TIN MỚI VỀ CUỘC THI VIẾT VĂN 21-05-2012 minhhien

22/5/2012

Sau buổi họp Ban Giám Khảo liên trường Tiểu học Điền Môn và THCS Phú Thạnh, đã đi đến quyết định kết quả cuộc thi như sau:

KẾT QUẢ CUỘC THI :

 

 Giải THCS :

 

Giải Nhất: Trần Đức Minh/ lớp 9B

Giải Nhì (2 giải):

-Nguyễn Trần Công Thị Mỹ Loan/ lớp 9C

 -Nguyễn Thanh Khoa/ lớp 9C

Giải Ba (2 giải):

– Nguyễn Kim Huy/ lớp 6A

– Hồ Thị Hương/ lớp 8C

Giải Khuyến khích (4 giải):

-Hồ Thị Kiều My/lớp 9A

– Trần Thị Hồng Phúc/ lớp 9A

– Nguyễn Thị Thảo Vy/ lớp 9A

-Nguyễn Thị Thanh Thi/ lớp 9C

 

Giải Tiểu học:

Giải Nhất: Hoàng Thị Như Quỳnh/ lớp 5A

Giải Nhì: Hoàng Thị Mỹ Vy/ lớp 5A

Giải Ba: Phạm Thị Phương Loan/ lớp 5B

Giải Phong trào: Lớp 5B (16 bài)

Cơ  cấu giải thưởng cả 2 cấp trường như sau:

Giải Nhất:  500.000 đồng

Giải Nhì : 300.000 đồng

Giải Ba : 200.000 đồng.

Giải Khuyến khích: 150.000 đồng

Giải Phong trào: Do trường THCS Phú Thạnh có 4 lớp đạt 100% học sinh tham gia nên chia đều cho 4 lớp 9, mỗi giải 200.000 đồng; giải phong trào trường Tiểu học Điền Môn, lớp  5B ; 300.000 đồng

 

*********************************************************************

Chúng tôi nhận bài từ các trường gửi về quá trễ mà các trường tổng kết quá cận ngày nên không thể thành lập BGK chung khảo cho cuộc thi được. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang nhờ những vị giáo viên có uy tín chấm chung khảo và sẽ thông báo kết quả trong thời gian gần nhất.

– Trường tiểu học Điền Môn,  có 63 bài dự thi.  Ban giám khảo  gồm có 6 thành viên, trong đó cô Trương Thị Hồng, HT làm trưởng ban. (Trường sẽ chọn một số bài gửi đăng)

– Trường THCS Phú Thạnh có 310 bài dự thi. Ban giám Khảo gồm 9 thành viên, trong đó  thầy Nguyễn Khanh, HT làm trưởng ban, thầy  P. HT  Hoàng Đức Nhã làm Phó ban.

*- Để khuyến khích các em bậc tiểu học, chúng tôi sẽ phân phần thưởng làm 2 cấp, mỗi cấp đều có giải Nhất, Nhì, Ba.

**Dưới đây là những bài chúng tôi chọn đăng :

TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐIỀN MÔN:

Hoàng Thị Như quỳnh/ lớp 5A

 

Bài viết:

LÀNG EM 

 Làng của em thật đẹp

 Không biết tả làm sao

 Cổng đầu làng rất cao

Có đường ngang bằng phẳng

Chẳng biết đi về đâu…

Từng xóm xóm kề nhau

Có tên hẳn hoi nhá

Xóm em là xóm Xã

Rồi xóm môt, xóm hai

Xóm còn lại xóm Bùi

Xóm Dừa…cứ nối dài

Bạn không đếm hết đâu

Xóm nào cũng giống nhau

Toàn nhà đẹp, cây cao

Cuối cùng là độn cát

Lấn dày ra biển sâu

Ông bà em ở đó

Ngủ yên từ rất lâu

Mùa này toàn là gió

Gió từ rú thổi vào

Nắng rọi từ trên cao

Làm chân em rát bỏng

Em sợ gió, sợ nắng

Mà Ba em còn chọc

Nói em giống Lọ Lem

Bụng muốn bảo không thèm

Yêu làng đâu dám nói

Ấm ức mỗi câu hỏi

Sao tên làng Kế Môn ?

Ba nói khi lớn khôn

Tự con, con sẽ hiểu

Em chỉ biết một điều

Làng em thật đáng yêu

         ****

 Hoàng Thị Mỹ Vy, lớp 5B

Bài viết:

MÁI  TRƯỜNG CỦA EM 

            Trời đã về chiều, nắng trên sân trường đã tắt. Chỉ còn lá lao xao trên những tán cây bàng, cây phượng. Ngoài quốc lộ, động cơ xe máy ầm ầm vọng vào, chúng em đang học tiết cuối của buổi học ngày hôm nay.

            Một hồi trống dài bỗng vang lên rồi tắt lịm trong không gian. Từ các cửa lớp, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Màu áo đồng phục trắng cả sân trường. Tiếng bước chân xen lẫn với tiếng cười nói rộn rã. Những tốp năm, tốp ba …vừa hướng ra cổng trường vừa chuyện trò sôi nổi. Những bạn có điểm cao trong buổi học ngày hôm nay vẻ mặt hớn hở nói cười tiu tít. Mấy bạn nam hiếu động vượt đuổi nhau huỳnh huỵch. Dòng người tuôn ra cổng trường mỗi lúc mỗi đông. Hai cánh cửa sắt đã mở rộng. Phía bên ngoài rất đông phụ huynh đã chờ sẵn để dón con mình. Tổ trực cùng thầy chủ nhiệm ôm lấy bảng hiệu và hai đoạn dây giăng ngang cho học sinh đi và xe cộ hai dầu đường lại nhường đường cho tụi nhỏ chúng em. Khi học sinh thưa dần, con đường được khai thông và dòng người cùng xe cộ tấp nập ngược xuôi. Em cùng bạn Quỳnh thong thả đạp xe, khoan khoái tận hưởng niềm vui sau một buổi học đạt kết quả tốt. Chúng em luôn nhớ lời cô giáo dặn, phải nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông, không dàn hàng ba, hàng bốn không lạng lách đánh võng gây tai nạn cho người đi đường. Hai đứa chúng em trò chuyện một cách rôm rả, đến ngã ba, hai đứa mới chấm dứt để chia tay, hẹn trưa mai gặp lại .

         Chỉ vài phút vậy thôi, chúng em đã về tới nhà, về với mái ấm gia đình.Trong bữa cơm tối quây quần bên mâm cơm sốt dẻo, em khoe với cả nhà điểm mười môn Toán mà cô Hương đã cho lời tuyên dương trước lớp.                                     

***    

 

Phạm Thị Phương Loan / lớp 5B

Bài viết:

TRƯỜNG TÔI

Trường tôi xanh bóng cây

Vàng tươi màu trường mới

Đỏ mái ngói yêu thương

 Lấp lóa màu hoa giấy

Nhớ thầy cô bạn bè

Vui vẻ là tất cả

Tiếng bước chân rộn rã

Chói lọi khăn quàng đỏ

Kiểu cách trắng và xanh

Cái chân là đôi dày

Bàn tay là sạch sẽ

Lớp học thì khỏi chê

Thân thiện quá là vui

Học sinh đáng nể phục

Ngồi im lặng nghe giảng

Bông hoa vàng, tím, đỏ

Rực rõ cả lớp học

Trường học thân thương quá

Vui vẻ cười cả ngày

Điều này mới đáng khen

Học sinh luôn luôn nhớ

Đoàn kết là sức mạnh

Hãy cùng nhau tiến lên!      

 ***

TRƯỜNG THCS PHÚ THẠNH

Trần Đức Minh/lớp 9B:

 Bài viết:

Quê tôi- Làng Kế Môn- đẹp lắm!

Làng tôi có Chùa Một Cột đó! Nó có dáng thật đặc biệt và thực sự gây hiếu kì nếu ai lần đầu tiên đến làng tôi. Ở Hà Nôi cũng có Chùa Môt Cột như vậy nhưng nó lớn hơn nhiều so với cái ở làng tôi. Tuy Chùa Một Cột ở làng tôi nhỏ nhưng trong mắt tôi, nó vẫn là đẹp nhất, vì một lẻ đơn giản: nó thuộc về quê hương tôi.

Ngày còn bé, tôi cùng mấy thằng bạn cùng xóm hay ra đây câu cá và cả…hái sen nữa. Tuy hái trộm sen nhưng không biết vì sao tôi thấy vui lắm, còn vui khi câu được con cá lớn nữa. Cho đến bây giờ tôi còn thấy vui, cũng chẳng hiểu vì sao nũa!

Nhưng có một điều làm tôi thấy nhớ nhất ở làng Kế Môn này, đó là mái cong đình làng và những nhà thờ họ tộc. Những nhà thờ họ tộc mà dân làng tôi hay gọi là “HỌ”, nó tất cổ kính và trang nghiêm. Đây là nơi thờ các ho tộc, cũng là nơi diễn ra các lễ tế do con dân trong họ tổ chức. Có một đại lễ rất lớn-12 năm tổ chức một lần- đó là  “Việt Tiếu”. Cứ mỗi mùa Việt Tiếu là làng tôi tự nhiên rộn ràng lên hẳn. Xe, người tấp nập, dân tứ xứ đổ về tề tựu với cội nguồn, cũng để thăm lại quê hương sau bao năm làm ăn nơi đất khách.

Còn về mái đình làng, nó cong vút. Chẳng biết nó cong từ bao giờ nũa. Có lẽ những mái cong ấy đã giữ hồn cho làng tôi…Tôi đã có lần đứng trước đình làng. Lần đó tôi đi cùng ngoại tôi. Tôi hơi thắc mắc về mái cong đình làng và cứ nhìn nó mãi. Nó trông thật gần gủi, mộc mạc nhưng cũng có chút gì đó bí ẩn. Nhưng trước đình làng tôi không phải là những gốc đa hay giếng nước mà là cánh đồng lúa vàng chiêm.

Gió về, những sóng lúa cuồn cuộn lại tỏa ra mùi hương sữa non thoang thoảng đập vào mũi tôi. Cứ mỗi khi mùa gặt về, tôi lại cùng bố tôi ra đồng.Tôi thích đứng trước những cánh đồng nhìn mọi người gặt lúa, hay là những chiều chạy thả diều trên bờ ruộng. Tôi thích được nằm trên thảm cỏ ngửi cái mùi lúa chín hay ngồi đây nhìn vu vơ rồi tự cảm giác lấy cái cảm giác khó tả, cái thứ cảm giác rất “Kế Môn”. Thứ cảm giác ấy hình như có gì đó máu mủ và ruột thịt!

Trẻ con ở quê tôi nhiều lắm. Cứ chiều chiều, chúng tôi cùng nhau đá bóng, bắn bi; đôi hôm còn rủ nhau đi xúc cua, chơm cá nữa. Tuy thế, đôi lúc chúng tôi cũng có những xích mích vì những lý do buồn cười như thằng đó có đôi dép mới hay con bé kia có mấy viên bi đẹp…thế rồi lại cải vã và…đánh nhau. Vui thật! tôi nhớ mãi!

Còn về con người nơi đây, họ rất có ý chí vươn lên. Ở cái nơi nắng thì lắm, mưa thì nhiều này, thiên nhiên cứ như gây khó cho con  người ấy. Nhưng bao nhiêu đó không làm chồn chân con người nơi đây. Cho dù nắng cháy, họ vẫn dày công chăm sóc thửa ruộng của mình, như một thói quen hay một nề nếp sống. Có lẽ họ dùng mồ hôi để tưới nước cho ruộng, dùng sự quyết tâm để cày từng miếng đất thay trâu, họ không bao giờ than trời, trách đất. Họ cũng chỉ mong cho quê hương được giàu mạnh, muốn con cháu họ đi trên con đường láng, ngủ giấc ngủ sâu.

Giờ đây, Kế Môn đã giàu đẹp hơn xưa nhiều. Nhà nào cũng có ti vi, xe máy;  nhà nào cũng lát gạch hoa; đường quốc lộ thi rãi nhựa, đường làng, đường xóm thì dày bê tông; đứa trẻ nào cũng được mang áo mới. Và, làng tôi cũng sắp xây chợ nữa…

Phải sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này mới cảm nhận hết được những gì bình dị nhưng đáng quý nhất của mảnh đất mẹ thiêng liêng này.

Ôi Kế Môn!

Tôi yêu Kế Môn!

 ***

Nguyễn Kim Huy/ lớp 6A

Bài viết:

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biết

Tuổi thơ con thả trên đồng.

Quê hương là nơi ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời đầu tiên cho tới những ngày tháng chập chững bước đi, tập nói “mẹ” và “cha”. Quê hương trong mắt trẻ thơ thật giản dị, ấm áp làm sao.

Mặc dù ở quê đời sống còn nhiều vất vả, gian truân nhưng vào những dịp Tết thì dường như quê em đã trút bỏ được mọi ưu phiền, mọi áp lực. Cái không khí trong lành cùng với những điều bình dị nhất nơi đây đã làm cho dân làng thấy thoải mái hơn và không một chút bận lòng lo nghĩ.

Một Kế Môn xưa cũ, nghèo nàn cả đời sống kinh tế lẫn cơ sở hạ tầng đã không còn nữa, thay vào đó là một Kế Môn mới lạ, đẹp hơn, khang trang hơn và đời sống kinh tế của dân làng cũng đã được nâng lên khá rõ rệt, đây là một dấu hiệu đáng mừng khi quê hương mình ngày một khởi sắc, ngày một phát triển. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đường xá liên thông liên tỉnh ngày càng được mở rộng, đây là một lợi thế giúp quê hương Kế Môn của em ngày càng hòa nhập sâu rộng với cuộc sống hiện đại, tân tiến, dần thoát khỏi vỏ bọc của một làng quê nghèo, nhiều khó khăn.

Con người ở đây cũng ngày càng hiện đại hơn, thực tế hơn nhưng không phải vì vậy mà đánh mất đi những truyền thống quí báu của dân tộc, đặc biệt là nét đặc sắc văn hóa trong con người Huế. Họ vẫn luôn nhiệt tình, giản dị và chan hòa, có lẽ dù có đi đến đâu ta cũng không thể tìm được tình đồng hương, tình làng xóm như ở đây.

“Quê hương ơi! Đã bao mùa lá đỏ

Rơi rớt nhiều nỗi nhớ ngoài sân”.

Hai tiếng quê hương sao nghe tha thiết vô cùng.

Quê hương em ở đó-làng Kế Môn- có một ngôi trường và thầy cô như một bài ca không thể nào quên.

Thầy cô, mái trường, bạn bè và những kỷ niệm, nó tồn tại và được cất giữ trong tim. Một thời em nhớ về thầy cô, mái trường và nơi ấy, cũng có những người bạn mà em yêu thích nhất.

Mái trường đó, ngày đầu tiên em bước chân vào, đứng trước cánh cổng xanh một màu xanh mát mẻ, ươm một màu nắng nhẹ của buổi sớm mai em đến. Cái cảm giác bỡ ngỡ, em cứ tưởng mình sẽ không có, bởi nó đã đến khi em vào lớp Một, còn bây giờ là lớp Sáu, đã 5 năm trồi, nghĩ rằng nó sẽ chẳng đến nữa đâu, nhưng vẫn là cảm giác ấy, sự bỡ ngỡ như ngày đầu tiên cắp sách đến trường. Rồi khi đã quen dần, bước vào cánh cổng ấy, sự bỡ ngỡ đã là một kỷ niệm đẹp. Cuối lớp Sáu, nhìn bằng ánh mắt thân thương quen thuộc, gần một năm không phải là thời gian dài, nhưng nó đủ để em cảm nhận được sự thân thương từ ngôi trường này, cảm nhận được sự yêu mến của thầy cô, bạn bè.

Khi đi xa ta nhớ, khi ở gần ta thương, những con người ngày đêm tận tụy, em quên sao được nụ cười của cô khi đứng trên bục giảng, em quên sao được ánh mắt của thầy khi chỉ dạy từng đứa cách làm bài, em quên sao được nỗi buồn vui học trò. Cái lớp Sáu nó chưa đủ để biến yêu thương thành hành động, nhưng đó là thời gian yêu thương được cất giấu.

Rồi ve gọi hè, rồi mùa phượng nở, rồi mùa chia tay, nó đến nhẹ nhàng như tuổi già đến với con người. Đem đến bao nhiêu kỉ niệm và cùng với sự nuối tiếc về những ngày tung tăng đến trường, những giờ ôn bài, những giờ vui chơi náo nhiệt…

Em rất tự hào về quê hương và trường của em. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng thầy cô và xây dựng quê hương mình ngày một giàu mạnh.

***

 Hồ Thị Kiều My, Lớp: 9A

Bài viết:

“ Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay”.
Câu hát ấy đã in sâu vào tâm thức mỗi chúng ta. Để rồi thương, để rồi nhớ và lưu luyến với những tuổi thơ tươi đẹp cùng quê hương. Nhắc đến quê hương mỗi chúng ta có lẽ đều tâm đắc về những kỷ niệm đẹp. Và không nguôi tự hào về quê hương đã cho ta những điều ấy.
Tôi sống trong một ngôi làng nhỏ, ven bờ sông Ô Lâu thơ mộng. Ngôi làng mang tên Điền Hương, thuộc cụm Ngũ Điền. Nơi đây cũng như bao ngôi làng khác. Cũng có cánh đồng cò bay thẳng tắp. Có luống rau, luống cà khi chiều về vẫn thấy các cô xắn quần gánh nước tưới, cũng có trại gà,  trại nuôi lợn, nuôi bò.
“ Nhớ tiếng bò kêu ngoài làng
Tiếng suối hòa reo rộn ràng”
Người dân làng tôi chất phát,đảm đang. Biết cần cù và tiết kiệm. Từ tờ mờ sáng, họ đã ra đồng làm ruộng đến chiều tối khi hoàng hôn tắt họ mới ra về. Cuộc sống vất  vả nhưng nhộn nhịp lắm. Niềm say sưa của họ biến vất vả thành niềm vui, thành sự yêu đời, thành những câu ca , điệu nhạc: “ Chàng trai vui câu ca, em bé đá đá đá, thôn nữ vui đùa với những hạt thóc vàng”.
Những câu ca ấy như chứa đựng cả một khoảng trời. Tôi vẫn nhớ vào những đêm hè mất điện, cả nhà tôi thường ra sân ngắm trăng. Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, tôi vẫn nằm trên đùi bà ngoại để bà quạt cho tôi. Bà nói rằng thời chiến tranh vất vả lắm, lo chạy nạn, lo cơm gạo, lo đủ điều. Nhân dân làng ta đã cố gắng vun đắp, xây dựng mới được như ngày hôm nay. Bà nói làng ta có lịch sử hào hùng, đó là chiến thắng Thanh Hương – Ổ Gà. Hiện nay di tích đó đang trong quá trình trùng tu. Tuy tôi không biết rõ về chiến thắng này vì lúc đó tôi còn quá nhỏ để nhớ hết lời bà nói. Nhưng tôi vẫn tự hào về quê hương tôi và tôi đang tìm hiểu thêm về nó.
Làng tôi còn có những cảnh đẹp rất thơ mộng. Có nguyên một bãi cỏ dài và rộng, cứ mỗi chiều chúng tôi lại rủ nhau ra bãi cỏ- nơi mà chúng tôi vẫn gọi là thiên đường xanh. Chúng tôi học bài, chơi nhiều trò chơi tại đó. Đặc biệt nhất là những con diều giấy được thả bay vút trời cao. Có ngôi chùa tuy nhỏ nhưng trang nghiêm, chúng tôi thường đến chùa làm lễ, học phật giáo và sinh hoạt cùng nhau vào mỗi tối thứ bảy. Có tháp đôi đồ sộ và đẹp lộng lẫy, đó là nơi dành cho những người theo đạo Thiên Chúa. Làng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Hiện tại làng tôi đang phát động phong trào “ Thấy rác là nhặt” những thùng rác công cộng cũng đã có ở mọi nơi. Chúng tôi cũng tích cực tham gia trồng cây xanh dọc bờ biển. Nó vừa đem đến vẻ đẹp vừa bào vệ môi trường. Vì mỗi người dân đều đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nên ai cũng thấy háo hức khi làm công tác này.
Chúng tôi vẫn nằm trong dạng xã nghèo nên hàng năm cũng nhận được nhiều khoản hỗ trợ từ Nhà nước, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định và đi lên. Với tình càm biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau giúp cho người dân càng thắt chặt tình cảm hơn.
Đó là những vẻ đẹp về cả thiên nhiên và con người quê tôi. Có lẽ sẽ không thể nào mà kể hết những điều về quê tôi được bởi có những cái chẳng thể nói được bằng lời. Những trang giấy ngắn ngủi này không chỉ là tình yêu làng mà là cả một niềm tự hào vô hạn. Đây là nơi tôi sinh ra và lớn lên, hình hài hôm nay có thể nói là thiên nhiên và con người nơi đây ban tặng.

 Cuộc sống vốn dĩ là do con người tạo nên. Trong cả một trái tim này có lẽ tình yêu làng xóm đặt lên trên hết. “Làng” cái tên nghe thật bình dị nhưng mang đầy ý nghĩa và kỷ niệm. Nếu có ai hỏi rằng, bạn yêu quý nơi nào nhất? Thì tất nhiên chính là quê nhà. Bởi vậy, hãy luôn nhớ rằng dù bạn đi đến nơi nào đi chăng nữa thì bạn vẫn hãy nghĩ về quê hương với tất cả những điều tốt đẹp nhất đã, đang và sẽ đến với bạn.

 ***

  Trần Thị Hồng Phúc/Lớp: 9 A

Bài viết:

Quê hương tôi, nơi tôi đang sống,  một vùng đất nghèo sớm nắng chiều mưa gắn bó với cánh đồng, gắn bó với những bãi cát với những con sông chở về đâu những ký ức, khát vọng tuổi thơ ước mơ con người.
Quê hương tôi thật sự là một vùng đất nghèo, nghèo về tiền bạc của cải… những thứ mà trong cuộc sống ta có thể làm ra. Nhưng nó lại giàu, giàu những đức tính tốt đẹp mà trong cuộc sống có thể ta chẳng thể nào kiếm được. Trong chúng tôi, dường như ai cũng có một niềm tự hào, tự hào vì chúng tôi là những người con của quê hương. Quê hương tôi gắn liền với bao trang sử vẻ vang, tình làng nghĩa xóm hoạn nạn có nhau.
“ Đồng quê chắp cánh tuổi thơ
Dấu ấn kỷ niệm con mơ từng ngày”.
Quê hương gắn liền với một thời ký ức, một thời của tuổi thơ, gắn liền với những ước mơ, khát vọng, hoài bão lớn lao, là sức sống, hy vọng nuôi lớn con người.
“ Cánh diều cha dán ngày xưa
Vút lên giữa cánh đồng trưa quê nghèo
Vỗ tay thích quá cười reo
Đầu trần chân đất chạy theo cánh diều”.
Nhớ những buổi chiều thả diều, những chiều giăng mây, những chiều đầy ánh nắng, những chiều ghi khắc dấu ấn của một thời đáng nhớ.
“ Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”
Đối với tôi, quê hương là chùm khế ngọt làm dịu bao cảm giác chán nản của những lúc tự ti, lo sợ thất vọng, nó làm ấm áp, ấp ủ chúng tôi như con thơ dưới bàn tay mẹ hiền.
Quê tôi khác xa thành phố, đây là một nơi yên tĩnh, không ồn ào tấp nập như ở thành phố. Đó là một quê hương biết nói biết cười, biết thương biết nhớ và biết cảm thông… thật kì lạ và thiêng liêng.

Nhân gian ta có câu:
“ Ngại ngùng lúc mới đến
Thắm thiết lúc sống chung
Nhớ nhung giờ ly biệt.
Giờ đây tôi cảm thấy nuối tiếc, nuối tiếc vô cùng vì thời gian qua tôi chẳng biết quý trọng quê hương mình. Khi tôi biết gia đình tôi sắp phải di cư đến một vùng đất khác. Vậy nên từng phút từng giây bây giờ đối với tôi là vàng là bạc chứ không đơn giản là thời gian nữa. Thật sự quá muộn màng, khi sắp phải xa quê hương tôi mới nhận thấy được vẻ đẹp của những người ở quanh tôi, họ thật tốt bụng và dễ thương, chính họ cũng làm nên vẻ đẹp của quê hương này.

Bây giờ đối với chúng tôi mà nói, quê hương thật quý giá, nơi đây mãi lưu lại một dòng chảy kí ức mãi chảy ngược trong trái tim của chúng tôi cũng như trái tim của bao người con xứ sở. Mãi mãi ghi dấu ấn thiêng liêng muôn đời. Không ai có thể lấy đi một thứ gì trên mảnh đất quê hương này, dù chỉ là một hạt cát nhỏ.
Vậy là hai tiếng tạm biệt. Ra đi chẳng biết có ngày gặp lại. Tôi mong tất cả mọi người hãy biết quý trọng vẻ đẹp bình dị của quê hương mình, đừng để bao giờ ta phải nuối tiếc những gì đã qua  đi

 ***


 Nguyễn Thị Thảo Vy/ Lớp: 9A

Bài viết:

“ Ai đi xa mà không nhớ quê hương
Ai đi xa mà không nhớ xóm làng”
Đó là bài hát “Nhớ Kế Môn” của nhà báo Minh Hiền. Minh Hiền là một trong những người con của làng Kế Môn. Ông đã có công lớn trong việc xây dựng quê hương và góp phần làm đối mới làng Kê Môn. Làng Kế Môn là nơi mà mẹ tôi đã chín tháng cưu mang sinh tôi ra đời. Làng Kế Môn là quê hương, cũng là người cha, người mẹ thứ hai che chở đùm bọc cho cuộc đời tôi.
Ngày tối chào đời cho tới khi tôi cất bước trên quãng đường đến trường. Mỗi bước chân là mỗi nhịp đập của trái tim tôi khi tôi chập chững bước vào lớp một. Những cảnh vật mới lạ liên tiếp diễn ra trước mắt tôi. Đầu tiên là một con đường dài và hẹp, có biết bao nhiêu người qua lại. Những ngôi đền thờ (Họ) tiếp nối nhau tạo thành những dãy núi chập chờn. Những đồng lúa xanh tươi, những cánh cò trắng lại bay về đây hòa cùng với những làn gió nhẹ từ từ thổi lướt qua. lòng tôi càng thêm háo hức và tim tôi càng lúc càng đập nhanh hơn. Tôi ngỡ ngàng trước những cảnh vật xung quanh mình thật lạ lẫm. Bỗng nhiên tôi có cảm giác sợ hãi trước những gì tôi nhìn thấy, tôi sợ rằng mình nhỏ bé thế này làm sao đối mặt với những điều kì lạ liên tiếp đến với mình. Một suy nghỉ thật ngốc ngếch và ngây thơ của một đứa trẻ mới sáu tuổi như tôi.
Mẹ là người cho tôi hình hài và cho tôi cất tiếng khóc chào đời. Cô là người đã dỗ dành và lau khô những giọt nước mắt khi tôi mới đến trường. Người cha, người thầy đã vun đắp tri thức và cho con lòng dũng cảm để vững bước trên cuộc đời. Làng Kế Môn là nơi cho tôi những cuộc sống ấm no,  chở che cho tôi khi mưa về. Thời gian trôi qua thật nhanh, mới đó mà tôi đã lên lớp 9, tôi đã hiểu thêm về vẻ đẹp quê mình. Làng Kế Môn – quê hương của vị anh hùng hi sinh cho tổ quốc – danh nhân Nguyễn Lộ Trạch. Với ngôi chùa đầy nghiêm trang và tĩnh lặng, mỗi buổi tối là những tiếng chuông bắt đầu vang lên. Nơi có cảnh đẹp thơ mộng, dịu hiền nằm giữa một đầm sen lớn, với những ánh đèn tỏa sáng rực rỡ đó là chùa một cột. Đó là điểm lý tưởng để người dân thư giản sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nổi bậc nhất là làng Kế Môn là làng nghề vàng. Ở trong làng được xây dựng nhà thờ “ Kim Hoàn” khang trang để thể hiện làng nghề của mình. Thật tự hào vì mình được sinh ra trong một ngôi làng tuyệt vời với nhiều cảnh đẹp thơ mộng như vậy.
Quê hương nuôi tôi từng ngày lớn lên mà không một lời oán trách. Tôi thầm ước ao mình có trí tuệ thật thông minh để sau này có thể giúp ích cho quê hương. Có thể tự mình xây dựng và góp phần đưa làng Kê Môn tiếp tục đi lên với những vượt trội cao lớn. Cuộc đời sau này và cũng như tương lai của tôi sẽ mãi gắn bó và yêu quý quê hương mình – làng Kế Môn thân yêu.

 ***

 Nguyễn Trần Công Thị Mỹ Loan/ Lớp: 9C

Bài viết:

Nếu quê hương của Tế Hanh “có con sông xanh biếc với mặt nước trong veo soi tóc những hàng tre”, hay quê hương của Đỗ Trung Quân “là cầu tre nhỏ, là con diều biếc”, “là chùm khế ngọt” thì quê hương Kế Môn mang một vẻ đẹp với những cảnh vật riêng biệt của nó.
Làng Kế Môn hay còn gọi là thôn Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
“ Kế Môn rực ánh bình minh
Cuộc đời đổi mới chiến binh qua rồi”
Cũng như bao miền đất khác, nơi đây đã trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử để giờ đầy được sống trong “ ánh bình minh” ánh sáng của một thời kỳ đổi mới, ánh sáng của sự thịnh vượng.
“ Kế Môn quê hương của ta đó,
Xưa mái tranh nay ngói đỏ rợp trời”
Những ngôi nhà mái tranh vách nứa nay được thay thế bởi những ngôi nhà mái ngói đỏ đến “ rợp trời”. Cuộc sống cũng thay đổi: No đủ, đầy tiện nghi.
Nhắc đến làng Kế Môn, ta không thể không biết đến danh nhân văn hóa Nguyễn Lộ Trạch.
“ Kế sách điếu trần” dâng chín bộ
Quân thù sạch bóng dựng quê hương”
Ông đã cống hiến cả cuộc đời, sự nghiệp cho quê hương, đất nước.
Mỗi làng quê đều có một nét đặc trưng về truyền thống. Ở đây có nghề Kim hoàn, có biết bao nhiêu người trở nên giàu có nhờ đi theo nghề nghiệp mà ông cha đã gây dựng.
“ Theo nghề truyền thống Kim hoàn
Lưu truyền hậu thế vẻ vang quê nhà”
Con người nơi đây luôn luôn giữ gìn được bản sắc văn hóa của làng quê, góp phần làm vẻ vang của tổ tiên, ông bà. Cho đến ngày nay, người dân đã xây dựng nhà thờ tổ Kim hoàn để thể hiện sự tôn kính và niềm trân trọng nét đẹp này như một minh chứng của văn hóa truyền thống.
Nói đến làng Kế Môn không thể không nói đến ngôi chùa có tên Vạn Phước. Đây là nơi thể hiện sự tín ngưỡng cũng như đề cao kính trọng của người dân với nhứng vị thánh hiền.
“ Điện thờ tượng phật đẹp thay
Xa gần đóng góp dựng xây chùa chiền”
Một người đóng góp một chút công sức để xây dựng ngôi chùa ngày càng to lớn, rộng rãi hơn, khang trang hơn. Cái tên Vạn Phước có ý nghĩa ngôi chùa mang lại bao điều phúc đức, bao điều tốt đẹp cho người dân trong làng.
Một điều không thể thiếu trong mỗi dịp cúng bái, tổ chức lễ làng là ngôi đình. Nhân dân trong làng thường tổ chức lễ bái thần binh hằng năm để cầu cho nhân dân nơi đây có cuộc sống thanh bình.
“ Dân làng mãn nguyện trọng thần linh
Hưởng ân no ấm sống thanh bình”
Cảnh vật thân thuộc nơi làng quê chính là lũy tre. Những cây tre cao vút, thẳng đuộc là nơi nghỉ mát mỗi buổi trưa hè nắng nóng gay gắt. Cánh đống lúa xanh ngắt, cò bay thẳng cánh.
“ Toàn dân đoàn kết chăm lo
Thi đua sản xuất quyết cho mạnh giàu”
Những vụ lúa bội thu đã đem lại niềm vui và hạnh phúc tràn trề cho người dân, đem lại cuộc sống ấm no cho từng gia đình.
Siêng năng, cần cù trong lao động, biết quan tâm cuộc sống. Họ là những con người biết nâng niu, trân trọng giá trị của cuộc sống, biết cảm nhận và  gìn   giữ tình cảm của quê hương, đồng loại.
Một nét đẹp của làng Kế Môn chính là những tên gọi quen thuộc như:
“ Hàm Rồng Khút Ngược bao la
Đồng dạ cát trắng, Cồn nha cát vàng”
Hay
“ Lò rèn, xóm Đập mội trong dân hiền” và những tên gọi khác như Hói Gạch, xóm Cụt, Khút xuôi. Những cái tên nói lên tất cả vẻ đơn sơ, mộc mạc của làng quê. Những cái tên được ông cha tạo ra và lưu giữ từ bao thế hệ.
Để cho quê hương nơi làng Kế Môn ngày càng giàu đẹp và phát triển, thì mỗi một con người đang sinh sống ở đâu đi chăng nữa hãy luôn nhớ về ông bà, tổ tiên, cố gắng xây dựng quê hương, dù bạn là ai, dù bạn đang sống ở phương nào hãy luôn luôn hướng về cội nguồn. Bởi vì:
“ Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Quê hương là nơi ta chôn nhau cắt rốn, là nơi ta sinh thành.  Quê hương như mẹ cha ta, mổi người chỉ có một người mẹ, người cha cũng như chỉ có một quê hương. Nếu ta đã lãng quên đi quê hương mình có nghĩa là ta đã lãng quên đi mẹ cha ta, quên đi tất cả những dấu ấn trong cuộc đời. Lúc đó đồng nghĩa ta đã đánh mất cái gốc làm người, đánh mất cả bản thân ta. Vì vậy hãy sống sao cho thật xứng đáng với những giá trị, với những vẻ đẹp của cuộc sống, của quê hương.

 
***
 Nguyễn Thanh Khoa/ Lớp: 9C

Bài viết:

“ Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người”
Qua hai câu thơ trên, trong mỗi một chúng ta không có ai là không thấy rõ quê hương nó đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống chúng ta, là nơi mà ta đã chôn nhau cắt rốn và đây cũng là nơi mà ta đã gắn hết những ký ức vui buồn của thời thơ ấu. Riêng tôi quê hương không chỉ thế mà nó là người mẹ thứ hai đã nuôi tôi khôn lớn và cho tôi những thứ tình cảm thiêng liêng kỳ diệu mà đi hết cuộc đời tôi, tôi cũng không bao giờ quên được.  Nó cứ ghi mãi ghi hoài vào trong con tim, trí nhớ của tôi. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, cùng với đó là tình cảm quê hương và cái tình cảm này đến từ một ngôi làng mang tên Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là một ngôi làng nhỏ đầy ắp những câu chuyện lịch sử từ khi thành lập làng cho đến ngày nay hay về danh nhân văn hóa Nguyễn Lộ Trạch. Ngôi làng nằm dọc theo bờ sông Ô Lâu xanh hiền hòa êm dịu. Phía sau làng là rú (theo tiếng địa phương trong làng thương gọi) và phía sau nữa là biển. Nên kinh tế chủ yếu của các hộ gia đình là sản xuất nông nghiệp. Các học sinh trong làng có truyền thống ham học, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên cũng có một số bộ phận con em trong làng đi học nghề truyền thống của làng, đó là nghề Kim hoàn.-nghề vàng- Trải qua thời gian lịch sử. Kế Môn đã phát triển từng ngày từ khi trên đất nước Việt Nam không còn chiến tranh. Đại bộ phận nhân dân trong làng rất yêu nước .Từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ mà điển hình nhất là danh nhân văn hóa Nguyễn Lộ Trạch, ông đã dâng lên triều đình nhà Nguyễn hai bản sách vụ để canh tân đất nước nhưng không được vua chấp nhận. Ở làng có rất nhiều công trình kiến trúc văn hóa: Chùa, họ, đình làng… nó in đậm những nét đặc sắc nghệ thuật cổ truyền còn lưu giữ trên thân hình, dáng vẽ của những kiến trúc cổ.
Đi dọc theo làng, một con đường đổ bê tông chắc chắn, thẳng đều dài khoảng 2,3km. Trước mặt đường chủ yếu là các tộc họ: Trần, Lê , Bùi, Nguyễn, Phan, Hoàng, Đặng và đình làng. Các tộc họ có các nét kiến trúc cổ giống nhau, mang đậm bản sắc của đất Kế.  Hàng năm cứ đến mùa của tế họ, tế làng thì con cháu khắp bốn phượng lại tụ hội về đầy để cúng tế cho tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu sức khỏe,  cuộc sống bình yên mùa màng tươi tốt . Hơn thế nữa, đây cũng là dịp để con cháu về thăm lại nhà, bà con xóm giềng, quê hương. Nói như thế cũng đủ thấy rằng những người con đất Kế ngày nay luôn luôn tiếp bước ông cha đã đi trước, lưu giữ những nét văn hóa của người Việt từ lâu và cũng thấy rằng mọi người luôn luôn quan tâm đến tình cảm quê hương, tình cảm cội nguồn.
Nhắc đến làng Kê Môn người ta vẫn nhắc đến một làng nghề Kim Hoàn nổi tiếng trên cả nước. Nghề Kim Hoàn là nghề làm đồ trang sức cho con người (vàng, bạc…) hiện nay vẫn còn lưu giữ cái nghề truyền thống. Khi có dịp ghé chới làng tôi thì bạn có thể ghé thăm nhà thờ tổ Kim Hoàn tức là nhà thờ tổ tiên đã tạo ra cái nghề này, không những vậy giờ đây còn có một số tiệm vàng lớn khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Con em trong làng chủ yếu học nghề truyền thống, cái nghề này đã mai một lắm rồi. Chẳng mấy ai bây giờ mà đi học nghề Kim Hoàn nữa.
Bên cạnh cái nét đẹp văn hóa về cái nghề truyền thống, Kế Môn vẫn đẹp về lối sống con người và thiên nhiên. Con người đất Kế tuy chủ yếu làm nông nhưng họ luôn biết chớp lấy thời cơ để làm ăn, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cần cù lao động, sáng tạo để luôn luôn giữ đẹp lối sống văn hóa và đoàn kết của nười dân, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Dù ở xa phương hay ngay tại chính quê hương của mình thì họ cũng giữ được một lối sống đẹp đẽ, luôn nhớ về quê hương ruột thịt của mình , được thể hiện dưới các dòng thơ, văn viết về quê hương:

“ Nhớ về xứ Kế quê xưa
Mà ta dãi nắng dầm mưa một đời
Mẹ nuôi ta lớn nên người
Quê cho ta nhớ ngàn lời ca dao
Xa quê nuối tiếp nghẹn ngào
Thương thương nhớ nhớ ghi vào trong tim”.
Chỉ qua sáu câu thơ thôi thì mọi người cũng thấy rõ tình yêu quê hương khát khao cháy bỏng khi phải xa nhà, xa quê để kiếm sống, lập nghiệp. Đối với họ không có một tình cảm nào có thể sánh bằng tình cảm của họ đối với quê hương vì đây là nơi chôn nhau cắt rốn, gắn bó những kỷ niệm thời thơ ấu khi còn sống ở đây chưa xa cách những đứa bạn, hàng xóm láng giềng, Tình cảm quê hương dành cho họ, giờ đây họ phải sống trong những thành phố không một chút yên bình, họ phải chen chúc để sống , làm họ cũng nuối tiếc khi mỗi lần không được về quê.
Ngày nay ở làng chỉ còn một số hộ gia đình và rất nhiều con trẻ, con em trong làng đã khác xưa rất nhiều khi đã thoát khỏi cực khổ như ngày xưa, được đi học 100%, làng luôn khuyến khích học để có phần thưởng của làng. Cơ sở giáo dục đã phát triển:  có một trường tiểu học, một trường THCS, thiết bị học tập đầy đủ, môi trường giáo dục tốt , tập hợp nhiều giáo viên giỏi tại đây, học sinh biết vâng lời thầy cô giáo, luôn cố gắng phấn đấu để đạt thành tích cao trong học tập và các hoạt động của nhà trường. Các con em trong làng rất yêu quê hương đất nước, dân tộc, hiếu học. Nhà trường luôn giáo dục làm cho quê hương giàu đẹp và phát triển hơn.
Quê hương luôn như là cái gì đó bí ẩn xung quanh tôi, nó luôn cho tôi những tình cảm, sự sống, tâm hồn trong sáng, nuôi lớn lên từng ngày. Hai chữ Kế Môn thiêng liêng tình cố cựu ấy cũng sẽ đi hết cuộc đời tôi và tôi có ước mơ làm cho Kế Môn sặc sở và giàu đẹp.

 ***

Hồ Thị Hương/ Lớp: 8C

Bài viết:
Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dạy phải yêu,
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều,…
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người…
Vâng! Bài thơ này cũng nói lên đôi chút ngây thơ, tâm trạng và trách nhiệm của tôi. Đã không biết từ bao giờ, lúc nào tôi đã yêu quý quê hương mình- Quê hương Kế Môn -nơi tôi đã sinh ra lớn lên, có gia đình, bè bạn, cùng chung sống với những kỉ niệm vui buồn, chan hòa cùng hàng cây, ghế đá, cùng những vật gần gũi thân thương và cũng có những thứ muốn tò mò tìm hiểu. Quê hương tôi là thế đó, là nơi mà tôi đẫ có được những khung bậc cảm xúc của cuộc sống, hỏi làm sao mà tôi không yêu quý và trân trọng nó được chứ- mảnh đất Kế Môn hiền hòa?
Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi và mỗi chúng ta ai cũng gắn bó với quê hương phải không? Mỗi quê hương, vùng miền đều mạng bản sắc, truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp riêng và quê hương tôi cũng vậy, làng Kế Môn có những truyền thống, phong tục, tập quán đáng tự hào.
Quê hương luôn bồi đắp cho tôi những giá trị tinh thần cao quý, giúp tôi hiểu biết được tình người, tình làng nghĩa xóm biết khoan dung, giàu lòng nhân hậu.
Quê hương tôi là ngôi làng nằm trải dài trên mảnh đất Ngũ Điền, kéo dài hơn hai km, diện tích không lớn lắm, nhưng được cái phong cảnh nên thơ và đẹp tuyệt. Phía trước là những cánh đồng lúa xanh ngát thẳng cánh cò bay, phía sau là nơi người dân quần cư sinh sống và phát triển. Người dân Kế Môn cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo cùng nhau giúp đỡ làm việc tiến tới. Người dân quê tôi chủ yếu đều làm nông nhưng không phải làm nông là nghèo, là lạc hậu nhưng người dân quê tôi biết vận dụng, sáng tạo, làm việc tốt, một phần lớn góp vào việc xây dựng quê hương tôi.
Đáng tự hào biết bao khi quê hương tôi -làng Kế Môn- là nơi sinh ra danh nhân Nguyễn Lộ Trạch, Hố Tá Bang, những con người đã góp công lớn trong việc xây dựng duy tân đất nước. Nơi đã sinh ra những bậc hào kiệt lẫy lừng thời đại.
Đi dọc theo con đường làng, tôi thấy được những ngôi đình miếu, nhà thờ họ trang nghiêm, cổ kính lồng trong những bóng cây bàng, bằng lăng cao vút. Cảnh đẹp của quê tôi lại càng đáng tự hào hơn bởi dọc theo con đường làng ta sẽ thấy có một ngôi chùa (chỉ một cột) trụ trên một hồ sen, trông trang nghiêm mà thơ mộng lắm. Những bông sen tỏa hương thơm ngát, mặt nước trong xanh, bóng ngôi chùa hiện lên trên mặt nước hư hư thật thật như bức tranh thủy mạc vậy!
Quê hương tôi- làng Kế Môn- nổi tiếng bốn phương với một nghề truyền thống từ lâu đời, đó là nghề kim hoàn.
Quê tôi luôn là điểm tựa vững vàng cho tôi, nó giúp tôi thấy yêu cuộc sống hơn, vững tin trong mọi hoàn cảnh, là nguồn cổ vũ, động viên cho những người con quê tôi. “ Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Quê hương là đích hướng về của mỗi người con quê hương và những người con xa xứ.
Những cánh đồng lúa bát ngát với người nông dân quanh năm cặm cụi bên thửa ruộng, dòng sông Ô lâu êm đềm ngày ngày mang phù sa bồi đắp cho đồng ruộng thêm màu mở.
Vậy đó, cuộc sống thật vui vẻ nhàn hạ, thoải mái nhưng vẫn có một số người không yêu quê hương, không thấy quý quê hương mình, đã tạo và làm nên những hình ảnh xấu, những hình thức sống… làm ảnh hưởng đén quê hương. Những hình ảnh về quê hương tôi thật đẹp biết bao, hàng cây ven đường, đường làng nhỏ hẹp, khe trong nước mát, hoa cỏ thơ mộng nhưng vẫn có một số người dân không có ý thức xây dựng quê hương. Quê hương là chùm khế ngọt thì hãy cố giữ và giữ cho chùm khế ấy luôn ngọt hơn.
Vì thế là một người con sinh ra và đang lớn lên ở đây tôi quyết cố gắng học tập tốt để góp phần xây đắp, bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương mình và đây cũng là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của những người con khác, những đứa con ngoan, con yêu của quê hương Kế Môn.
Tôi yêu quê hương mình lắm, yêu cái nơi mà tôi chôn nhau cắt rốn, yêu nơi có tiếng ru à …ơ…của mẹ, nơi ngày nào tôi bi bo tập nói, tập đi. Yêu sao, yêu quá mảnh đất hiền hòa. Tôi sẽ cố gắng học tập tốt để mai đây góp phần xây dựng quê hương Kê Môn giàu mạnh, để đáp lại những gì mà nó đã tạo nên cho tôi trong cuộc sông. Yêu quý biết bao quê hương tôi!

***

Phản hồi (20)

  • tuyền62
    Tháng Năm 4th, 2012 lúc 06:13

    Rất hay , Rất tuyệt , rất chí lí với những lời lẽ yêu quê hương của lớp trẻ làng KẾ MÔN . Mong sao website làng hãy tổ chức nhiều cuộc thi hơn thế nữa . Rứa mới biết thế nào là con người với quê hương ….

  • hoàng thành việt
    Tháng Năm 4th, 2012 lúc 16:25

    thật cảm động khi tôi đọc mấy bài viết này,qua đó mới thấy mỗi con người chúng ta ở tầng lớp nào chăng nữa?cũng yêu Quê Hương tha thiết
    cháu Hương nói hay lắm
    Quê Hương là chùm khế ngọt,thì hãy cố giữ và giữ chùm khế ấy luôn ngọt hơn , chúc mừng cháu bài viết hay

  • tuyền62
    Tháng Năm 6th, 2012 lúc 05:37

    Yêu quê hương là gắn bó , tự hào về quê hương mình . Với những mãnh đất nóng bỏng bàn chân , với những con người chân bùn tay lấm , Ta lớn lên , nhưng vói quê hương họ hàng , hàng xóm , ta cũng chỉ là một đứa trẻ thơ , một đứa trẻ đã lớn lên , được nuôi nấng từ mãnh đất này , và quê hương sẽ là nhân tố thúc đẩy và hình thành nhân cách mỗi con người trong chúng ta .
    Ở quê hương có những con người lao động hiền lành , tâm tình của họ đã tưới lên mãnh đất khô cằn bằng những giọt mồ hôi đã kết thành hoa thành trái mà chúng ta đã thu được từ những giọt mồ hôi đó , giúp chúng ta khôn lớn , trưởng thành trong suy nghĩ , hiểu biết và cảm xúc . Từ đó giúp chúng ta thêm yêu mến tự hào về làng về quê hương , nơi chôn rau cắt rốn của mình .
    ” Ai đi xa mà không nhớ quê hương .
    Ai đi xa mà không nhớ xóm làng ”
    Với hai câu hát trong bài hát ” Nhớ Kế Môn ” . Chị mong sao với với tuổi trẻ các em . Sau này và mãi mãi xứng danh là con em của làng . Khi các em trưởng thành , làm gì và bất cứ ở nơi đâu các em cũng nhớ hướng về nơi quê cha đât tổ , nơi đã sinh ra và nuôi các em trưởng thành các em nhé !
    Đọc nhũng bài văn của các em viết chị rất tâm đắc , Chị cầu chúc cho các em học giỏi luôn xúng đáng là con em của làng Kế Môn
    Thân ái chào các em .
    Hoàng thị Thanh Tuyền

  • Huongđong
    Tháng Năm 7th, 2012 lúc 20:06

    Sức sống của những mầm non đang vươn cao.Đúng vậy, thật không uổng công cho những người đã ươm mầm,xứng danh cho đất Kế
    huongđong

  • BAN DOC
    Tháng Năm 8th, 2012 lúc 10:50

    Không biết các bài văn trên là do các em đánh máy gửi vào hay do Ban biên tập đánh máy lại mà lỗi chính tả sai hơi nhiều. Hy vọng các bài dự thi sau không còn mắc lỗi cơ bản như vậy nữa. Bài viết của các em thể hiện được tình cảm đối với quê hương. Rất hoan nghênh

  • HiềnHồ
    Tháng Năm 9th, 2012 lúc 22:56

    Chúc mừng các em đã có bài viết hay, nhất là bài của Hương. sâu sắc, có tâm huyết, thẳng thắn đưa ra 2 mặt tốt xấu. Những chồi non làng Kế là đây. hãy vươn cao, vươn xa hơn nữa, cố gắng học tập, rèn luyện cả về đạo đức lẫn kiến thức. Người ta nói: ” có tài mà không có đức là người vô dụng ”. Các em còn rất nhiều cơ hội ở phía trước, hãy xứng đáng là những người con làng Kế, sống có ích cho gia đình, xã hội, và cho cả bản thân các em nữa đó.
    Các em đã và đang được sống, học tập trên chính quê hương của mình thì hãy biết nâng niu, gìn giữ nó. Để sau này dù bất cứ ở đâu KẾ MÔN mãi là kỷ niệm đẹp trong ký ức của mỗi người các em nhé!!!!!!!

  • Hiền HOàng
    Tháng Năm 12th, 2012 lúc 07:27

    răng mà tuổi trẻ tài cao rứa hè,khâm phục viết hay hơn cả mình nữa 🙂

  • Nguyễn Banh
    Tháng Năm 15th, 2012 lúc 23:16

    . ý chí và tâm hồn các em sẻ được toại nguyện
    như những gì các em đã viết thể hiện ý chí và tâm hồn của mình theo bài thơ dự thi . những lời các em viết thật đơn sơ thật giản dị đúng như tâm trạng của các bật cha ông của làng kế môn là những người đi trước , bôn ba xứ người nay đã thành đạt . quê ta từ ngày xưa cho đến nay những người làm cha làm mẹ mặc dù sống đời cày sâu cuốc bẩm nhưng nếp của làng ta ,cha là cánh chim , mẹ là cành hoa ,trong trí óc khi mô củng mơ cho con cháu mình bay cao , bay xa , thành đạt trên mọi lãnh vực . quê hương kế môn đúng là ,đất có lề quê có thói .

  • tran thi lai
    Tháng Năm 18th, 2012 lúc 09:49

    Bài của em Hoàng Thị Như quỳnh/ lớp 5A thật giản dị, hiện rõ nét thơ ngây tuổi học trò

  • hoàng thành việt
    Tháng Năm 21st, 2012 lúc 19:09

    chúc mừng các cháu đoạt giải

  • dặng hữu hung
    Tháng Năm 21st, 2012 lúc 22:15

    Kính gửi:_ Ban tổ chức cuộc thi”Viết về quê hương Kế Môn.
    _Quý anh chị mạnh thường quân cùng đồng hành.

    Bài thơ “LÀNG EM”của em Như Quỳnh rất xứng đáng đạt giải nhất,lời thật trong
    sáng,tự sự thực tế về cảnh cơ cực với cả tấm lòng tha thiết yêu mến quê hương, Khổ thơ 5
    chữ là khổ khó để viết và gieo vần trong thi ca.Thường người ta viết để “đồng giao”
    rất gần gũi với đời sống thôn quê.
    Với khả năng của lớp 5 mà đã sáng tạo có hồn thi ca, tin rằng”Đây là mầm tốt của làng Kemon”
    Đúng ra tôi đã nhận xét và đưa ra ý kiến tốt về bài thơ “làng em”nhưng ngại dễ bị phân tán cho
    người chấm thi.Tôi xin cảm ơn đến em Như Quỳnh và chúc mừng.Xin cảm ơn đến những người
    đã tạo sân chơi này và xin cảm ơn đến hội đồng chấm của cuộc thi về quê hương Kế Môn của
    chúng tôi.Mong ước sẽ có thêm nhiều hoạt động văn hóa như thế này trong tương lai.
    Kính chúc đến mọi người khỏe mạnh, hạnh phúc và thành đạt./.
    Danang;ngày 21/05/2012.
    danghuu.hung

  • hoàng thành việt
    Tháng Năm 22nd, 2012 lúc 15:35

    Kính gửi Anh Minh Hiền
    dạo ni có thay đổi gì ko mà mai langkemon.com.vn đã trở thành monlangke(langkemonmail.com) hay là do máy của việt hư

  • hoàng thành việt
    Tháng Năm 22nd, 2012 lúc 16:16

    Gửi: Người Đọc.Cùng Bạn Đọc. Và HUONGDONG
    theo việt,các bạn đóng góp ý kiến thì trang web luôn luôn lắng nghe. Và việt cũng luôn lắng nghe.Tuy nhiên cũng xin nhắc các bạn rằng.Đây là một trang web cái nhân của langkemon họ đã làm tốt như vậy rồi, thì mong rằng các bạn đừng bắt bẻ như vậy nữa, lỗi đây không phải là lỗi các em và không phải lỗi biên tập mà lỗi các thầy cô gửi đến nhiều khi chúa và phật cũng mắc sai lầm ,dạo này 3 người nói trên hay thắc mắc không đáng có, như tôi chỉ có mắc 2 lỗi đó là không phải lỗi chính tả mà là lỗi kỷ thuật khi đánh máy muốn cho trang web phát triễn thì xin 3 người nói trên bỏ qua những lỗi không đáng có ,xin chân thành cảm ơn

  • Hoàng Công Quốc Huy
    Tháng Năm 23rd, 2012 lúc 06:36

    Chào chú Đặng Hữu Hùng, Huy con ông Sim nè.
    Chú và gia đình vẫn khỏe chứ? Dạo này công việc làm ăn thế nào?

  • dặng hữu hung
    Tháng Năm 23rd, 2012 lúc 07:28

    Dạ-em chào anh Huy.Em và gia đình hiện ở Danang.Gia đình Hùng cũng khỏe.
    Khi mô có dịp tạt ngang Đà nẳng thì ghé nhà chơi.Nếu có dịp vô Saigon thì em
    ghé nhé.
    cell-phone 0905161027

  • nguyễn thu sương
    Tháng Năm 23rd, 2012 lúc 10:23

    Gửi anh Minh Hiền,
    Chúng tôi rất cảm động khi thấy anh luôn hướng về quê hương của anh, đặc biệt là hướng về ngành giáo dục- tương lai của quê hương-.Rất tiếc trong cuộc thi này, không mấy người tham gia tài trợ.Công ty Tủ Sách Túi Khôn xin chia sẻ cùng anh 1.000.000 đồng trong cuộc thi này. Đồng thời gửi một ít sách cho các em học sinh Mầm Non và Tiểu Học.
    Chúc cuộc thi thành công.
    Nguyễn Thu Sương

  • Hoàng Thị Ngọc Diễm
    Tháng Năm 25th, 2012 lúc 21:06

    Bài của các em đều thể hiện được tâm huyết,niềm yêu thương tự hào về Quê Hương.Những ước mơ của các em cũng chính là mơ ước của bao người, trong đó có chị nữa.Tình yêu Quê và những ước mơ sẽ luôn được khởi lên và tồn tại tiếp nối mãi theo thời gian, trong tâm khảm của tất cả những con người yêu Quê.Đọc bài của các em chị thấy vui va hãnh diện…xin chúc mừng,mừng cho những mầm xanh đang đâm chồi nảy lộc tinh khôi trên Đất Kế.Thương chúc tất cả các em, luôn chạm được đến những ước mơ của tuổi đời hồn nhiên.Mong các em luôn biết chăm lo học hành.Biết trân trọng nâng niu,gìn giữ những gì mình đang có.Cố gắng phấn đấu để đạt được những gì mình mong muốn.Cố gắng hết lòng vì một điều gì đó mà mình cho là thiết thực…Cố gắng bằng hết khả năng,để khi mình tìm thấy nó cuộc sống sẽ cho mình câu trả lời trong mãn nguyện chứ không phải là sự hối tiếc mơ hồ.Chị rất thích bài của Hồ Thị Hương 8C và Hoàng Thị Như Quỳnh 5A vì lời văn ,lời thơ giản dị đúng với thực tế.Thể hiện sự hồn nhiên trong sáng đúng với tố chất văn thơ của tuổi học trò.Mến chào!!!

  • Lãngtữxuxibo
    Tháng Sáu 9th, 2012 lúc 12:40

    Tôi k thíck bài văn kủa pạn Kiều My tại bài văn này viết khá phức tạp và chưa được thực tế cho lắm

  • văn thơ
    Tháng Mười Một 10th, 2012 lúc 14:02

    HAY THÌ RẤT HAY NHƯNG NHỮNG BÀI VIẾT KHÔNG ĐẠT GIẢI THÌ SAO.KHÔNG ĐĂNG LÊN CHO BÀ CON GÓP Ý, BÌNH CHỌN.KHÁCH QUAN HƠN?
    ĐÔI LỜI GÓP Ý CHO TRANG WEB CÁ NHÂN LANGKEMON.COM.VN

  • minhhien (author)
    Tháng Mười Một 11th, 2012 lúc 05:17

    Cuộc thi đã qua lâu rồi, chúng tôi xin ghi nhận góp ý của bạn. Thành thật cảm ơn
    web langkemon.com.vn

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác