợp với sự  giúp đỡ của bà con cùng quê đi trước các cháu đã học hành thành đạt, đến nay trong gia đình vừa con dâu vừa con rễ gồm 18 người, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học trở thành kỹ sư, nha sĩ… các cháu sống rất hiếu thảo, thương yêu nhau, gia đình đầm ấm hạnh phúc và thành công trong việc làm ăn.

Hay gia đình ông Đặng Giá, các con ông đang ở Hoa Kỳ, hiện có 1 bác sĩ, 5 thạc sĩ, 2 kỹ sư, đặc biệt trong đó có người con dâu (ở ta gọi là “Mụ thím họ Đặng”) tên là Dương Nguyệt Anh, người mẹ của 4 con nhỏ, là khoa học gia của Hoa Kỳ, được chính phủ Hoa Kỳ tuyên dương công trạng về sự đóng góp vào nền khoa học quốc phòng ở Hoa Kỳ.

Về con người mà nói, người dân Kế Môn vốn cần cù, hiếu học và hiền hòa, mà các bậc tiền bối của làng ta đã khéo kiến tạo cho quê hương ta trở thành một trong những làng quê vừa đẹp, vừa có quy cũ, mỹ thuật và thơ mộng.

Cộng với sự tự nguyện đóng góp về mọi mặt như vật lực, tài lực… của bà con ta sinh sống ở quốc nội cũng như bà con ta đi làm thành đạt từ khắp nơi ở hải ngoại vào công cuộc kiến thiết quê hương như làm và tu sửa đường sá, cầu cống, xây dựng trùng tu Đình, Chùa, Miếu vũ, các Từ đường, trường học, thư viện, công viên… càng làm cho quê hương ta càng giàu đẹp thêm.

Bên cạnh một số đổi mới về văn hóa, bà con làng ta vẫn giữ được nhiều phong tục hay như  lễ Văn Thánh, lễ Võ Thánh, lề Cầu an, lễ Cầu Siêu, lễ xuống đồng, lễ Thần Nông, lễ Tổ kim hoàn, lễ Thu tế, lễ khuyến học, hội lạc quyên, hội múa gươm,.. Tất cả đều mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đậm nét văn hóa quê hương, với tình làng nghĩa xóm, chim có tổ, người có tông, uống nước nhớ nguồn.

Nguyễn Thanh Trung

16 – 9 – 2008

Phản hồi (8)

  • danghuu.hung
    Tháng Mười Một 25th, 2010 lúc 01:04

    Thật đáng trân trọng về tư liệu của langkemon.Tuy nhiên cần rất nhiều sự đóng góp bài về những nghi lễ truyền thống thường diễn ra trên quê hương.
    Đây là văn hóa tích cóp bởi ông cha và giữ gìn nguyên bản…danghuu.hung

  • minhhien
    Tháng Mười Một 26th, 2010 lúc 16:21

    Cảm ơn anh Đăng Hữu Hùng đã gủi bài và ảnh về làng. Chúng tôi đã sử dụng 1 tấm ảnh ở bài “Ông Hồ Huệ…”, 1 tấm ở bài “Nét đẹp văn hóa…”, 3 tấm ở trang hinh ảnh. Những tấm ảnh còn lại chúng tôi sẽ tùy nghi sử dụng cho thích hợp. Rất tiếc chúng tôi không tải được bài, mong anh gửi lại cho.
    Trân trọng

  • ĐẶNG ĐỨC TRÍ
    Tháng Một 27th, 2011 lúc 09:16

    Kính chào tất cả mọi người.
    Tôi là ĐẶNG ĐỨC TRÍ – Luật sư Đoàn luật sư TP.HCM.
    Là một người con của làng Kế Môn. Mặc dù sống xa xứ nhưng lúc nào cũng nhớ về quê cha đất tổ.
    Rất mong nhận được liên lạc từ các đồng hương.
    Mong được đóng góp công sức cho Kế Môn.
    Trân trọng.
    LS ĐẶNG ĐỨC TRÍ – tridang81@yahoo.com – 0906 344 997 – romalaw.com.vn

  • Bé Thương
    Tháng Mười 24th, 2011 lúc 12:15

    Lịch sử Làng Kế Môn như bản tình ca Đất Việt quá!

  • Bé Thương
    Tháng Mười 24th, 2011 lúc 12:16

    Là người con của quê hương Làng Kế Môn thật là hạnh phúc!

  • tranthilai
    Tháng Hai 13th, 2012 lúc 12:41

    Cám ơn chú Nguyễn Thanh Trung rất nhiều v ì bài viết này. Nó rất hay, nhờ đó mà chúng cháu biết về lịch sử của quê hương mình. Một lần nữa cháu chân thành cảm ơn chú

  • anh ly xom nguyen
    Tháng Hai 13th, 2012 lúc 15:55

    doc bai viet cua chu nguyen thanh trung toi rat tu hao vi que huong chung ta co nguoi con nhu the.cac ban tre oi chung ta la the he sau .chung ta phai biet doc va lang nge nhung loi tien boi di truoc phai biet que huong chung ta ra doi nhu the nao;chung ta hay co giu gin net van hoa doc dao cua dan lang ke mon chung ta.toi rat tu hao la nguoi con cua ke mon.nhu chung ta da biet cac anh hung di truoc da lam rang ro que huong lang ke mon con tuoi tre chung minh thi sao ? toi hy vong cac ban tre hay doc that ky bai viet cua chu nguyen thanh trung de biet nhieu hon ve que huong chung ta .cam on chu nguyen thanh trung vi bai viet nay

  • Lương Thanh Đồng Thạnh
    Tháng Ba 9th, 2012 lúc 14:33

    Kính chào bác Nguyễn Thanh Trung, cháu là Lương Thanh Đồng Thạnh, hiện tại đang là sinh viên trường ĐHBK TPHCM, bà cố của cháu là Trần thị Sô con gái ngài Trần Đình Sĩ người làng Kế Môn. Qua bài viết của bác,cháu càng biết thêm nhiều về quê hương Kế Môn của bà cháu nhiều hơn. Cháu càng rất tự hào về quê hương của bà cháu ,và bác ơi cháu cũng được biết con bác Trần Đình Thứ có 4 anh chị em trước 1975 học ở Tây Đức đều đỗ Tiến Sĩ và các anh chị này cũng là hậu duệ của ngài Tiến Sĩ Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ Trần Đình Sĩ đấy phải không bác!. Tự hào biết bao quê hương bà, làng Kế Môn.
    Kính chào bác, kính chúc bác luôn luôn sức khỏe.!

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác