RỪNG VÀNG BIỂN BẠC 02-05-2016 Thao Nguyen
“Đất nước ta có rừng vàng biển bạc”. Đó là câu văn nghe rất quen từ khi tôi còn ở bậc tiểu học. Nó nằm trong sách giáo khoa, dạy cho học sinh biết tự hào về đất nước mình. Càng trưởng thành, tôi càng hiểu thế nào là “rừng vàng biển bạc” và đến bây giờ, hơn lúc nào hết, tôi lại càng thấm thía với ý nghĩa của bốn từ “biển bạc rừng vàng”…
Tôi hiểu rằng, “rừng vàng biển bạc” là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, mà các thế hệ cha ông chúng ta đã hy sinh biết bao xương máu để chiến đấu, bảo tồn, gìn giữ, xây đắp và mở mang suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Và tôi cũng hiểu rằng, trách nhiệm của con dân lớp hậu sinh là phải biết bảo tồn, gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá này cho con cháu mai sau.
Nó chính là gia tài của cha ông để lại, là nguồn vốn quý báu mà người dân nước Việt sử dụng để tồn tại và phát triển chung. Thế hệ này thừa hưởng của thế hệ đi trước và có trách nhiệm chuyển giao – ít nhất cũng là nguyên vẹn – cho các thế hệ đi sau. Đó chính là đạo lý, là lẽ công bằng. Nhưng thế hệ chúng ta – thế hệ người lớn – hiện nay đang làm gì, đang sử dụng ra sao “nguồn vốn” ấy? Đó chính là điều mà tôi đang thấm thía.
Hãy nhìn lên bản đồ thế giới, không phải đất nước nào cũng có cái may mắn có cả rừng lẫn biển, đặc biệt là rừng đa dạng nguyên sinh và bờ biển trải dài từ Bắc chí Nam ôm lấy mảnh đất hình chữ S như Việt Nam. Rừng nhiệt đới của Việt Nam ngoài trữ lượng gỗ phong phú và đa chủng loại, còn là nơi tập trung một lượng khoáng sản thuộc vào hàng đáng kể nhất thế giới. Biển Việt Nam cũng là vùng biển chứa nhiều tôm cá và nhiều hải sản khác, và nay, còn là vùng biển có nhiều tiềm năng để khai thác dầu khí, đang trở thành “biển vàng” – một thứ vàng đen – còn hơn cả “biển bạc” nữa!
Điều đó thì hầu như người Việt Nam nào cũng biết. Nhưng làm thế nào để vừa phát triển vừa bảo tồn được rừng, gìn giữ được biển, thì không phải người Việt Nam nào cũng biết, từ cấp quản lý cho đến thường dân. Tiếc thay, những người biết thì không thể làm được gì, còn người không biết – hay giả vờ không biết – thì vì cái lợi riêng, cứ tha hồ phung phí nguồn tài nguyên quý báu ấy. Tôm cá trong lòng đại dương bao la thì có thể là …vô tận – nhờ tốc độ sinh sôi nẩy nở nhanh chóng – nhưng tài nguyên rừng thì không. Cây rừng và khoáng sản trong lòng đất phải cần hàng ngàn năm, thậm chí hàng chục ngàn năm, mới có thể tái tạo. Nếu thế hệ này khai thác tận thu hết thì còn lại gì cho các thế hệ mai sau?
Trước đây, khi nước ta bị đô hộ, một trong những mục đích của thực dân khi đến đây là tìm mọi cách khai thác tài nguyên mang về cho mẫu quốc. Vàng, bạc, sắt thép, và một lượng lớn quý kim khác đã ra đi. Người Việt lúc đó chỉ biết đứng nhìn mà không thể làm gì được. Còn ngày nay thì khác: ta đã có độc lập, có chủ quyền lãnh thổ, người Việt ta đã làm chủ rừng, chủ biển. Vậy tại sao ta lại không có những kế hoạch khai thác và bảo dưỡng tài nguyên rừng một cách hợp tình hợp lý? Để dẫn đến hiện trạng đất rừng ngày càng bị thu hẹp đến mức báo động? Để quặng mỏ ngày càng cạn kiệt, hao mòn?
Rừng bị tàn phá, quặng mỏ bị tận thu cũng có nghĩa là ta đang làm mất đi tác nhân hấp thụ khí CO2 thải ra từ con người và từ môi trường phát triển, góp phần tạo hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều trớ trêu là viễn cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ lại quay về tác hại lên mảnh đất chữ S – vốn là một trong những quốc gia bị cho là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng này. Tại sao người Việt không thể học hỏi được – dù chỉ là một ít – ở đất nước Bhutan về bảo tồn thiên nhiên – trong đó có tài nguyên rừng? Ở đất nước Bhutan nhỏ bé kia, người ta vẫn làm ra thủy điện – rất nhiều để xuất khẩu là đằng khác – nhưng tại sao người Bhutan vẫn giữ được rừng – để họ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số hạnh phúc của người dân GNH?
Đó là nói về rừng, còn biển thì sao? Người lớn chúng ta đang thừa hưởng gia tài của tổ tiên như thế nào? Có bảo tồn, gìn giữ được nguồn vốn vô giá ấy hay đang để cho kẻ khác lấy mất dần biển đảo? Ngư trường thì đang bị đe dọa và có nguy cơ thu hẹp. Trong khi đó thì môi trường nước biển bị các chất xả thải độc hại đầu độc, khiến tôm cá phải chết hàng loạt, đẩy người Việt đến chỗ oái ăm và hết sức vô lý là phải chọn một trong hai: hoặc là cá tôm hoặc nhà máy thép!
Cứ cho là một bộ phận người dân không hiểu biết hay “túng làm càng”, “bần cùng sinh đạo tặc”. Cứ cho là các nhà đầu tư – cả trong nước lẫn nước ngoài – vì lợi nhuận mà cố tình lờ đi việc bảo vệ môi trường. Vậy thì trong những trường hợp này, vai trò và trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu? Chúng ta có luật pháp, có giáo dục hẵn hoi. Sao không thể “dạy dỗ” được dân mình song song với việc chế tài thật nghiêm khắc, đủ mạnh để răn đe?
Và với cái đà phát triển rất thiếu bền vững như thế này, hãy hình dung một ngày nào đó, không những cá tôm sẽ không còn (hoặc còn cũng không ăn được) mà cả muối cũng bị nhiễm độc. Trên đất liền thì vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ teo tóp dần do ngập mặn, bầu không khí thì ngày càng thiếu oxy và ô nhiễm do rừng bị tàn phá cạn kiệt. Thiếu gạo, thiếu muối, thiếu tôm cá để ăn và thiếu cả dưỡng khí để thở, thì con người – dù có nhà cao cửa rộng, xe cộ nghênh ngang – liệu có tồn tại được không?
Với viễn cảnh đen tối đó, con cháu chúng ta mai sau chắc chắn sẽ phải đối mặt với một thực tế vô cùng nan giải và bế tắc: thảm họa rừng tàn và biển chết. Chúng sẽ nghĩ gì về tổ tiên của chúng – chính là bọn người lớn chúng ta hôm nay? Hay chỉ còn là nỗi thất vọng, là oán trách khôn cùng? Và tương lai của nước Việt sẽ về đâu?
Xin mỗi người Việt Nam ta hôm nay cần tự hỏi và tìm lời giải đáp, rồi mỗi người hãy tự mình – tùy vào cương vị riêng – góp phần hành động vì một môi trường sống bền vững. Không phải “cứ để từ từ”, mà phải khẩn trương. Đừng để con cháu chúng ta mai sau lại phải chảy nước mắt mà hát lại bài hát ngày trước của Trịnh Công Sơn – với câu cuối: “Gia tài của mẹ để lại cho con? Gia tài của Mẹ: một nước Việt buồn”!
*Bài: NGUYÊN ĐẠO
*Ảnh minh họa: internet
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận