TRƯỜNG NGUYỄN LỘ TRẠCH 29-11-2020 minhhien

Trong năm qua, website langkemon.com.vn đã phối hợp cùng trường THCS Phú Thạnh tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Nguyễn Lộ Trạch- vị danh nhân văn hóa làng Kế Môn. Nay một tin vui đến: trường Tiểu học Điền Môn và trường THCS Phú Thạnh đã được hợp nhất và đổi tên thành Nguyễn Lộ Trạch. Trong niềm hân hoan này, chúng tôi nhận được bài viết của thầy Trần văn Chung, trường THCS Nguyễn Lộ Trạch và xin được đăng:

NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN DANH NHÂN: NGUYỄN LỘ TRẠCH

Khi sắc thắm hoa phượng phai nhạt dần trong những ngày cuối hạ, cũng là thời khắc báo hiệu một mùa tựu trường mới lại về. Một thời khắc đáng nhớ trong lòng của các em học sinh và thầy cô giáo khi tiếng trống trường rộn rã vang lên báo hiệu năm học mới bắt đầu.

Niềm phấn khởi và tự hào được nhân lên gấp bội khi Chủ tịch UBND huyện Phong Điền ký Quyết định số 1280 ngày 28/8/2020 về việc sáp nhập Trường TH Điền Môn và Trường THCS Phú Thạnh thành Trường TH&THCS Nguyễn Lộ Trạch mở ra một trang mới cho sự gắn kết và phát triển của giáo dục quê hương.

Đây là niềm tự hào lớn lao của con dân làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khi được mang tên danh nhân văn hóa. Trường TH&THCS Nguyễn Lộ Trạch khang trang bề thế nằm ngay ở trên Quốc lô 49B trên quê hương Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Ðược mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Lộ Trạch, thầy và trò nhà trường không chỉ vinh dự, tự hào mà còn tự ý thức được trách nhiệm của mình trong việc kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của ông và của quê hương Điền Môn. Các em nhận thức được ý nghĩa, lịch sử của ông thông qua các bài giảng Lịch sử, các Hội thi tìm hiểu về danh nhân Nguyễn Lộ Trạch do Anh Đặng Minh Hiền – đại diện cho trang web langkemon.com.vn hỗ trợ, giúp đỡ. Các em được đến thăm từ đường, khu lăng mộ danh nhân văn hóa Nguyễn Lộ Trạch, giáo viên trong Trường đã giới thiệu đến các cháu những nét cơ bản nhất về thân thế, sự nghiệp của ông, qua đó khơi dậy tinh thần ham học hỏi của các em.

 

 

 (Dạy lịch sử tại Nhà thờ Họ Nguyễn)

(Thăm di tích lăng mộ Nguyễn Lộ Trạch)

(Hội thi tìm hiểu về danh nhân Nguyễn Lộ Trạch)

Đôi nét về thân thế danh nhân Nguyễn Lộ Trạch:

Nguyễn Lộ Trạch (Quý Sửu 1853 – Mậu Tuất 1898) Nhà cách tân đất nước, tự là Hà Nhân, hiệu Kỳ Am, biệt hiệu Quỳ Ưu, Hồ Thiên Cư Sĩ, Bàn Cơ Điếu Đồ, quê ở làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thân phụ là Tiến sĩ giữ chức Tổng đốc hàm Thượng thư, nhạc phụ là Tiến sĩ Phụ chính Đại thần. Ông học rộng biết nhiều, ghét lối từ chương nên không đi thi, chỉ chú tâm vào con đường thực dụng. Ông thường giao du với những người có tư tưởng tiến bộ, chấp nhận cái mới. Năm 1877, nhân một kỳ thi Đình có đề ra nói về thời sự, ông ở ngoài làm bài và dâng một bản Thời vụ sách nêu lên những yêu cầu bức thiết của nước nhà nhưng không được chấp nhận. Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai, ông lại dâng bản Thời vụ sách II gồm 5 điều cốt yếu để bảo vệ đất nước, trong đó có điểm Dời đô về Thanh Hóa lấy chỗ hiểm yếu để giữ vững gốc nước. Triều đình Tự Đức vẫn không chấp nhận những ý kiến gan ruột của ông. Năm 1892 triều Thành Thái, nhân kỳ thi Đình có ra đề hỏi về “đại thế toàn cầu”. Ông lại dâng lên bản Thiên hạ đại thế luận (Bàn chuyện lớn trong thiên hạ), nhưng vẫn bị bỏ qua. Tuy vậy bản Thiên hạ đại thế luận lại được sĩ phu và những người có tư tưởng cách tân nhiệt liệt hưởng ứng, bái phục tài năng xuất chúng của ông. Nguyễn Lộ Trạch được xem là nhà cách tân đất nước tiêu biểu của thế kỷ XIX. Chỉ tiếc rằng ông bị bệnh mất sớm ở tuổi 45, tại tỉnh Bình Định khi tài năng đang độ phát tiết, (năm 1957, con cháu trong dòng họ đã cải táng đưa di cốt ông về yên nghỉ tại nghĩa trang của làng Kế Môn, quê ông). Các chí sĩ như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Vũ Phạm Hàm, Trương Gia Mô, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, đều tiếc thương và cảm phục một tài năng. Ngoài các văn bản Thời vụ sách, Thiên hạ đại thế luận, Kế Môn dã thoại, ông còn để lại khá nhiều thơ, văn như bản Quỳ Ưu tập. Văn của ông đến như cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng phải kính nể và phong ông là “Văn hào” của nền văn hóa Việt Nam. Lăng mộ ông táng tại độn cát phía Tây của làng Kế Môn, năm 2001 đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

-TVC-

 

                                     

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác