TẾT KẾ MÔN XƯA 24-01-2025 Thao Nguyen

(Thân tặng các bạn trẻ đồng hương nhân Tết Ất Tỵ 2025 để biết thêm về Tết xưa ở làng – Vì phải cụ thể và chi tiết nên bài khá dài – có thể đọc nhiều lần)

*

      Làng Kế Môn xưa vốn là một làng nông nghiệp lạc hậu, thành quả mùa màng vẫn phải trông chờ, phụ thuộc vào sự “ấm lạnh thất thường” của thiên nhiên. Điểm đặc biệt là một số con em dân làng đã ra đi từ rất trẻ, vào các thành phố như Huế và Đà Nẵng học hoặc hành nghề kim hoàn. Ngày Tết là ngày họ trở về sum họp với gia đình họ hàng, mang theo về một chút hương sắc từ chốn thị thành tô điểm cho cái Tết quê nhà dân dã.

    Từ khoảng rằm tháng Chạp, khi mà “vụ mùa” (tức vụ đông-xuân ngày nay) vừa cấy xong những thửa cuối cùng, mưa dầm tháng mười và lụt lội, bão tố cuối thu đã qua đi, bà con dân làng bắt đầu “rửa tay” để tập trung chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán. Họ đã chuẩn bị những gì?

       Phần I .   LÀM BÁNH, LÀM MỨT   

      Như đã có tiền lệ, nhà nào cũng đã thủ sẵn một lượng gạo nếp đủ để gói các loại bánh và xôi chè ngày Tết, song song với việc thủ sẵn mấy con gà và chừa lại ít nhất một con heo thịt, giống heo cỏ ngày trước, to lắm cũng chỉ chừng 60kg. 

     Có điều lạ là bánh gói bằng lá chuối thì chỉ có bánhtày” là chính.  Rất ít người  gói bánh “tét”, không thấy ai gói bánh “chưng” (mặc dầu đối với dân tộc Việt thì bánh “chưng” bánh “dầy” ai cũng biết là đã có từ truyền thống xa xưa). Có lẽ vì bánh “tày”  xét về hình thức thì dễ gói, dễ buột lạt, nhỏ gọn, nấu mau chín, cũng có nghĩa là đỡ tốn củi! Mà củi dạo ấy thì khá hiếm, và không ai lại nấu bánh bằng lửa rơm cả.

*

Cặp bánh tày tiêu biểu

     Còn “nội dung chất lượng” thì chao ôi, nhớ lại, thiệt là quá khiêm tốn: nếp, điểm ít đậu huyết (tức đậu đỏ) trộn lại thế là xong, chẳng thấy “thịt thà” gì  bên trong cả… Chỉ cần hai lớp lá chuối (phơi cho dốt) ôm gọn nếp lẫn đậu, bịt kín hai đầu. Cứ hai cái úp vô với nhau thành “một cặp” (xem hình trên). Một đôi bánh tày thường to bằng cổ tay và dài bằng một gang tay người lớn, buộc với ba, hay kỹ hơn là bốn “nuột lạt” (loại lạt mềm bằng “hóp” chẻ nhỏ).

     Nhưng đó là loại bánh thường nấu vào “cận Tết”, ngay trước thời điểm “rước ông bà” chiều ba-mươi. Còn từ trước đó, bà con đã làm nhiều loại “bánh khô” khác như bánh cốm “nện”, bánh dẽo (còn gọi là bánh “lăn”) và phổ biến nhất là bánh in. Sở dĩ gọi “cốm nện”, vì bánh này phải sử dụng một loại khuôn hình khối tròn hoặc hơi vuông thật cứng, với nguyên liệu thường là bắp rang, nếp rang, “ngào” với đường, thêm chút gừng thái nhỏ thành sợi, trộn lẫn… cho vào khuôn rồi “nện” cho thật chặt. Đang đêm mà nghe nhà nào phát ra tiếng đóng “cộp cộp” thì đoán là nhà đó đang làm bánh “cốm nện” rồi!

    Bánh “dẽo” thì cũng hình khối tròn (đường kính đáy chừng 7-8 cm) hay hơi vuông để cắt ra từng miếng mà dùng (như cắt chả), nhưng mềm hơn, nên chỉ cần dùng tay vừa ép, vừa “lăn” mà không cần khuôn. Cũng có người dùng ống tre lồ-ô làm khuôn để hình dạng bánh được đẹp hơn. Nguyên liệu căn bản vẫn là nếp, đậu, đường… thêm chút mùi thơm va-ni. Đây là loại bánh tương đối “cao cấp”, có chút bí quyết  mới để được lâu, không mốc, mà không phải ai cũng làm được.

    Còn tuyệt đại đa số dân làng thì ai cũng biết làm bánh in, nhất là bánh in bột nếp: nếp rang xong, xay ra thành bột mịn, trộn với đường (thường là đường chén Quảng Ngãi cạo ra), cho vào cái khuôn hình vuông bằng đồng thau, mỗi bề 3cm, dày chừng non 2cm, “ấn” một cái là ra được chiếc bánh, có mặt trên nỗi lên hình chữ “thọ” sắc sảo. Riêng bánh in bột đậu xanh hay bột “bình tinh” thì phải cần cái khuôn hình khối chữ nhật, có lẽ để dễ phân biệt, và cũng để bánh “chắc” hơn do hai loại bột này ít có tính kết dính hơn so với bột nếp.

    Bánh in “đúc” xong đem “trậy” (tức sấy khô), trong những cái “dần” hoặc “tràn” (sàn) bên trên bếp lửa đặt tạm giữa nhà cho bánh chuyển thành cứng trước khi đem gói. Thật là thú vị khi thời tiết ngày giáp Tết lạnh lẽo mà được ngồi bên cạnh “lò sấy bánh”, vừa ấm áp lại vừa tận hưởng mùi thơm của ngũ cốc rang chín! Chốc chốc lại được xơi “thử” những cái bánh bị mẻ góc, bị “loại” vì lỗi.

     Nhưng vui nhất và rộn ràng nhất vẫn là công đoạn gói bánh, vì lúc này nhà nào cũng “huy động” bọn con nít tham gia – mà dù không huy động thì bọn này vẫn cứ lăng xăng quanh quẩn xung quanh mớ giấy gói đủ màu sắc hấp dẫn kia, vốn đã được cắt sẵn thành từng miếng vuông vức mỗi cạnh cỡ 10cm: nhà khá giả thì dùng giấy gương, giấy kiếng, nhà nghèo thì dùng giấy màu: xanh lơ, xanh biển, đỏ hồng, đỏ tía, vàng, tím, trắng… nói chung là đầy đủ “ngũ sắc”.

      Cũng còn một loại bánh nữa dùng nguyên liệu lòng đỏ trứng vịt hoặc gà, pha với bột nếp, thêm chút bột “bình tinh”, quậy  cho  thật “nổi”  rồi  cho  vào khuôn bằng gang, nướng lên, đó chính là bánh “thuẫn”.  Bánh màu vàng ươm hấp dẫn, để trần, không cần phải gói. Loại bánh này hương vị ngon tuyệt nhưng tương đối tốn kém cả về nguyên liệu lẫn nhân công và kỹ thuật nên không nhiều người làm. Ngoài ra, phải kể đến hai loại bánh khác mà nguyên liệu cũng không có gì khác ngoài bột nếp, bột đậu xanh, đường, nhưng lại được mang một hình thức khá độc đáo, đó là bánh su-sê hình hộp vuông cạnh chừng 3cm, gói bằng giấy ngũ sắc, thật bắt mắt, và bánh bi (còn gọi là bánh hạt sen) to tròn cỡ viên bi. Bánh này được gói trong những tờ giấy kiếng màu, hai đầu xoắn ngược lại thành hai cái tua khá duyên dáng.

*

Bánh Thuẫn 

*

      Như vậy, trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, ngoài hai bên “Đông bông, Tây quả” như thường lệ, lại phải có một đĩa lớn bánh tày chừng năm bảy cái và một đĩa tương xứng chất cao vun lên theo hình tháp các loại bánh in, bánh thuẩn, bánh su-sê, bánh bi… đủ màu trông thật tươi vui và hấp dẫn.

       Đấy là bánh, còn mứt thì sao ?

      Đi ca-nô vô Huế, hai ngày sau trở ra là có thể mua được bánh mứt bán ở chợ Đông Ba. Nhưng phần đông người làng lại muốn tự tay làm cho mình một vài món “đồ ngọt” từ những nguyên liệu nông sản sẵn có phổ biến như khoai lang, sắn, vừa hợp “khẩu vị” lại vừa tiết kiệm. Khoai, sắn luộc vừa chín, xắc lát đem phơi, đợi đến Tết mang ra “ngào” với đường đen, vậy là có một loại “mứt” khoai ngào, sắn ngào thổ sản.

      Nhưng phổ biến ưa thích vẫn là mứt gừng do người làng tự làm với nguyên liệu là những bụi gừng già ở góc vườn. Tất nhiên là phải chọn những củ gừng tương đối, không già lắm. Nếu không, lát gừng chỉ toàn xơ là xơ… Và mặc dầu được rim với đường đen, có hơi “xấu mặt” một tí, nhưng gừng Huế, gừng Kế Môn, loại gừng có tiếng là cay, nên hương vị vẫn luôn đậm đà, nồng ấm, giúp cho cơ thể chống được cái lạnh ngày Tết. Vừa cắn một miếng mứt gừng, vừa “hít hà”… rồi “hớp” một ngụm trà xanh nóng, quả là ấm áp, quả là ngọt ngào và thấm thía!

      Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu không kể đến một món “đặc sản” phổ biến: không phải là bánh, cũng không phải là mứt, nhưng rất “thực dụng” mà các bà nội trợ ở làng hầu như ai cũng làm được. Đó là  “dưa món”, là món “đặc trưng” của dân Huế. Ngày Tết, món này dùng để ăn kèm với “bánh tày đậu” cho “mặn mẹn” và “dệ nót” (dễ nuốt). Nguyên liệu không ở đâu xa, chỉ quanh quẩn trong nương vườn: đu đủ, củ cải, củ kiệu, một ít ớt chín… tất cả xắc mỏng, phơi dốt rồi cho vào hũ, đong đầy nước mắm lợt pha đường (đã nấu sôi để nguội), thế là xong. Khoảng hai tuần sau, nguyên liệu “thấm” và “nở” ra là “xơi” được. Món này chính là món “đối ứng” với  món “tôm khô củ kiệu” mắc tiền và phổ biến của người miền Nam vậy.

      Bánh mứt Tết  làng quê Kế Môn xưa thường chỉ có chừng ấy. Nó phản ảnh tình hình kinh tế của một miền quê nông nghiệp nghèo khó một thời, đã khiến dân làng phải “vận dụng” giải pháp: “có chi dùng nấy”. Cái giản dị, cái khiêm tốn của người làng Kế Môn nói riêng và người Huế nói chung, âu cũng đã hình thành từ nguyên nhân “sâu xa” này…

      Có điều, ai cũng phải nhìn nhận rằng: cái vui, cái thú ngày Tết không chỉ ở lúc thưởng thức hương vị của những chiếc bánh, miếng mứt ấy, mà chính là ở cái thời điểm cả nhà quây quần bên nhau, cùng đúc bánh, gói bánh, nấu bánh và… canh chừng bánh, canh đến khuya khoắc giữa một bên là cái lạnh mùa đông và một bên là hơi ấm tỏa ra từ ánh lửa, từ những mẫu than đỏ hồng dưới nồi bánh đang bốc hơi sôi sùng sục…

*

     Phần II.   KHÔNG GIAN NGÀY TẾT

     Khác với ngày mùa, khi mà đường sá, nương vườn vướng vít toàn những rơm với rạ, thì ngày Tết, từ trong nhà ra ngoài ngõ, đâu đó đều sạch sẽ gọn gàng. Một lớp cát trắng phau đã được gánh từ rú ra, trải lên tất cả những con đường xóm và đường Ngang. Từ đầu làng đến cuối ngõ, màu trắng tinh của cát rú không những xóa tan đi khí sắc ảm đạm ẩm ướt của lớp đất xám xịt mùa đông trước đó, mà còn phản chiếu ánh sáng màu trắng đục của bầu trời, khiến cho không gian xóm làng bỗng trở nên sáng rực lạ thường.

    Tất nhiên vào thời điểm này, màu xanh của cây cỏ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những đợt mưa dầm, lụt lội của mùa thu và cái tê buốt, lạnh lẽo của mùa đông. Nhưng ngoài kia, màu xanh của cánh đồng lúa non đang bắt đầu trải thảm. Đó đây, lác đác những cành mai xuân đang ươm búp, cùng với những bụi hoa kè, hoa thược dược, hoa mồng gà, hoa vạn thọ đang trổ những bông hoa đầu tiên trong vườn nhà ai có bàn tay của học trò. Tất cả những đổi thay trong không gian ấy khiến lòng người từ già đến trẻ, ai ai cũng cảm thấy rộn ràng một niềm vui: một mùa xuân ấm áp và hy vọng đang đến gần!

  • Tát giếng :

     Hầu như đã thành lệ, ở mọi nhà, việc đầu tiên là vệ sinh nguồn nước, là tát giếng để ăn Tết! Bởi mưa dầm và lụt lội thời gian dài đã khiến nguồn nước giếng trở nên đục ngầu. Thời ấy, “giếng mội” là nguồn nước sinh hoạt duy nhất: ăn, uống, tắm rửa, giặt giũ… tất cả đều dùng nước giếng. Và mặc dù có giếng đục, giếng trong, tùy mạch nước ngầm ở mỗi nơi, nhưng tất cả đều mát lạnh và khá an toàn, kể cả khi uống mà chưa đun sôi.

     Đa phần giếng thời ấy đều xây bằng gạch vồ loại đặc biệt cạnh hơi cong, tạo cho đáy giếng có hình tròn và thường thì đường kính chỉ khoảng hơn một mét. Bởi vậy các chú nhóc học trò nhỏ con, thường phải lãnh phần việc xuống nơi khá chật chội ấy để chùi rửa, và người lớn có nhiệm vụ hỗ trợ bên trên. Không như giếng ở miền Đông Nam bộ có khi sâu hàng chục mét, giếng mội ở làng thường chỉ sâu xấp xỉ hai mét, nên xuống dưới đáy thường không bị ngộp.

     Khi đã múc vừa cạn nước, phơi ra các miệng nước ngầm đang phun trào, các nhóc phải nhanh tay dùng cái “chổi cùn” chà cọ không ngừng những viên gạch đang đóng rêu xanh để chúng trở lại màu gạch ban đầu. Vừa chà vừa múc tiếp nước bẩn chuyển lên trên, nhiều lần cho đến khi hoàn nguyên đáy cát trắng nước trong. Cuối cùng là cắm ba cây nhang mới đốt, ngay chính giữa đáy giếng, cùng môt nạm muối hột được rải xuống với vài lời “khấn thầm” của gia chủ, thế là xong. Mùi “phèn” của “giếng mới” có thể tồn tại vài tiếng đồng hồ, nhưng sau đó giếng sẽ trở lại bình thường, nhìn trong suốt tới tận đáy.

  • Trang trí bàn thờ:

    Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, mọi nhà trong làng đều có thông lệ dành gian giữa trang nghiêm để thờ cúng ông bà tổ tiên mình. Ngày thường, gian thờ “trướng rủ màn che” và bàn thờ, lư hương, bát nhan không sao tránh khỏi bụi bặm. Tết là dịp để lau chùi, dọn dẹp từng món cho sạch sẽ, sáng bóng trở lại, để chuẩn bị đón ông bà về cùng ăn Tết.

    Trước hết, phải dùng loại cát trắng tinh đã lấy từ rú ra trước đó mấy ngày, rửa sạch, hong khô, thay cho cát cũ  trong các lư hương. Kế đến là chùi bóng cặp chân đèn và lư trầm bằng đồng. Ngày trước, không có điện, không có mô-tơ để đánh bóng một cách dễ dàng như bây giờ. Người ta đã phải dùng chanh, tro và trấu kết hợp với bàn tay khéo léo, sức người và sự kiên nhẫn.

      Trướng liễn cũng được giặt giũ, phơi phóng cho “ra màu” trở lại rồi treo lên, nhưng màn thì không rủ mà cuốn về hai bên thắt lại thành hai chiếc “nơ”, để lộ bàn thờ mới tinh với dàn lư đèn sáng chói cùng “Đông bông, Tây quả”, và sâu bên trong hậu tường trang trí chính giữa là chữ “phúc” bằng Hán tự to tướng, hai bên là hai con hồng hạc đang “ngóng cổ” chầu.

     Bộ bàn ghế bằng gõ mật bao đời đã “lên nước” cũ kỹ trước bàn thờ cũng được lau chùi cẩn thận. Trên đó, một bộ tách trà bằng sứ úp ngay ngắn trong chiếc khay gỗ, đặt bên cạnh cái “lồng ấp” bọc mây chứa bên trong cái bình trà cũng bằng sứ. Tất cả đang sẵn sàng cho những ngày Tết cúng kiến bận rộn.

  • Dựng nêu :

      Cùng với “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”, thì “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đều là sắc màu, là biểu trưng của ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt. Tục “dựng nêu” đã có từ  xa xưa, nhưng đến thời điểm ấy, ở làng Kế Môn chỉ còn lác đác, không còn phổ biến như trước nữa, và ý nghĩa cũng bị hiểu sai lệch không còn như thuở ban đầu.

    Một cây tre, càng cao càng tốt: ở họ, ở “dánh” thì tre gai, ở tư gia thì tre tầm vông, trảy hết cành nhánh, chỉ chừa lại tận cùng trên đọt một túm lá. Ở đó, treo một chiếc “khánh sành” nhỏ, một “phướng giấy” phất phơ. Khoảng từ 28 đến 30 Tết, được mang trồng ngay trước “cươi” gọi là cây “nêu”.

     Ý nghĩa ban đầu là trừ ma quỷ, là để bảo vệ cái Tết, vì cho rằng ma quỷ chỉ “sợ” Phật, mà âm thanh của “khánh”, màu sắc và bóng dáng của “phướng” là tượng trưng cho “đất Chùa”, ma quỷ không thể bén mảng. Tất nhiên, có “dựng nêu” thì phải có “hạ nêu”, và thường người ta hạ nêu khi hết Tết, khoảng mùng 7, ngày khai hạ, là lúc phải tiễn đưa ông bà và bắt tay trở lại công việc thường nhật. Sự kiện “hạ nêu” được đánh dấu bằng một mâm lễ cúng ngay chân nêu sắp hạ, hàm ý tạ ơn Trời Phật đã bảo vệ cho những ngày Tết vừa qua được vui vẻ, an lành.

*

    Phần III.VIỆC CÚNG KIẾN NGÀY TẾT

    Trong những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, đối với dân tộc Việt nói chung và với người làng Kế Môn nói riêng, việc cúng kiến đã trở thành một tập tục mang tính nghi thức mà hầu như nhà nào cũng phải theo. Xuất phát từ quan niệm cho rằng những người dù đã qua đời, vẫn hiện hữu ở một “thế giới bên kia”, ở “cõi âm”, và  vẫn mong có dịp trở về đoàn tụ với người thân còn sống trong ngày Tết, từ đó đã hình thành những lễ nghi cúng kỵ mà chung quy, vẫn chỉ là để tỏ bày lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, lòng tôn kính của người đang sống đối với người đã khuất.

      Bên cạnh đó, qua những mâm cỗ ngày Tết, trước sự “chứng kiến” của các vong linh người thân quá cố, cũng  nhắc nhở những người bà con với nhau trên dương thế, cùng nhớ về tổ tiên ông bà, rồi nhìn lại mình, từ đó, thắt chặt thêm tình máu mủ ruột thịt, xóa tan đi những bất đồng, thậm chí hiềm khích có thể có trong năm. Bởi vậy, những lễ nghi cúng kiến ấy, tuy có phần rườm rà, hình thức, nhưng vẫn mang một ý nghĩa giáo dục thật sâu sắc về lòng hiếu thảo cũng như sự đoàn kết trong gia tộc.

  • Lễ cúng rước ông bà:

    Đây là mâm cỗ đầu tiên mà gia đình nào cũng phải có trong buổi chiều ngày 30 Tết. Đó là lễ cúng thỉnh rước ông bà tổ tiên và những người thân quá vãng khác về nhà để cùng ăn Tết. Bởi vậy chẳng ai mời ai vì nhà nào cũng phải bận rộn. Đây rõ ràng là mâm cúng cơm vì phẩm vật không có gì khác ngoài những món ăn thường nhật, chỉ khác là nó thịnh soạn hơn và tất nhiên là ngon lành hơn. Nguyên tắc là một mâm trong nhà dành cho “nội thân nội tộc”, mâm “chính danh”, và một mâm ngoài trời dành cho “khách”, những vị khách “khuất mày khuất mặt” không thể vào nhà. Và, đừng quên thắp ba cây nhan ngoài ngõ để xin phép “thần ngõ” (hay thổ địa) cho các vong đi vào.

    Tất nhiên ngoài mâm cỗ thì trên bàn thờ lúc này đã chưng sẵn đầy đủ hoa, quả, bánh, mứt, trầu, thuốc… cùng hai chén nước “súc miệng” (nước trong). Gia chủ đích thân lên đèn, đốt nhang, quỳ lạy và cung kính khấn vái với đại ý “cung thỉnh…” từ vị cao nhất đến vị thấp nhất. Diễn tiến lễ cúng cũng ba tuần rượu và tiếp theo là một tuần trà. Sau đó, những vị có thứ hạng thấp hơn sau gia chủ cùng dâu rễ, con cháu lần lượt quỳ lạy ra mắt những người đã khuất “mới từ cõi âm trở về”!

     Hãy hình dung kể từ thời điểm ấy, ông bà tổ tiên và những người thân quá cố khác, theo lời khấn mời, đã về tề tựu đông đủ. Họ có quyền “ngồi” trên bàn thờ hay trên bộ bàn ghế kê sẵn trước gian thờ, hút thuốc, ăn trầu hay uống trà, cùng hàn huyên tâm sự với nhau, hoặc cũng có thể dạo quanh tham quan đâu đó bên bồ lúa, ngoài cươi, hay thăm lại cái giếng mội xem có gì thay đổi… Bởi vậy, một mặt: trên bàn thờ luôn luôn phải có đèn sáng, nhan thơm cháy suốt ngày đêm. Con cháu phải thay phiên nhau túc trực, đốt nhan đốt đèn liên tục. Càng về sau, rút kinh nghiệm, người ta dùng đèn dầu và nhan khoanh để kéo dài thời gian “phiên trực”! Mặt khác, gia chủ cũng không quên căn dặn con cháu luôn ăn mặc chỉnh tề, nói năng từ tốn lễ phép, đối xử hòa thuận… trong suốt thời gian ông bà lưu lại trong nhà, vì nhất cử nhất động của người sống đều được người cõi âm chứng kiến, ghi nhận…

  • Các lễ cúng cơm luân phiên :

     Sau lễ cúng Giao thừa dành để “tống cựu nghinh tân”, bàn giao giữa quan “hành khiển” cũ và quan “hành khiển” mới vào lúc nửa đêm, sáng mồng Một thường nhà nào cũng cúng bánh mứt và trà nóng, trước khi “xin phép” ông bà để đi lễ chùa đầu năm, cũng là ngày vía Đức Phật Di Lặc. Trưa và chiều tối mồng Một, có nhà cúng cơm chay, cũng có nhà cúng mặn, nhưng cơm cúng thường đơn giản, chỉ vài món tượng trưng.

     Từ mồng Hai, mới bắt đầu diễn ra các lễ cúng luân phiên trong giòng tộc. Ví dụ nhà có năm gia chủ là năm anh em ruột, cha mẹ đã chết thì theo thứ tự: người anh thứ hai được cúng trước, là mồng hai, đến người anh thứ ba: mồng ba, người thứ tư cúng mồng bốn, người thứ năm: mồng năm. Và cuối cùng: người anh cả “bao chót” cúng  mồng sáu… Nhà ít anh em thì có thể chia đơn vị là ngày, nhưng nhà đông anh em hơn thì thường phải lấy đơn vị là buổi để cứ thế tiếp tục “đăng cai” làm sao đến hết mồng sáu là dứt điểm. Tất nhiên, khi một nhà cúng thì gia chủ đó chủ lễ, tất cả anh em con cháu khác đều phải tập trung tại nhà này, ai lo việc nấy: cánh đàn ông con trai lo chuẩn bị bàn thờ, sắp xếp dọn cỗ; cánh đàn bà con gái lo việc bếp núc và đám con nít thì chực để được “sai vặt”. Điều lưu ý là nhà nào nhà nấy đừng quên “cẩn cáo” và “cung thỉnh” ông bà (ở nhà mình) “quá bước” tới chỗ “đăng cai”!

     Sở dĩ phải làm như vậy, để cho có sự công bằng: một mặt là đứa con nào cũng được cúng để tỏ lòng hiếu thảo, mặt khác là cha mẹ, ông bà cũng có dịp đến với tất cả các đứa con, đứa cháu, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Nhưng sâu xa hơn vẫn là ý nghĩa giáo dục sâu sắc như đã nói ở trên. Chính sự qua lại lẫn nhau ấy và với sự “chứng kiến” thiêng liêng của những người quá cố, đã làm cho những người sống xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ giận hờn, hiềm khích, thậm chí có lúc anh em còn “không nhìn mặt nhau” trước đó.

  • Lễ cúng tiễn ông bà :

    Cuối cùng là  lễ cúng tiễn đưa ông bà, cùng lúc với lễ “xuống nêu” trong ngày “khai hạ”. Cũng như lễ rước vào chiều 30 trước đó, lễ tiễn này tự nhà nào lo cúng kiến nhà nấy, không ai mời ai. Phẩm vật và cách thức, diễn tiến cúng như nhau: cũng ba tuần rượu, một tuần trà. Cúng xong, cũng như các bữa giỗ khác, thức cúng được dọn ra cho người sống “kiến”!

  • Chuyện ngồi cỗ (ăn kỵ):

    Việc “ngồi cỗ” nói chung ngày Tết cũng như kỵ giỗ trong năm đều được cẩn thận chia ra nhiều mâm theo thứ tự lớp lang đàng hoàng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài: mâm chú bác, mâm o thím, mâm con trai con gái, dâu rễ, mâm cháu chắc… theo lễ nghĩa “ăn xem nồi, ngồi xem hướng”.

     Còn nói đến các món cỗ cúng kỵ của người Thừa Thiên – Huế  (trong đó có Kế Môn) là nói đến “vô số những đĩa nho nhỏ” bày ra trên bàn, “không biết món chi lại món chi”. Thật ra thì những món này cũng đã là những món có truyền thống, quen thuộc, không nhiều, nhưng mỗi mâm, người làng thường cẩn thận “sớt” mỗi món ra làm hai, làm ba để “gần mô gắp nấy”, tránh tình trạng “ngồi bên ni gắp bên tê”, vốn là điều “kỵ” nhất của người Huế.

    Đại khái, những món căn bản mà người làng thường nấu để cúng cơm, về món mặn: cá thu nướng hoặc chiên xắm nước mắm ớt tỏi, tôm thịt kho rim, mỡ đùi heo xắc cục rim nước mắm đường, chả chiên cắt thành viên (chả đây là trứng chiên với thịt heo bằm, không phải chả theo hình thức chả lụa, chả bò bây giờ)…, về món xào: bún khô xào lòng tim cật gà, da heo khô phồng xào súp-lơ…, về món canh thì có canh mướp hay bí đao nấu cá tràu, đặc biệt có món “gà hầm” măng lúc nào cũng dọn ở trung tâm, khi cúng thì để nguyên con, khi mang ra “kiến” thì “o ơi, đem ra sau xé ra cho chút !”…

        Đặc biệt, thời ấy, dù là “cấm nấu rượu” nhưng vẫn có rượu đế để các bác, các chú lai rai với các món khô, món mặn vừa kể. Nhưng “rượu vào lời ra” chính là “con dao hai lưỡi”: nó có thể giúp người ta “dệ nói” ra từ tận đáy lòng những điều khúc mắc khó nói, giúp bà con anh em xuề xòa mọi thứ, nhưng cũng dễ khiến cho người ta “nóng máu”, “nổi lô cồ” và “ăn thua đủ”… Có điều ngày Tết, nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương, “ôn mệ đang ngồi đó” thì “có giỏi mấy cũng phải kiêng dè”, nên mọi tình huống cuối cùng cũng yên ả.

      Một điều để ý nữa là thời ấy, dẫu những bữa cúng kỵ ngày Tết cứ diễn ra liên tục, nhưng “bữa mô như bữa nấy”, mọi thức ăn trên mâm bàn đều được cẩn thận “chén” sạch sẽ. Tất nhiên, không phải theo cái lối “uống nước không chừa cặn”, mà chỉ vì thức ăn quá ngon, quá hấp dẫn, trong khi không khí đoàn tụ lại hào hứng sôi nổi “năm chỉ có một lần”, nên vì quá vui mà cứ vô tư “tranh thủ” đến miếng cuối cùng!  Người lớn cũng như con trẻ, rõ ràng ai cũng háo hức trước mâm cỗ sắp được ngồi vào. Khác với thời buổi bây giờ, sung túc, thức ăn, bia bọt trên bàn luôn thừa mứa, ngán ăn, chỉ có “uống” và “đấu khẩu” là chính.

*

  • Kết:

     Xem như vậy, Tết Nguyên Đán cổ truyền với người Việt, đặc biệt ở quê nhà Kế Môn, vốn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn và nhân bản. Vừa là một dịp nghỉ ngơi ăn uống, vui chơi giải trí, tiễn năm cũ, đón năm mới; vừa là dịp đoàn tụ cho gia đình, gia tộc, họ hàng, không chỉ với người đang sống mà đoàn tụ cả với những người đã khuất. Vừa là dịp để tỏ lòng hiếu đạo đối với ông bà tổ tiên, cũng vừa là cơ hội để bà con trong giòng tộc làm ấm lại và thắm lại dòng máu ruột thịt. Tết cũng vừa là dịp để con dân làng cùng nhớ về tiền nhân cội nguồn, từ đó thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, hun đúc tình yêu quê hương xứ sở.

       Và đặc biệt, như đã nói ở phần mở đầu, Tết là dịp may để có một thực tế tích cực trong xã hội: “Đói rách cũng ba ngày Tết” hay “Tết chẳng riêng ai khắp mọi nhà”.

        Bài: Thanh Mạo (2012) – Ảnh: sưu tầm

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác