Lời thưa

Là con dân làng Kế Môn ắc hẳn ai cũng muốn hiểu biết về quê hương xứ sở của mình. Tôi là dân làng xa xứ từ nhỏ, ít có dịp về quê cha đất tổ nên không biết gì nhiều vế quê hương của mình. Trong một dịp về quê, tôi hỏi thăm về lịch sử, văn hóa của làng nhưng mỗi người nói mỗi cách theo truyền thuyết được nghe! Từ đó tôi nghĩ nếu bây giờ không ghi lại một cách hệ thống thì sau này con cháu trong làng sẽ không có dịp biết gì về quê mình.

Tuy nhiên, vì còn quá xa lạ với người làng nên tôi chưa được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền cũng như của mọi người trong làng, phải tự lực tìm kiếm tư liệu nên chắc rằng có nhiều sai sót. Mong bà con lượng thứ và chỉ giáo.

Hiện nay, công nghệ thông tin đang mở rộng, con cháu xa xứ rất đông, lại có trình độ và điều kiện để tìm hiểu năm châu nên tôi nghĩ cần lập một trang Web để  gửi đến bà con người làng cũng như giói thiệu cho mọi nơi đều biết về quê mình. Điều này rất mong sự đóng góp ý kiến cũng như thông tin, hình ảnh của bà con, đặc biệt là hình ảnh xưa, cũ.

Chúng tôi biết hiện nay rất nhiều tỉnh thành có thành lập Hội Đồng hương làng Kế Môn và hoạt động khá tốt, như hội Đồng hương taị TP Hồ Chí Minh, Đaklak, Đà nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, ở nước ngoài cũng có hội Đồng hương Kế Môn. Có nơi còn xây dựng được nhà thờ để hằng năm con cháu làng về tế lễ như hội Đồng hương tại Lâm Đồng…Tuy nhiên chúng tôi chưa có điều kiện để đến thăm và ghi nhận về những hoạt động tại các hội Đồng hương nên rất cần sự hổ trợ thông tin của khắp nơi.

Ít nhất mỗi hội Đồng hương cũng gửi cho biết: ngày thành lập Hội, Hội trưởng hiện nay và các Hội trưởng tiền nhiệm. Ban chấp hành Hội, Số lượng Hội viên, Hình ảnh sinh hoạt Hội, địa chỉ, các hoạt động đã thực hiện, các hoạt động dự định…

Ngoài ra chúng tôi cũng cần ghi nhận về các hoạt động của Hội Kim hoàn người làng các nơi.

  • Mọi ý kiến, tư liệu, đóng góp xin liên hệ :
  • Email : langkemon@gmail.com

    ĐT:  Đặng Minh Hiền 0908 670 321

    Tài khoản Ngân hàng Vietcombank Chi Nhánh Bảy Hiền – TP.HCM:

    Số TK: 025  100  148  9864

    Với tiềm năng của người làng Kế Môn, nhất là dân làng xa xứ luôn hướng về quê hương, trang Web đang nghĩ đến hướng tương lai:

    –         Tổ chức các chuyến tham quan làng Kế Môn

    –         Xây dựng khách sạn tại làng

    –         Giới thiệu ngành thợ kim hoàn khắp nơi.

    –         Tổ chức Hội chợ giới thiệu làng nghề vào dịp festival Thừa Thiên-Huế.

    –         Tổ chức các chương trình từ thiện-xã hội…

    Chúng tôi đã tìm tòi sổ bạ về làng Kế  Môn nhưng được biết sổ bạ làng Kế  Môn đã bị thất lạc trong chiến tranh. Chỉ tìm trong sách cũ một số tư liệu có dính dấp đến làng:

    Hai chữ KẾ MÔN

    Kế Môn- tên một loài cây có gai, hoa màu tím đỏ, thuộc loại cúc. Có 2 loại: Đại kế và Tiểu kế. Loài hoa quý này người Tô Cách Lan lấy làm Quốc hoa.

    Bài Thu Tảo (trong Song Hòe Tuế Sa của vua Đường Thế Tông ?) có 2 câu :

    Hàn kinh kế môn diệp

    Thu phát tiểu tùng chi

    (lạnh làm kinh động lá kế môn

    Thu phát ra từ cây tùng bé)

    Tôi nghĩ cây cỏ Kế này vẫn còn trên rú (cần truy tìm cây cỏ Kế trồng ở Đình làng để ghi nhận, lưu niệm)

    NÉT ĐẸP VĂN HÓA CỦA LÀNG

    Chỉ cần rảo qua trên đường ngang của làng, chúng ta sẽ thấy có nhiều ngôi nhà thờ các tộc họ thật lộng lẫy, uy nghi. Nét cong của những ngôi nhà thờ tộc họ này đầy sự quyến rũ và cũng chính những ngôi nhà thờ họ là sự gắn kết, yêu thương, gợi cho những người con xa xứ quay về thăm lại cố hương, cũng như chọn đất làng là nơi nương tựa của cuối cuộc đời. Mỗi người qua đời, làng họ đều có trách nhiệm thăm viếng, đưa tiễn.

    Điệu múa gươm trong các đám tang là nét văn hóa làng còn lưu giữ. Hằng năm, làng, họ đều có định ngày chạp mã để con cháu nhớ về. Đặc biệt những ngôi mộ không có người hương khói, như những ngôi mộ họ Cao (hiện làng không còn người họ này), làng vẫn cử người chạp mã. Cứ 12 năm, hầu hết các họ đều tổ chức việc Tiếu để kiểm lại thân tộc, cầu nguyện những người quá cố được siêu sanh…đó là những nét văn hóa của làng.