MỘT THAM LUẬN VỀ LÀNG KẾ MÔN 13-11-2012 minhhien

THAM LUẬN

                                                                                   LÀNG KẾ MÔN

                                                          SUY NGHĨ VỀ THỜI ĐIỂM HÌNH THÀNH,

                                                                  LAI LỊCH VÀ Ý NGHĨA TÊN LÀNG

                                                                                       ———————

    Năm 1306, dười thời vua Trần Anh Tông, hai châu Ô, Lý được vua Chiêm là Chế Mân dâng cho Đại Việt làm sính lễ xin cưới công chúa Huyền Trân, con gái của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông, sau này chính là thủy tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

      Kể từ thời điểm lịch sử ấy, suốt một thời gian dài hơn ba trăm năm : qua các đời vua Trần kế tiếp (1307-1400), nhà Hồ (1400-1407), nhà Hậu Trần (1407-1413), thời kỳ thuộc Minh (1414-1427), rồi triều Lê sơ (1428-1527), nhà Mạc (1527-1592) tồn tại song song với nhà Hậu Lê, chúa Trịnh, cho đến ngày Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ  (1558), vùng đất Thuận Hóa này đã tiếp nhận nhiều đợt di dân có quy mô và thành phần khác nhau, từ miền Bắc, đặc biệt là vùng Thanh-Nghệ, vào khai phá sinh cơ lập nghiệp, đã biến vùng đất vốn hoang sơ, hiểm trở và thưa dân của người Chiêm bản địa này, thành nơi đông đúc trù phú, để rồi sau đó, trở thành kinh đô của một  nước Đại Việt thống nhất dưới triều đại nhà Nguyễn.

                                                                         SỰ HÌNH THÀNH CỦA LÀNG

     Làng Kế Môn cũng đã được hình thành từ một trong những đợt di dân lịch sử đó, bằng chính những con người  có gốc gác từ miền đất phía Bắc, là vùng Tây đô một thời đó của nước Việt. Điều này được chứng minh  qua gia phả của các tộc họ hiện còn lưu giữ. Tuy nhiên, về thời điểm hình thành của làng, do không còn những tư liệu thành văn cụ thể chứng minh, nên khó có thể xác định được một cách chính xác.

     Theo tác giả Nguyễn Thanh Trung trong cuốn “Lịch sử làng Kế Môn – Một làng quê ở Việt Nam đẹp và giàu”, qua tham khảo một số tài liệu, thì làng Kế Môn được hình thành vào đầu thế kỷ 15 (khoảng 1410), tức vào thời kỳ phục hồi ngắn ngủi rồi suy vong của nhà Hậu Trần, đã đưa đất nước lọt vào ách thống trị bạo tàn của nhà Minh mười mấy năm sau đó, cho đến khi Lê Lợi khởi nghĩa giành lại độc lập (1428).

      Còn theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh trong bài viết về “Diễn trình khai canh lập ấp…” mở đầu cho cuốn “Lược sử Họ Trần tại Thừa Thiên-Huế” thì làng Kế Môn đã hình thành cùng thời điểm với các làng Vĩnh Xương, Phước Tích, Cổ Bi, Hiền Sĩ,…vào thời vua Lê Thánh Tông, cụ thể là từ năm 1471đến 1473 , nghĩa là nửa cuối thế kỷ 15, tức là vào thời kỳ cực thịnh của triều đại Lê sơ, mà dấu ấn lịch sử là  luật Hồng Đức, bộ luật ra đời đầu tiên của nước Đại Việt.

      Như vậy, đâu là thời điểm hình thành làng chính xác nhất ? 1410 hay mãi tới 1471 ? Tại sao lại có sự chênh lệch về thời gian lớn như vậy ? Ta hãy thử lần giở lại lịch sử để hình dung qua các đợt di dân có tổ chức đã diễn ra lần lượt qua các thời điểm trong quá khứ  như sau :

     –Đợt 1 : Từ 1307,  ngay sau khi tiếp quản hai châu Ô, Lý từ nước Chiêm, nhà Trần cử Đoàn Nhữ Hài vào cai trị và đổi thành hai châu Thuận, Hóa. Đồng thời “chọn người bản xứ làm quan, cấp ruộng  miễn tô thuế ba năm”*. Đây có thể gọi là đợt di dân sơ khởi  của người Việt từ phía Bắc vào Thuận Hóa khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp, tạo lập làng xã mới. Tuy nhiên do tình hình chính trị và xã hội nơi đây còn khá phức tạp : bên trong dân bản địa  chưa chịu thuần phục,  ngoài biên giới người Chăm vẫn không ngừng quấy phá, khiến dân tình khổ sở, do vừa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất này, vừa phải gồng mình chống đỡ ngoại xâm. Vì vậy vùng đất mới này vẫn chưa thu hút được nhiều cư dân  từ nơi khác đến.

     –Đợt 2: Thời nhà Hồ (1400-1407) khi Hồ Hán Thương, trong ý đồ mở rộng bờ cõi về phía Nam, đã cho mở con đường “thiên lý”* từ Tây Đô đến Thuận Hóa, đồng thời thực hiện chính sách khuyến khích cư dân vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh vào khai hoang lập ấp không chỉ ở Thuận, Hóa mà còn ở Nam, Ngãi. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, nhà Hồ, rồi đến nhà Hậu Trần cũng bại vong, đất nước lọt vào ách thống trị của nhà Minh. Từ đó  kế hoạch của họ Hồ cũng dở dang. Mặt khác, đây cũng là thời kỳ mà ở phía mặt Nam, quân Chăm-pa vẫn thường  tấn công quấy rối vào châu Hóa, khiến dân tình chẳng hề yên ổn. Vì vậy, có thể nói  đợt di dân này cũng có tầm hạn chế như đợt đầu tiên.

     –Đợt 3 : Từ năm 1471, ngay sau khi vua Lê Thánh Tông bình định được hoàn toàn giặc Chiêm ở phía Nam, và trước đó ở phía Bắc, giặc Minh đã bị đánh đuổi xa khỏi bờ cõi, tình hình chính trị, xã hội ờ vùng Thuận Hóa này  bắt đầu ổn định, nhân dân yên ổn làm ăn, thì những đợt di dân Nam tiến lớn có tổ chức  mới có điều kiện thực hiện. Ở đợt di dân này, nhà nước khuyến khích  bằng việc hỗ trợ phần vật chất lúc ban đầu, đi kèm với một chính sách khuyến nông phù hợp để nông dân khai hoang, lập làng. Có thể nói đây là đợt di dân rầm rộ nhất, đã làm tăng diện tích đất canh tác, tăng số dân và các đơn vị làng xã  vùng châu Hóa.*

      –Đợt 4 : Từ năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, theo lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, với ý đồ biến vùng đất chiến lược này thành đất “trụ chân” muôn đời cho giòng họ Nguyễn, thì một đợt “theo chân” di dân mới cũng được thực hiện. Trong đó, vừa là dân vừa là quân, chủ lực từ Thanh Hóa, là quê hương của Chúa, và vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, cùng một số tỉnh khác phía Bắc. Ngoài ra, ngay tại chỗ, Nguyễn Hoàng cũng bắt được một số lớn tù binh từ quân Mạc của Lập Bạo, và từ quân Trịnh sau này, để rồi biến số binh lính này thành một lực lượng khai hoang lập làng đáng kể.

      Như vậy, tổ tiên con dân làng Kế Môn, chính xác đã di dân từ Thanh-Nghệ  vào châu Hóa (Thừa Thiên-Huế ngày nay) trong đợt nào, cùng một đợt để tạo ra “thập nhị tôn phái” (tức 12 họ tộc) hay nhiều đợt, kéo dài trong bao lâu, và từ đó có thể suy ra làng Kế Môn đã được thành lập và đặt tên chính thức trong khoảng thời gian nào.

     Nhìn lại một thực trạng ở làng  là trải qua bao đợt chiến tranh tàn phá, gia phả cũng như các tài liệu thành văn khác của một số tộc họ ở làng hầu như đã bị tiêu hủy, thất lạc. Một số tộc, chi phái may mắn hơn còn lưu giữ được gia phả giòng họ, từ vị thủy tổ cho đến thế hệ hậu duệ ngày nay. Từ đó, tính ra  mỗi tộc họ đã có một lịch sử phả hệ bình quân trên dưới 20 đời. Tiếc rằng, yếu tố thời gian, vốn là “tiếng nói căn bản” của lịch sử, đã không được chú trọng để ghi chép cho thật rõ ràng, đầy đủ, thậm chí còn bỏ trống !

      Mặt khác, những vị cao niên có chút vốn liếng Hán học, am hiểu phần nào lịch sử của làng, theo thời gian đã lần lượt qua đời, không di chúc lại gì cho lớp hậu sinh. Ngay như, những danh nhân khoa bảng, là niềm tự hào của làng Kế Môn xưa nay, như cụ nghè Nguyễn Thanh Oai (1816-1876), cụ nghè Trần Dĩnh Sĩ (1858-1914), hay cụ Nguyễn Lộ Trạch (1853-1898),… có lẽ cũng không để lại cho con cháu đời sau tài liệu nào nói về lai lịch cũng như sự hình thành của làng. Có thể là có, nhưng đã bị thất lạc chăng ? Để bây giờ, con dân làng Kế Môn lớp hậu duệ, muốn tìm hiểu, muốn nghiên cứu về lịch sử hình thành của làng cũng đành bó tay !

    Bởi vậy, chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có một cách là “nhờ người ngoài” ! Từ đây chúng tôi có “tham vọng” tổ chức  một cuộc hội thảo, trong đó ngoài thành phần đại diện con dân làng có tâm huyết cả trong nước lẫn hải ngoại, bao gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn có  trăn trở với những vấn đề của làng ; còn có sự tham dự và tham luận từ các nhà nghiên cứu có tiếng tăm trong “Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế”, để thảo luận về một chủ đề : “Làng Kế Môn, lịch sử hình thành và phát triển 600 năm” !

     Tuy nhiên tổ chức được cuộc hội thảo như vậy là một điều khó, không khó về tiền bạc kinh phí mà khó vì “vị thế” hiện tại của “chủ nhà”. Liệu chúng ta có đủ “tư cách” để mời những nhà nghiên cứu có tầm cỡ tham gia ? Hay liệu một chủ đề khiêm tốn như trên có làm cho họ quan tâm chiếu cố  và sẵn sàng bỏ công nghiên cứu ?

       Trong khi chờ đợi một cuộc hội thảo như đề nghị, chờ đợi những gì cần được làm sáng tỏ, thiết nghĩ, từ các tài liệu tham khảo hiện có trong tay, với cái nhìn so sánh trên thực tế từ nguồn gốc hình thành của các làng lân cận, những làng còn may mắn biết rõ được gốc gác lai lịch của mình, chúng ta có thể tạm thời đưa ra một thời điểm hình thành của làng khả dĩ chấp nhận, căn cứ trên những cứ liệu như sau :

      1- Thời điểm  năm 1410, theo chúng tôi, khó có thể xảy ra, vì trong thời kỳ nhà Hậu Trần suy vong này, lịch sử không ghi nhận có đợt di dân Nam tiến nào.

      2- Trong lộ trình di dân, làng Thanh Hương (tức Hương Triền cũ) được cho là hình thành sớm cùng với các làng khác phía bờ hữu sông Ô Lâu như Mỹ Xuyên, Ưu Điềm,…Và từ các nguồn tài liệu khả tín như “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn,…có thể phán đoán làng Thanh Hương đã hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1440 đến 1450.

      3- Nếu so với làng Thanh Hương thì làng Kế Môn, cũng như Vĩnh Xương, Trung Đồng,…đều hình thành muộn hơn, cũng như làng Đại Lộc và Thế Chí còn muộn hơn nữa ( sau năm 1558, thời Nguyễn Hoàng ), phù hợp với trình tự khai hoang lập làng lần lượt từ phía Bắc mở dần vào phía Nam trên dải đất duyên hải này, cho tới cửa Eo (tức cửa Thuận An ngày nay).

      4- Lấy phả hệ dài nhất của một vài họ trong làng là 23 đời (đến thời điểm 2012). Nếu tính mỗi thế hệ cách nhau tối đa là 25 năm (chưa kể thời gian trước đây, với nghề nông, phổ biến có tục lấy vợ sớm, từ 18 hoặc 20 tuổi) thì tổng cộng  25 X 22 = 550 năm là lịch sử của một giòng tộc. Suy ra lịch sử của làng là 525 năm ( nếu vị thủy tổ đến làng lúc thành lập là 25 tuổi). Vậy 2012-525 = 1487 là năm  sớm nhất (hay sai số cộng trừ 10 hoặc 15 năm) có thể là thời điểm thành lập làng.

      Từ các cứ liệu trên có thể suy ra rằng  phán đoán của nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh về thời điểm hình thành làng Kế Môn là khá chính xác. Nghĩa là trùng khớp vào đợt di dân có quy mô lớn ( đã hình thành mới gần 100 làng tại Thừa Thiên-Huế ) thời vua Lê Thánh Tông, cụ thể là vào các năm 1471, 1472, 1473 ( tức là sau làng Thanh Hương trên dưới khoảng  25 năm ).

                                                                      LAI LỊCH VÀ Ý NGHĨA TÊN LÀNG

    Về lai lịch và ý nghĩa hai từ Kế Môn  là tên của làng, cho đến nay đã có vài tài liệu thành văn cũng như truyền khẩu, xuất xứ từ nội bộ con dân của làng muốn nghiên cứu tìm hiểu lịch sử của làng. Tuy nhiên  nếu xét kỹ những tài liệu ấy, sẽ phát hiện một vài điểm có ít nhiều mâu thuẩn và chưa thuyết phục.

    Theo nhà thơ Hoàng Ngọc Châu, hiện sống ở Bảo Lộc, Lâm Đồng (qua trích dẫn của học giả Nguyễn Thanh Trung trong cuốn sách viết về Làng Kế Môn đã nói tới ở trên),  thì người xướng đặt tên “Kế Môn” cho làng là  ngài Hoàng Khối Khanh (có tài liệu ghi chữ lót là Hối, không phải Khối). Cũng theo sử liệu, cụ Hoàng Hối Khanh (1362-1407), người xã Bái Trại, huyện Yên Định (nay là thôn Bái Trại, xã Định Tây, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa), đỗ Thái học sinh khoa Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ 8 (1384), làm quan đến chức An Phủ Sứ. Qua thời nhà Hồ, ông được bổ Thái thú Thăng Hoa (Quảng Nam). Năm 1407, giặc Minh xâm lược, nhà Hồ bại vong, Chămpa thừa cơ hội  đánh chiếm lại Thăng Hoa. Hoàng Hối Khanh tháo chạy về Hóa Châu  rồi vượt biển ra Nghệ An nhưng bị thổ dân bắt nộp cho giặc Minh. Ông tự sát*.

      Sở dĩ cụ Hoàng Hối Khanh được dân Châu Hóa biết tới là do tập truyền, vào cuối thời nhà Trần, làng Thụy Lôi (tức vùng kinh thành Huế ngày nay) nguyên là đất phong ấp của ông. Còn việc ông “đặt tên” cho làng Kế Môn, (theo cuốn “Làng Kế Môn …” của tác giả Nguyễn Thanh Trung đã trích dẫn) thì đó là từ một dịp tình cờ khi (nguyên văn) : “ trên đường vào nhậm chức, đi qua vùng đất này (Kế Môn), đứng trên đỉnh Quy Ngọa (rùa nằm) nhìn ra bốn hướng, thấy thế lưỡng long phục địa, đồi cát, đồng ruộng, cây cỏ, sông núi…chạy dài ra cửa Phá Tam Giang”, ông đã “cảm hứng phóng bút đậm nét hai chữ “Kế Môn”…”*

     Có một chi tiết đáng lưu ý cần được làm rõ về “giả thuyết” này . Theo sử liệu, ngài Hoàng Hối Khanh đã qua đời năm 1407, trong lúc làng Kế Môn được cho là hình thành từ 1410, hay còn muộn hơn nữa (như trên đã chứng minh) vào hơn 60 năm sau (năm 1471). Như vậy há lẽ cụ Hoàng, khi còn sống, đã “đặt tên” trước cho một làng chưa hình thành ?  Hoặc giả nếu cụ có cảm hứng “gọi tên”, “vinh danh” cho một “vùng đất”  với địa hình khá đặc biệt như đã mô tả, thì vùng đất chưa hình thành làng này, ắt sẽ bao gồm cả làng Vĩnh Xương và Đại Lộc tiếp giáp kế cận, chứ không riêng gì Kế Môn (vì địa hình các làng này hao hao giống nhau, cùng liên tục trên một dãi đất). Và một chi tiết nhỏ : đỉnh Quy Ngọa là đỉnh nào còn thấy hiện nay ở vùng đất này ? Có phải là độn Mít Nài của Kế Môn ?

     Như vậy, thật ra ai là người đã đặt tên cho làng Kế Môn ? cụ Hoàng Hối Khanh, một vị khách nào khác, hay do chính tổ tiên của làng ? Ta hãy xem hai từ  “Kế Môn” có ý nghĩa như thế nào. Nó hàm chứa ý nghĩa cao xa, thâm sâu hay chỉ mang tính đơn sơ dân dã, để rồi từ đó, có thể suy ra người đặt tên thuộc vào hạng người nào, tầm hiểu biết của họ ra sao, bình dân hay khoa bảng.

     Ai cũng biết ngày xưa, thời Hán học, hầu như các địa danh đều  mang chữ Hán. Ví dụ Vĩnh Xương, Ưu Điềm, Chí Long, Hương Triền hay Thuận Hóa, Phú Xuân…Kế Môn cũng không ngoại lệ. Điều phổ biến nữa là các làng ở Thừa Thiên – Huế đều ghép bởi hai từ, hiếm thấy một làng nào mang một từ đơn hoặc ba từ (trừ trường hợp một làng được tách thành hai, để phân biệt cần có thêm chữ “thượng” hay “hạ”, “đông” hay “tây” phía sau). Hai từ ấy thường bổ nghĩa cho nhau để nói lên một ý nghĩa chung cho tên làng.

     Theo bác Trần Duy Cường, năm nay 82 tuổi, nguyên trước đây là học trò của cụ nghè Bùi Viết Quách ( còn gọi là cụ Nghè Biên), hiện đang sống tại Đà Lạt, thì hai từ Hán “Kế Môn” xuất hiện trong cuốn “Song Hòe Tuế Sao”, một thi tập cổ của Trung Hoa, vịnh mười bài thơ về cảnh đẹp ở kinh đô ( Trung quốc ), trong đó có bài “Kế Môn Yên Thụ thu tảo” của vua Đường Thái Tông, với hai câu tiêu biểu :

                            “Hàn kinh kế môn diệp

                             Thu phát tiểu tùng chi”

     Tạm dịch :

                          “Lạnh làm kinh động lá kế môn

                          Thu làm nẩy phát cành tùng bé”

    “Kế môn diệp” ở đây là “lá kế môn” nghĩa là  có một cây gọi là cây kế môn. Vẫn theo bác Cường, cây kế môn ở đây chính là cây cỏ kế. Cỏ kế là loại cây  có gai nhỏ, hoa màu tía thuộc họ Cúc. Đây cũng chính là loại hoa ( có tên tiếng Anh là thistle) mà dân Tô-Cách-Lan ( Scotland – xứ làm ra rượu whisky nổi tiếng ) tôn chọn làm quốc hoa cho xứ mình. Như vậy, nếu tên làng Kế Môn được hiểu theo nghĩa này, thì từ “môn” là từ ghép, là bổ nghĩa cho từ “kế” chứ không có ý nghĩa gì cả.

      Trong khi đó thì trên trang mạng langkemon.com.vn  mới đây, nhà Huế học có danh xưng là Phanxipang, có sưu khảo và nhắc đến một bài thơ Đường cổ (cũng của Trung Hoa) có tên là “Vọng Kế Môn” của tác giả Tổ Vịnh. Trong đó “Kế Môn” có nghĩa là “Cổng của Kế Thành”. Mà Kế Thành là kinh đô  của nước Kế, một tiểu quốc từng tồn tại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ thứ 7 trước công nguyên bên Trung Hoa (chính là một phần đất nào đó của thủ đô Bắc Kinh hiện nay). Tài liệu này tất nhiên cần được kiểm chứng, nhưng với ý nghĩa đó, từ Hán “Môn” trong “Kế Môn” mới có nghĩa là “cửa”, là “cổng”.

     Theo chúng tôi, muốn biết ý nghĩa hàm chứa thực sự mà người đặt muốn gởi gắm vào hai từ “Kế Môn”, ta phải biết là ngay từ lúc đầu, hai chữ ấy đã được viết theo Hán tự như thế nào. Bởi “kế” có nhiều chữ kế, viết  khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau. “Môn”  cũng vậy. Tại Đình làng hiện nay, bức hoành mang ba chữ “Đình Kế Môn” trên cửa chính điện (h.1) với chữ  “Kế” (chữ này không thấy ghi trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh), nếu có nghĩa là “cây cỏ kế” thì có thể chấp nhận, nhưng còn chữ “Môn”, viết như vậy rõ ràng chỉ có nghĩa là cổng, là cửa. Nếu ghép hai từ lại sẽ là “cổng cây cỏ kế” hay “cổng bằng cỏ kế” hay sao ? Một điều thắc mắc nữa là không biết qua bao nhiêu lần trùng tu ngôi Đình, từ trong quá khứ xa xưa đến nay, ba chữ “Đình Kế Môn” này ở Đình làng có còn nguyên vẹn như thuở ban sơ không hay đã  “tam sao thất bổn”

      Lẽ tất nhiên, là con dân của làng, ai cũng muốn làng mình có cái tên “đẹp”, có ý nghĩa, thậm chí có nhiều nghĩa, cả nghĩa gần lẫn nghĩa xa, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Với chữ “Kế”, viết như trên, rõ ràng nó kết hợp nhiều “bộ” trong chữ Hán: bộ “thảo”, bộ “thủy”, bộ “điền” và cả bộ “đao”. Nghĩa là nó hàm chứa một địa hình có đầy đủ cả sông núi, cây cỏ, ruộng vườn, trong đó  dồi dào nông, lâm, ngư sản, mang lại triển vọng ấm no cho cư dân. Nếu đó chính là ý nghĩa thâm sâu của cái tên  thì người đặt hẵn phải là một nhà Nho rất mực uyên thâm.

    Còn nếu “vận dụng” tên làng để hiểu theo một nghĩa bình dân, gần gủi với nông dân bản địa hơn, đơn giản như “kế” là “gần”, “môn” là “cửa”,  với ý nghĩa vùng đất Kế Môn là một địa danh gần cửa biển Thuận An, hay cửa phá Tam Giang, thì cũng không có gì là lệch lạc .

     THAY  LỜI  KẾT  

      Như vậy, vấn đề “thời điểm hình thành làng”, cũng như “lai lịch và ý nghĩa của tên làng” Kế Môn, một khi chưa truy được nguồn tài liệu, chứng cứ xác đáng để làm sáng tỏ, thì cũng nên bình tĩnh mở ngõ trên nhiều diễn đàn, để con dân làng trên khắp mọi miền đất nước và hải ngoại, có thể đóng góp và tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu.

     Trong chiều hướng đó, song song với các vấn đề khác cần tìm hiểu liên quan đến cội nguồn của làng như “Lễ Tiếu Kỳ” mười hai năm một lần của các Tộc họ, tục “Múa Náp” trong các Lễ tang, là những sự kiện mà các làng khác trong Thừa Thiên – Huế, thậm chí trong cả nước không hề có, chúng ta có thể hướng tới việc tổ chức một cuộc hội thảo mà khách mời tham luận là những nhà nghiên cứu có tầm vóc về Huế học như đã đề cập ở trên.

      Có thể nói “tìm về cội nguồn” là một quá trình  phức tạp và lâu dài, đòi hỏi tính chịu khó và kiên nhẫn. Có thể  thế hệ này không làm được nhưng cơ hội sẽ đến với các thế hệ mai sau. Vẫn còn đó rất nhiều làng ở Thừa Thiên-Huế nói riêng và địa danh ở Việt Nam nói chung chưa ai tìm ra niên đại hình thành chính xác cũng như lai lịch ý nghĩa thuyết phục của tên riêng được đặt cho. Đó cũng là điều bình thường  bởi trải qua bao triều đại, vật đổi sao dời, các tài liệu thành văn và truyền khẩu, mất mát, mai một là điều khó tránh khỏi.

    Cũng như địa danh Sài-gòn hiện nay, dù chỉ mới  tồn tại hơn ba trăm năm, mà hậu thế vẫn chưa truy nguyên được từ “Sài-gòn” xuất xứ từ đâu. Rồi địa danh “Huế” cũng vậy, cũng mới ra đời chỉ chừng ấy thời gian, mà hiện vẫn đang trong vòng bàn luận, chưa xác định được lai lịch của từ “Huế” do đâu, nghĩa là gì. Nói chi đến địa danh “Kế Môn” vốn đã tồn tại ngót sáu trăm năm.

     Mong rằng, với sự quan tâm của con dân làng thuộc lớp trẻ và thế hệ mai sau, với sự giúp sức của các nhà nghiên cứu từ mọi nơi về đất Thuận Hóa năm xưa, một ngày nào đó trong tương lai, những điều vướng mắc trên sẽ được giải tỏa.                                  

                                                                                                                  THẢO NGUYÊN

*Tài liệu tham khảo : Các bản dịch của Ô châu cận lục-Dương Văn An, Phủ biên tạp lục-Lê Qúy Đôn; Lược sử Họ Trần Thừa Thiên-Huế-Trần Đại Vinh; LàngKế Môn-một làng quê đẹp và giàu-Nguyễn Thanh Trung; Cố đô Huế xưa và nay-Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế; Các triều đại Việt Nam-Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng;Từ điển Hán Việt-Đào Duy Anh.

 

 

Phản hồi (5)

  • Đặng hữu Hùng
    Tháng Mười Một 13th, 2012 lúc 12:02

    Đà nẵng -13/11/2012
    Cảm ơn anh Thảo Nguyên đã cùng tham gia diễn đàn”Dư Địa Chí-làng Kế Môn.
    Thưa anh:
    Một bài viết được phân tích kỹ mọi chi tiết và sâu của anh đã gây thêm nhiều cảm
    hứng tìm về lịch sử cội nguồn.Chắc ai cũng vui về chuyện “của làng”Hiện tại đất
    nước đang thanh bình ,đời sống kha khá hơn..nên chăng đi tìm tâm linh,văn hóa
    lịch sử để tạo nên sinh khí mới ,tình yêu quê hương vũng chắc hơn.
    Theo thời gian mở nước. của họ Đặng thì làng Kế Môn xưa thuộc tỉnh Quảng Trị
    Và Đặng Tất (khoảng1350…chết 1409)làm Đại Đại tri Châu Hóa Châu1391
    (Nguồn Đặng Đại Tông Phả) trong thời kỳ nay đất nước loạn ly nhiều phản nghịch
    theo xu hướng dòng tộc,bạn bè để gầy dựng cơ ngơi sau đó xưng chúa tiểu vùng
    Họ Đặng đã làm chủ vùng này và ra sức trấn thủ mọi bề từ quân sự đến kinh tế,
    Có thể làng Kế Môn là một địa danh chiến lược nhất của cả vùng(từ xa xưa đến nay
    vẫn là trọng tâm chiến lược quân sự .Nên định hình làng không thể rơi vào khoảng
    1410???Theo tôi khả năng cuối thế kỷ 13 (1290)là khoảng di dời nam tiến mạnh nhất
    Khi chúng ta tham khảo ở những tư liệu của triều Nguyễn,hoặc Lê Quý Đôn thì mọi
    điều rối tung lên như bát trận,Vậy nên cùng bàn thảo để mang về một kết luận tương
    đối.
    Thưa a.Thảo Nguyên.
    Trước lúc đưa lên diễn đàn tôi đã phát thảo như thế náy:
    1)Gây dựng dân làng mọi miền tính tìm hiểu sâu rộng về văn hóa,lịch sử làng Kế Môn.
    2)Tạo nhóm cùng bàn thảo và mong sự lên tiếng của những công dân làng có
    hiểu biết, có thể là truyền khẩu để sưu tập lại thành một ấn bản.
    3)Tôi cũng dễ tiếp cận đến những nhà khoa học ngoài xã hội như;thầy giáo Phan Thuận
    An,thầy Nguyễn Hữu Châu Phan,nhà khoa học Đỗ Bang,Đoàn Lê Giang,Phanxi păng v.v..
    và cũng luôn được lời động viên của những người ấy.
    4)Sao chép các bộ Gia Phả các tộc họ trong làng và di chỉ,văn sớ của làng(tôi đã traođổi
    với bác Bùi Giậy..chú Nguyễn thanh Trung và sắp tới sẽ bàn với Thôn,với các bác tộc trưởng
    của làng để xin ý kiến cụ thể của bậc cao niên)
    5)Phải thật kiên nhẫn và mất nhiều thời gian(có thể 3 đến 4 năm)
    6)Phải tổ chức được một hội nghị hội thảo Khoa học”Dư Địa Chí Làng Kế Môn”tại đình làng
    Kế Môn..
    7)Khi đã có tài liệu từ nhiều phía thì sẽ vận động tài chính để thực hiện, cuối cùng là
    chương trinh in ấn tập”DƯ ĐỊA CHÍ làng KẾ MÔN”.
    Đây là việc rất khó khăn(nếu dễ thì xưa nay quý vị tiền bối đã làm)Tôi tin rằng đoàn kết cùng
    xắn tay vì nghĩa lớn cho Quê hương..thì chúng ta sẽ thành công.
    Chào thân…
    Đặng hữu Hùng

  • Đặng hữu Hùng
    Tháng Mười Một 13th, 2012 lúc 12:24

    Xin lỗi đính chính ở dòng 14 là”theo tôi khả năng cuối thế kỷ 13 (1390)
    Ghi 1290 đã sai-Cáo lỗi. Hùng.

  • Đặng hữu Hùng
    Tháng Mười Một 13th, 2012 lúc 18:28

    Xin gửi đến cộng đồng làng Kế Môn
    Vừa rồi Đặng Hữu Hùng đã gặp được anh Đoàn Lê Giang,gần 30 năm
    người đã khươi dậy danh nhân Nguyễn Lộ Trạch-trong chuyến về làng
    đầu tiên đã cùng Hùng lặn lội suốt cả chục ngày đi tìm tư liệu làng,Huế
    ,Quy Nhơn,Sài gòn.Bước đầu đã hình thành câu chuyên lịch sử danh
    nhân và hôm nay anh Đoàn Lê Giang cũng muốn cùng chúng ta đi tìm
    “DƯ ĐỊA CHÍ làng Kế Môn” như sau(xin mạn phép được đưa tin giao
    lưu riêng tư đến để cộng đồng làng cùng vui về quê mình sẽ có được
    niềm vui trọn ven.
    Đặng hữu Hùng
    tui đang mòn mỏi chờ đây hihihi.trấy đất tròn hới.
    Thân chúc đến Giang và gia đình được Khỏe mạnh,
    gặp nhiều Phước, Lộc.

    Làng chừ đã hết đói rồi.
    Khát văn-sử cổ-lại ngồi không yên.
    Lạy tiên,tổ. Ngài có thiêng.
    Mang hương trầm về với làng hiền Kế Môn.
    danghuuhung

    Từ: Doanle Giang
    Tới: Hung Dang Huu
    Đã gửi 11:14 Thứ Ba, 30 tháng 10 2012
    Chủ đề: Về: Chuyển tiếp: PHƯỢT CÒ&HÌNH ẢNH QUÊ HƯƠNG

    Cám ơn anh Hùng đã liên lạc – mới đó mà đã 25 năm! Đọc email của anh bao nhieu ky niem ùa về! Để hôm nào rảnh sẽ viết cho anh về Kế Môn.
    Thân quý
    Đoàn Lê Giang
    Khoa Văn học và Ngôn ngữ
    Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM
    Web: http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

  • Tôi
    Tháng Mười Một 14th, 2012 lúc 23:06

    theo như tôi, không biết 3 chữ hán trên có phải là đình Kế Môn hay không nhỉ?nếu như kèm chữ Quốc Ngữ nữa thì con cháu sau này không mất gốc

  • Hoàng Công Lý
    Tháng Mười Một 15th, 2012 lúc 17:24

    Tham luận của chú Mạo về lịch sử hình thành làng Kế Môn khá khớp với lịch sử hình thành của mãnh đất Thừa Thiên Huế, cháu xin trích dẫn một đoạn trong đó có nói về thời điểm hình thành các làng xã trong đó có làng Kế Môn ta:
    “Năm 1306, vua Chế Mân đã dùng hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân (nhà Trần), một dải đất xung yếu từ bờ Nam sông Thạch Hãn đến bờ Bắc sông Thu Bồn đã gia nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Năm 1307, nhà Trần đã đổi tên châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa. Thừa Thiên Huế là một phần lớn của châu Hóa, mà cư dân chủ yếu còn là người Chăm sống rải rác ở đồng bằng sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương và sông Thu Bồn, kể cả vùng đầm phá ven biển. Từ đây, sự chung sống, hòa hợp giữa hai cộng đồng người Chăm bản địa và người Việt nhập cư khai hoang lập làng bắt đầu tạo nên những biến đổi tích cực trong việc xây dựng đất nước.
    Từ năm 1307, công cuộc di dân chính thức của người Việt từ đồng bằng Thanh – Nghệ vào đất mới đã khởi đầu và ngày càng bổ sung thành phần cư dân Việt. Tại Thừa Thiên Huế việc di dân của người Việt diễn ra rải rác trong thuế kỷ XIV. Đến cuối thế kỷ XIV, nhà Trần đã lập tại vùng đất Hóa Châu 7 huyện mới: Trà kệ, Lợi Bồng, Sạ Lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh với khoảng trên 40 làng, ấp, thôn, trại, sách.
    Sau khi Chế Mân chết, công chúa Huyên Trân trở về Đại Việt, lấy cớ này các vua kế vị Chế Mân đem quân đánh châu Thuận và châu Hóa, các vua Trần đã phải nhiều lần cử quân đi đánh dẹp, đề ra nhiều đối sách như giao việc trấn giữ châu Hóa cho các trọng thần hay hoàng thân, năm 1372, vua Trần Nghệ Tông đã cất nhắc một viên quan người địa phương là Hồ Long làm Đại tri châu châu Hóa nhưng miền biên viễn này vẫn không yên ổn. Năm 1377, với sự kiện vua Trần Duệ Tông tử trận vì mắc mưu trá hàng của vua Chiêm Thành Chế Bồng Nga, quân Chiêm Thành đã chiếm châu Thuận, châu Hóa, châu Tân Bình và Nghệ An trong suốt 12 năm, cho đến khi Chế Bông Nga bị quân Đại Việt bắn chết, quân Chiêm Thành tan vỡ, rút quân khỏi vùng đất này.
    Năm 1391, vua Trần Thuận Tông cử Lê Quý Ly đi tuần châu Hóa, xét định quân ngũ, sửa chữa thành trì, châu Hóa mới ổn định.
    Tình hình biến động trên vùng đất Thừa Thiên Huế rải rác suốt thế kỷ XIV, đã làm nhịp độ di dân vào đây chững lại. Chiến tranh cũng đã làm cho những làng mạc mới thành lập xơ xác, tiêu điều. Những thế hệ đầu tiên khai canh lập làng ấp phần lớn bị phiêu tán và ruộng đồng hầu hết hoang hóa, phải đến thế kỷ sau mới phục hồi.

    Sang đến thế kỷ XV, Thừa Thiên Huế có những biến chuyển tích cực hơn do việc Hồ Hán Thương cho sửa chữa đường thiên lý từ Tây Đô (Thanh Hóa) đến châu Hóa, đồng thời bờ cõi của Đại Việt được mở rộng về phương Nam với 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa kéo dài đến tận Bắc Quảng Ngãi ngày nay. Từ đây châu Hóa không còn là phên giậu của đất nước; việc di dân từ phía Bắc vào châu Hóa lại tiếp tục.
    Sau khi nhà Hồ bị giặc Minh đánh bại, vua tôi bị bắt giải về Trung Quốc, giang sơn Đại Việt rơi vào tay nhà Minh, vùng đất Hóa Châu cũng nằm trong hoàn cảnh ấy.
    Năm 1407, cuộc khởi nghĩa chống quân Minh do Trần Ngỗi (Giản Định Đế – dòng dõi nhà Trần) phát động nổi lên ở Nghệ An, Đại tri châu Thuận Hóa là Đặng Tất đã đem quân Thuận Hóa ra phò Trần Ngỗi. Cuộc khởi nghĩa kéo dài được 6 năm (lúc đầu do Trần Ngỗi lãnh đạo, ba năm sau do Trần Quý Khoáng chỉ huy), nhân dân Thuận Hóa đã sát cánh cùng với nghĩa quân lăn lộn trên các chiến trường Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Tân Bình, Thuận Châu. Hóa Châu lại là một trọng địa, căn cứ để củng cố và bổ sung lực lượng cho nghĩa quân. Tinh thần yêu nước, xả thân kháng chiến cứu nước của nhân dân vùng đất Hóa Châu đã được khẳng định.
    Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, quân Minh áp dụng chính sách cai trị hà khắc, tàn bạo: đàn áp lực lượng nghĩa quân còn sống sót, tăng tô thuế, vơ vét rài sản của nhân dân, bắt cống nạp của ngon vật lạ…, chủ trương đồng hóa nhân dân ta qua việc thay đổi phong tục, tuyên truyền mê tín dị đoan, tổ chức giáo dục theo tinh thần tam giáo của nhà Minh. Hai châu Thuận, Hóa sáp nhập thành một châu Thuận Hóa, chỉ còn 79 làng, 1.470 hộ và 5.662 khẩu dân đinh.
    Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa), nhân dân Thuận Hóa lại tiếp tục hưởng ứng cuộc kháng chiến chông quân Minh xâm lược. Ngoài đông đảo đinh tráng tham gia nghĩa quân, ở châu Hóa đã có một số nhân tài đóng góp nhiều chiến công trong hàng ngũ chỉ huy tham mưu của nghĩa quân như: ngài họ Hà ở làng La Chữ có công theo Lê Lợi bình Ngô được phong tước Đại Liêu; Phạm Bá Tùng ở làng Thanh Thủy Thượng, xã Thủy Dương được phong chức Chỉ huy sứ.
    Quân dân Tân Bình, Thuận Hóa đã được Lê Lợi ban dụ khen ngợi: “Ngay ở kinh lộ của ta cũng chưa thấy ai dốc lòng hết sức, lập công nêu danh mà bọn các ngươi là bề tôi ở chốn phên giậu biên cương lại biết nghĩ tới công sức của ông cha ngày trước, hết lòng với vua mà đánh giặc, lập công trước. Lòng trung thành đó, thực đáng ngợi khen” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 – Ngô Sĩ Liên).
    Nhận định đó đã khẳng định công sức của quân dân Thừa Thiên Huế đầu thế kỷ XV trong công cuộc kháng chiến gian khổ và oanh liệt của dân tộc.
    Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) đã cử các trọng thần vào trấn thủ Thuận Hóa, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới. Tình hình Thuận Hóa cơ bản ổn định, nhưng vẫn bị sự quấy nhiễu của quân Chiêm Thành. Từ sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa, năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động đánh Chiêm Thành nhằm giữ yên bờ cõi.
    Trong thời kỳ này vẫn tiếp tục quá trình di dân từ phía Bắc vào châu Thuận Hóa, hàng loạt các làng mới được thành lập như: Đa Cảm, Vĩnh Cố (nay là Vĩnh An), Đàm Bổng (nay là Ưu Điềm), Phò Trạch, Đường Long (Chí Long), Chánh Lộ (Chánh Lộc), An Triền (Hòa Viện), Hương Triền (Thanh Hương), Vĩnh Áng (Vĩnh Xương), Thanh Cần, Triều Sơn, Địa Linh, La Khê, Bao Vinh, Đức Bưu, Dương Xuân, Hoài Lai, Phổ Lại, Vân Căn, Sơn Tùng, Hoa Lang, Trung Tuyền (Trung Đồng), Đại Lộc, Kế Môn, Thế Chí, Toản Vũ (Thành Công), Bình Trị (Vĩnh Trị), Thai Dương, Hòa Duân, Hà Cùng (An Dương), Cự Lại, Kế Chủng (Kế Sung), Đông Dương, Vinh Hoài, Duy Sơn, Tân Chu, Nghi Giang, Diêm Trường, Phụng Chính.
    Năm Bính Tuất (1466) vua Lê Thánh Tông tổ chức cải cách hành chính đặt 13 đạo Thừa tuyên trong cả nước, trong đó có Thừa tuyên Thuận Hóa; đổi lộ thành phủ, trấn thành châu, các chức Chuyển vận thành Tri huyện, Tuần sát thành Huyện thừa, Xã quan thành Xã trưởng. Thừa tuyên Thuận Hóa được tổ chức thành phủ Tân Bình gồm 2 huyện, 2 châu và phủ Triệu Phong gồm 6 huyện, 2 châu. Phần đất Thừa Thiên Huế ngày nay thuộc 3 huyện Kim Trà, Đan Điền và Tư Vinh nằm trong phủ Triệu Phong.
    Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, Tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn chỉ huy 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn của Chiêm Thành, bắt sống Trà Toàn đem theo về Đại Việt.
    Chiến dịch bình định phương Nam của quân dân Đại Việt dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của quân Chiêm Thành (1741). Phần đất Thừa Thiên Huế không còn là phên giậu, mà biên cương đã vào tận phía Nam Bình Định. Quan quân và nhân dân đã ra sức khôi phục và tái thiết Thuận Hóa. Hưởng ứng chủ trương di dân, một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con từ các vùng quê phía Bắc, đa số là Thanh Hóa, Nghệ An vào khai khẩn đất hoang và các vùng đất bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh, lập thành những làng ấp mới trên đất Thuận Hóa.
    Theo danh mục trong Hồng Đức bản đồ soạn ngày 6/4 năm Hồng Đức 21 (1490), 3 huyện thuộc phần đất Thừa Thiên Huế ngày nay gồm có: Kim Trà 22 làng, 20 thôn, 3 nguồn, Đan Điền 60 làng, 14 thôn, 4 sách, 1 nguồn, Tư Vinh 69 làng, 4 sách, 1 thôn.
    Sau chiến thắng Bồ Đàn năm 1471 của quân dân Đại Việt, trong đó có sự đóng góp công sức, xương máu của quân dân Thuận Hóa, vùng đất này đã được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong vòng 50 năm.
    Bắt đầu từ thập niên 20 của thế kỷ XVI, vùng đất Thuận Hóa lại xảy ra nhiều bất ổn, bắt đầu từ việc các quan lại địa phương lộng quyền, chia bè phái, vơ vét của cải, nhũng nhiễu nhân dân, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn. Đặc biệt, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Thuận Hóa bắt đầu một thời kỳ đầy biến động.
    Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi một số dòng tộc, gia tộc bỏ đất Bắc di cư vào châu Hóa lập nghiệp.
    Phó tướng Thuận Hóa là Hoàng Công Châu chống mệnh vua Mạc, chắn thuyền ngang cửa biển Nhật Lệ chiến đấu khi Mạc Quyết (em của vua Mạc) thống lĩnh quân đội tuần du Thuận Hóa. Ông bị bắt đưa về kinh xử chém.
    Năm 1531, các bề tôi cũ của nhà Lê là Bích Khê hầu Lê Công Uyên, Nguyễn Ngãi, Nguyễn Thọ Trường và Nguyễn Nhân Liễn dấy quân ở Thanh Hóa và các địa phương Tân Bình, Thuận Hóa. Cả một dải đất từ Thanh Hóa đến Quảng Nam nổi loạn. Năm 1547, con trai thứ của Mạc Đăng Dung dấy quân tranh chấp ngôi vua với Mạc Phúc Nguyên tại đất Bắc, vùng Hóa Châu lại biến động. Nhà Mạc liên tục phải cử quan quân vào đánh dẹp.
    Năm 1548, lực lượng phục hưng triều Lê do Nguyễn Kim lãnh đạo ngày càng lớn mạnh thu phục cả vùng Thanh Nghệ, vùng đất Thuận Hóa trở thành nơi tranh chấp giữa nhà Mạc với lực lượng này. Sau khi quân nhà Mạc bị tiêu diệt, nhà Lê đặt các quan phủ huyện và quan tam ty, mở trường dạy học, khuyến khích phát triển nông nghiệp, tu bổ đề điều, phát triển thương nghiệp, củng cố quân đội…. từ đó Thuận Hóa mới trở lại yên ổn.
    Do những mâu thuẫn nội bộ không thể giải quyết được trong triều đình Lê Trung Hưng, mà đặc biệt là sự kình địch của hai thế lực phong kiến đang dần dần lớn mạnh là họ Trịnh, đứng đầu là Trịnh Kiểm và họ Nguyễn (dòng dõi Nguyễn Kim) đứng đầu là Nguyễn Hoàng (Nguyễn Hoàng để tránh bị ám hại đã xin vào trấn thủ đất Thuận Hóa).
    Tháng 11/1558, Nguyễn Hoàng được lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa với một quyền hạn rộng lớn “phàm mọi việc ở địa phương không kể to nhỏ đều cho tùy tiện xử lý”. Nguyễn Hoàng ra đi vừa để bảo toàn mạng sống, vừa tính kế phát triển sự nghiệp lâu dài, nên khi rời đất Bắc, ông đã lôi kéo một lực lượng đông đảo bao gồm nhiều tướng lĩnh (Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung, Tường Lộc), binh lính (1000 thủy quân), và nhân dân các làng mạc ở huyện Tống Sơn, nghĩa dũng đất Thanh Hóa cùng một số quan lại, binh lính ở Thanh Hóa và Nghệ An. Đây chính là một cuộc di dân thực sự.
    Trong suốt thời gian trấn thủ đất Thuận Quảng (1558 – 1613), Nguyễn Hoàng đã dốc sức củng cố thế lực, thu phục lòng người bằng lối cai trị mềm mỏng để đặt nền tảng cho việc xây dựng giang sơn riêng cho dòng họ mình. Và Thuận Hóa trở thành đất dựng nghiệp của họ Nguyễn.”
    Như vậy thời điểm hình thành làng Kế Môn chúng ta theo khẳng định của lịch sử là khoảng từ 1430-1450.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác