TRỘM CƯỚP, MỐI VÀ THAM NHŨNG 29-07-2016 Thao Nguyen

Ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp… thì ai cũng biết cả. Còn tham nhũng là gì? Câu hỏi này nghe có vẻ ngây ngô và “nhàm” vì thuộc loại “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Bởi ai cũng biết rằng tham nhũng chính là ăn cắp chứ còn gì, chẳng qua người ta dùng từ cho văn vẻ, cho “trừu tượng” một chút, chứ nói “ăn cắp” thì lõa lồ, trắng trợn quá! Nhưng tham nhũng không phải là một loại ăn cắp bình thường, mà là một loại “ăn cắp lớn” – thuộc vào hàng “đại đạo chích” – và tất nhiên chỉ dành cho quan chức trong mạng lưới công quyền. Và đối tượng bị đánh cắp, bị tước đoạt không phải chỉ là một hay vài cá thể nhỏ lẻ, mà là cả một cộng đồng, một dân tộc, một xã hội.

Nếu phải định nghĩa, sẽ thấy từ “tham nhũng” bao hàm ý rộng hơn. Theo Hán Việt từ điển: tham là “ham tiền”, nhũng là “gian dối”, có nghĩa: tham nhũng là “hành vi gian dối để có tiền”. Tiếng Anh có nhiều từ, nhưng phổ biến vẫn là “corruption”. Từ corruption trong tiếng Anh mang nhiều nghĩa: gian dối, hư hỏng, đồi bại, trụy lạc, thối nát, ăn hối lộ. Như vậy, ăn cắp hay ăn hối lộ chỉ là một phần xấu xa – trong hàng loạt xấu xa – của hành vi tham nhũng.

Người Việt bắt đầu dùng từ tham nhũng lúc nào? Theo thực tế tôi biết thì khi hai miền Bắc Nam nước Việt chưa thống nhất và kể cả sau 1975 một vài năm, người miền Bắc chỉ dùng hai từ “tham ô”. Cụ thể, khi cán bộ điều tra “làm việc” với những quan chức chính quyền cũ, thường phỉ báng kẻ bại trận bằng câu hỏi: “Anh đã tham ô bao nhiêu”! Còn tại miền Nam, hai từ tham nhũng đã được dùng trước đó, đặc biệt từ cuối thập niên 1960. Mặc dầu tham nhũng thời này chỉ gói gọn ở một bộ phận cấp cao của chế độ, chưa “nở rộ” thành “phong trào”, vậy mà ông Trần Văn Hương, là Thủ tướng lúc đó đã phải bi quan mà tuyên bố một câu “xanh dờn” đi thẳng vào lịch sử của những “danh ngôn” thời đại: “Diệt hết tham nhũng thì lấy ai làm việc”?!

Điều đó chứng tỏ, hành vi tham nhũng thì quốc gia nào, dù tiến bộ hay lạc hậu, ít nhiều đều có. Nhưng mức độ và tầm vóc thì khác nhau, tùy thuộc vào môi trường văn hóa, giáo dục, pháp luật ở những nơi đó, trong một thời kỳ nhất định. Các quốc gia có luật pháp hoàn chỉnh về tài chính, minh bạch về thu nhập của quan chức, thì nạn tham nhũng đều giảm đến mức tối thiểu. Ngược lại, các nước lạc hậu, chậm tiến, thiếu dân chủ – thường nằm trong khu vực những nước kém phát triển – thì hai điều kiện căn bản này đều thiếu vắng. Bởi vậy mà tham nhũng mới có cơ hội phát sinh, mới có đất sống.

Điều đáng nói là tham nhũng thường hình thành như một bệnh dịch, rất dễ lây lan, không chỉ lây lan trong các lĩnh vực kinh tế tài chính, mà còn ra tới các lĩnh vực khác, như “hành chính sự nghiệp”, thậm chí tới hai lĩnh vực “nhạy cảm” là giáo dục và y tế. Nghĩa là lan tỏa cả chiều rộng lẫn chiều sâu, ngành ngang lẫn ngành dọc. Đơn giản bởi người ta cứ “ngó nhau” rồi “bắt chước” nhau: “anh làm được thì tôi làm được”, dại gì không làm?. “Anh có xe hơi nhà lầu, không lẽ tôi phải đi xe máy và ở nhà trệt cấp 4?! Cứ thế, người ta thi nhau tha hồ đục khoét công quỹ, bằng vô vàn những mưu ma chước quỷ.

Đặc biệt, nó còn bí mật tồn tại một “quy luật bất thành văn” rất nguy hiểm trong “giới” tham nhũng, rằng “anh không đụng đến tôi thì tôi không đụng đến anh”. Rốt cục, chẳng ai tố cáo được ai cả, và hình thành những “nhóm lợi ích” mặc tình thao túng. Tham nhũng còn đẻ ra “lãng phí”, là một biến chứng nguy hại không kém cho “cơ thể” của một quốc gia. Và khi mà đất nước nở rộ tham nhũng và lãng phí, nở rộ những “lợi ích phe nhóm”, thì lợi ích của quốc gia dân tộc tuột xuống hàng thứ yếu, thậm chí chỉ còn là con số không.

Thực tế cho thấy không có một chủ trương chính sách đúng đắn nào trở thành hiện thực tới người dân khi đất nước đầy dẫy tham nhũng. Vì tham nhũng sẽ bóp méo hay làm mất tác dụng tất cả những chủ trương chính sách đó. Chưa nói đến những tác động tiêu cực từ tham nhũng tới xã hội. Đó là kỷ cương, phép nước, là đạo đức con người. Vì khi mà thượng tầng “phụ mẫu chi dân” trộm cắp được miếng lớn, thì há người dân bọt bèo lại không “bắt chước” mà “cắn” được miếng nhỏ hay sao? Nạn trộm cướp, giựt dọc, đâm chém, giết người cướp của… từ đó cứ thế lan tỏa và gia tăng trong hạ tầng xã hội là điều tất yếu. Bởi vậy mà ai cũng phải thừa nhận tham nhũng chính là một kẻ thù nội tại đáng sợ, một thứ “giặc trong” vô cùng nguy hiểm.

123aaa

Làm sao để diệt hết tham nhũng? Đây là một bài toán vừa “hóc búa”, vừa “xưa như trái đất” đặc biệt khi mà tham nhũng đã tràn lan. Diệt tham nhũng cũng chính là “tiêu chí phấn đấu” dai dẵng của mọi quốc gia. Nhưng hãy hình dung bọn tham nhũng “tương đồng” với lũ mối một cách đến kỳ lạ. Mối sống trong bóng tối thì tham nhũng cũng rất sợ ánh sáng; đàn mối sinh sôi nẩy nở nhanh chóng thì bọn tham nhũng cũng vậy; mối hoạt động có tổ chức thì tham nhũng cũng có hệ thống khi phát triển; mối có thể “xông” tan nát làm sụp đổ một ngôi nhà thì tham nhũng cũng hoành hành dẫn tới nguy cơ sụp đổ một chế độ. Vì vậy mà thiết nghĩ, một cách đơn giản, chống tham nhũng cũng không khác gì với chống mối. Hãy xem các công ty phòng chống mối hiện đang sử dụng những phương pháp nào, rồi hình dung và so sánh tới những biện pháp phòng chống tham nhũng.

Trước hết về “phòng”. Tốt nhất, nhà xây phải bằng thứ vật liệu kiên cố với bê tông sắt thép thì mối sẽ chào thua. Còn nếu phải xây nhà gỗ, thì gỗ này phải là gỗ tốt, gỗ cứng hoặc kỵ mối mọt, nhưng lưu ý là khi nhà đã bị dột thì lâu ngày gỗ cứng cũng trở thành mềm và mối vẫn có cơ hội tấn công. Ta thấy người Mỹ thường cất nhà toàn bằng gỗ ở phần trên, nên trước khi cất, họ phải diệt mối trước ở nền móng hạ tầng là vậy.

Về “chống”, nghĩa là khi đã có sự cố phá hoại của mối, thì các đơn vị chống mối thường có hai giải pháp: một là diệt mối trên “trận địa hiện hữu” và hai là diệt mối tận hang ổ. Diệt theo “trận địa” chỉ là giải pháp tương đối do trận địa thường không ngừng phát sinh, diệt hết chỗ này lại “lòi” ra chỗ khác. Chỉ có giải pháp lâu dài là diệt tận gốc, tức là diệt cho được mối chúa nằm sâu trong lòng đất. Nhiều gia chủ lắm lúc tức bực lũ mối đến độ muốn đốt căn nhà đi cho xong, nhưng khi mối chúa chưa hề hấn gì thì nguy cơ “tái xâm nhập” vẫn còn đó.

Tóm lại, tham nhũng không chỉ là một loại trộm cướp thông thường, mà là một thứ trộm cướp ở “bậc cao”, diễn ra dưới muôn hình vạn trạng và biến hóa tinh vi gấp bội so với trộm cướp đơn thuần. Dân gian bây giờ người ta không dùng từ tham nhũng, nghe xa xôi, trừu tượng, mà phổ biến là dùng từ “ăn” cho gọn và thực tế, với lời biện bạch khá mĩa mai là “không ăn làm sao sống”! Ăn nhỏ, ăn to, ăn dày hay ăn mỏng. Tùy nơi, tùy chỗ mà có cái gì ăn cái nấy kiểu như “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ” vậy! Nhưng tất nhiên cái “ăn” này không phải là “ăn sạch”, mà là “ăn bẩn” thậm chí là rất bẩn. Và cái ăn này thường chẳng biết no là gì vì dạ dày của tham nhũng thường không có đáy!

*Hoàng Vân
(Trích langkemonsaigon.com)

Phản hồi (1)

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác