KẾ MÔN QUÊ TÔI 26-10-2010 minhhien
Chúng tôi thấy bài vè Kế Môn Quê Tôi của nhà thơ Nam Sơn (Hoàng Đông) dường như đã giới thiệu toàn cảnh làng Kế Môn (trong khoảng cuối thập niên 60). Ngày nay cảnh làng tuy có khác nhưng bài vè này là Kỷ vật một thời. Xin trân trọng giới thiệu.
KẾ MÔN QUÊ TÔI
Bao giờ trở lại quê hương
Nhìn Ô Lâu biếc một đường chảy ngang
Nhìn vào đồng ruộng mênh mang
Bốn con hói dọc, hói ngang nối dài
Bờ rào rồi đến đường quai
Đứng giữa cồn nổi ngắm hoài thêm mê
Năm bến tròng nốt bộn bề
Đến mùa gặt hái đông quê rộn ràng
Bến Đíu nằm trước đình làng
Sau độn Lại tải trấn an dân mình
Đường ngang nằm ở sau đình
Hai bên hai họ Trần Huỳnh xinh xinh
Đường quan số tám trước đình
Nối liền Quảng Trị dân tình bán buôn
Ngũ Hành miếu ở cuối thôn
Lò rèn, xóm Đập, Mội trong dân hiền
Họ Nguyễn thờ sát lò rèn
Dân họ đóng góp của tiền dựng nên
Dòng khe Đại Lộc kế bên
Chảy ra Đồng Dạ bọc miền ruộng ta
Nhìn lên trên Khút xa xa
Hàm rồng, hói Gạch thẳng tòa Vĩnh Xương
Vào làng chỉ có một đường
Sau ranh độn cát Vĩnh Xương bào cồn
Miếu Bà Chúa Ngọc đầu thôn
Rồi qua Văn Thánh giáp rồn Miếu Đôi
Xưa kia Hán học thi rồi
Vinh quy bái tổ, hoa khôi bảng vàng
Lui về theo dọc đường ngang
Phía trên nhà ở lớp hang phân minh
Mỗi xóm có lũy tre xanh
Mỗi nhà có giếng nước lành trong veo
Nhà khá cho đến nhà nghèo
Bước vô sân ngõ giếng ao gọn gàng
Họ Bùi họ ở đầu làng
Thành nội, thành ngoại cẩn đàng lầu cao
Tiền đường hậu trẫm đẹp sao
Lưỡng long triều nguyệt khác nào cung vua
Trên rú bàu Đán thuở xưa
Nước chảy cứu hạn đồng Trưa của làng
Thiên Chúa thờ sát đường ngang
Dân họ mới lập lợp tràn bằng tôn
Ở đời kẻ dại người khôn
Đừng cậy quyền thế tiếng đồn tràn lan
Thôi về họ Đặng, họ Phan
Huỳnh Ngọc gần rú lợp toàn bằng tranh
Rồi xuống hai họ Nguyễn Thanh
Đi qua xóm Cụt vòng quanh lên cầu
Khe phụ nước chảy về đâu
Chảy ra Đạt-Khẩn ở sau trường làng
Thổ Kỳ miếu vũ cầu an
Họ Lê trước xòm đàng hoàng đẹp thay
Họ Huỳnh mới bến nơi đây
Nhân dân bốn bến lập xây nhà thờ
Rồi qua xóm Cụt hiện giờ
Trước trường chữ Hán, nay vừa chữ ta
Họ Phan cách xóm không xa
Dân họ ít ỏi làm nhà thờ riêng
Trần Đình cách xóm kế bên
Trần Đăng gần rú, Nghè liền phía sau
Xưa kia võ tướng công hầu
Oai linh hiển hách đâu đâu kiêng vì
Khi làng có chuyện lâm nguy
Ăn chay cầu đảo vậy thì bình an
Huỳnh-Trần hai họ sau làng
Nhà thờ lợp ngói cửa đàng thành xây
Bàu Môn sau rú đâu đây
Ở nơi chân độn thẳng ngay đình làng
Ngôi chùa Vạn Phước huy hoàng
Phụng bay, rồng lộn tiền đàng nguy nga
Hai lầu chuông trống vang xa
U minh cảnh tỉnh dân ta tháng ngày
Điện thờ tượng Phật đẹp thay
Xa gần đóng góp dựng xây chua chiền
Canh Tý đặt đá đầu tiên
Giáp Thìn sáu bốn hội phiên khánh thành
Trống cờ rợp đất đua chen
Mười phương lễ bái lạ quen nghẹt người
Đường ngang đi thẳng về xuôi
Họ Hồ trầm tĩnh một trời nhứt đông
Rồi qua cho đến xóm Cùng
Ghé am Võ Thánh Quan Công phụng thờ
Trần Đình mới dựng bây giờ
Bình phong cửa ngõ đơn sơ gọn gàng
Rồi ra ngoài đập cuối làng
Có ngôi tân miếu bế nàng rất linh
Xưa kia quan Võ triều đình
Có vợ Đại Lộc ngoại tình thơ rơi
Trung cang nghĩa khí nhất thời
Vì vợ vu cáo cuộc đời thác oan
Luôn luôn phò hộ dân làng
Mỗi năm Tết đến đặt bàn cẩu yên
Băng qua độn cát thấy liền
Thấy khe Ngòi Viết giáp nguyên Truông Tàu
Đồng khoai trồng mãi đến đâu
Từ khe Đại Lộc đến bàu Vĩnh Xương
Bàu Nức,bàu Bể, bàu Cuồng
Bàu Rèn lấp trước thấy dương mã ngài
Trần Huỳnh Thỉ Tổ bên ngoài
Bên trong mồ mã kéo dài khắp thôn
Mã lớn cho chí mã con
Lăng bia chen chúc độn trong độn ngoài
Âm hồn tảo mộ tháng hai
Thờ ba ngôi miếu điện đài phân minh
Rồi ra ghé lại thăm Đình
Năm căn hương án thần linh phụng thờ
Bình phong ngoài thẳng cột cờ
Hai bên trường học đình thờ chữ môn
Đến khi có lễ toàn thôn
Nhân dân lễ bái bảo toàn thuần phong
Hương xông trầm đốt đèn chong
Thần Hoàng cảm niệm ghi công Tiên hiền
Khai canh, khai khẩn đầu tiên
Tạo dựng cơ nghiệp thổ điền cho dân
Đồng trưa (1) động ruộng mênh mông
Huyền Cồn, thót cửa, chứa nôn khác làng
Cày sâu cuốc bẩm làm ăn
Mỗi năm hai vụ đủ phần ấm no
Khi nên trời cũng giúp cho
Làm ruộng phải tính, phải so mới giàu
Tha phương cầu thực đâu đâu
Mỗi năm Tết đến rũ nhau về làng
Thợ nề, thợ mộc, thợ vàng
Nề,mộc tương đối nghề vàng làm nên
Bánh bèo, bánh ướt quay kem
Đầu lạ đắp đổi sau quen lắm tiền
Luôn luôn nhớ đến tổ tiên
Mỗi năm Tết đến thay phiên nhau về
Bà con chú bác bốn bề
Thăm mồ thăm mã, thăm quê của mình
Rồi ra ghé lại thăm Đình
Nhờ phong thổ tốt dân mình làm nên
Muốn cho tài lộc vững bền
Kế Môn đất Huế phải nên trở về
Góp tiền xây dựng hương quê
Bồi đắp xứ sở tưởng về hậu lai
Dân làng bất cứ ai ai
Kế Môn hai chữ nhớ hoài đừng quên.
Nam Sơn (Hoàng Đông)
Phản hồi (2)
Võ Trung Chương
Tháng Mười 19th, 2011 lúc 04:31Bà̉i thơ này hay quá, bao quát cả những gì mà Kế Môn làng ta có. người làm cũng tài thật, kết hợp tất cả các tên của Họ, Đình, Chùa, Bến, ruộng, đường xá, …
Pham hong khanh
Tháng Mười 19th, 2011 lúc 11:45Ngày đi ra đứng đầu làng
Thề non hẹn biển vinh danh ngày về
Con đi mẹ khóc nảo nề
Than rằng: xa xứ biết về khi mô
Bây giờ lúa đã bao mùa trổ
Tóc mẹ nhuốm màu thề nớ trôi sông
Nhớ quê xứKế đau lòng
Công danh chưa toạí long đong quê người
Biết khi mô vế 19-10
Bình luận