HÃY TRẢ LẠI CẢM XÚC NGÀY HÈ CHO EM 31-05-2016 Thao Nguyen
“Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết,
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê,
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !”
Cảm xúc này bây giờ có còn nữa không? Ôi Xuân Tâm, nhà thơ đất Quảng quá cố mến yêu của tôi ơi, thơ ông nay đã lạc hậu mất rồi. Chỉ bốn câu mở đầu thôi mà bây giờ đã trở thành…ảo cả bốn.
Này nhé: “Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết”? Thời nay làm gì có “giờ cuối cùng”, chúng nó vẫn học liên tục không ngơi nghỉ đấy chứ. Học xong chương trình “chính khóa” thì tiếp qua “học hè”, học luyện thi, học thêm,…học , học và học mãi. Không học ở trường thì học ở nhà thầy, nhà cô. Không học ở nhà thầy cô thì học ở mấy cái trung tâm hà rầm ngoài phố. Chúng nó đi về như cái máy, rất bận, nhiều khi không còn thì giờ để ăn cơm nữa. Tất cả đều bắt đầu mà không có hồi kết, không có “giờ cuối cùng” như ông đã viết.
“Đoàn trai non” ư? Không! Tất cả đều đã “già” đi dù còn ở tuổi hoa niên. Chúng nó “biết hết” chuyện của người lớn. Chúng nó là những ông cụ, bà cụ non đấy cả. Không tin ư? Hãy lên “phây” mà xem: chúng nó đã “rành” hết mọi thứ trên mạng, biết còm-men cách nào là “độc” nhứt. Biết nói dối, biết lừa lọc và biết cả xả rác, bắt người khác phải nhặt. Con trai đã biết làm đàn ông rất sớm, còn con gái thì đã biết “khoe hàng” – dù hàng vẫn còn non, chưa đủ chín, đủ ngọt! Chúng nó hết còn ngây thơ, vô tư như thời niên thiếu của ông rồi.
“Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê”. Xưa rồi! Bây giờ người ta đã “ăn bớt” hết ba phần tư của mấy tháng hè, đâu còn là 90 ngày? Rồi miền quê ư? Làm gì còn có “miền quê” với cái nghĩa trọn vẹn của cả “đất nước và con người” như thời của ông! Làng quê nay đã dần dần tiến tới “đô thị hóa” hết, đường bê-tông phẳng lỳ, rát bỏng đã thay cho đường đất cong quẹo gồ ghề, và lũy tre làng cùng với hàng chè xanh mướt quanh vườn cũng đã được thay thế bằng tường thành bê-tông gạch đá kiên cố. Còn con người ư? Cũng đang học theo lối sống ở thành thị, cũng nhậu nhẹt, cũng karaoke, cũng tai nạn giao thông, đâm chém và giết chóc.
.
“Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”. Ồ không! Chỉ có một mùa hạ duy nhất thôi, bởi tất cả xung quanh đều “nóng”, đều oi bức, đều khó thở và ngột ngạt. Lúc nào chúng cũng “Cố lên, cố lên và cố lên”, bởi không cố thì không được, không cố thì bị thầy cô “đì”, thì thua chúng kém bạn. Nó như một vòng xoáy, cứ quay theo, quay theo không thể dừng lại dù có muốn. Nghĩa là luôn phát nhiệt, luôn nóng và mệt mỏi như sống trong mùa hè đổ lửa đấy thôi…
.
Ôi, nhìn lũ trẻ học hành bây giờ mà thương cảm vô cùng. Chúng hầu như không có tuổi hoa niên, không có những ngày hè sống cùng thiên nhiên bao la, trong veo và êm ả, để xả stress, để 90 ngày sau lại sảng khoái đến trường như thời của Xuân Tâm và chúng tôi. Chúng không có cơ hội về miền quê để biết thế nào là con đường làng, là lũy tre xanh, là tình yêu quê hương xứ sở. Cho nên không ngạc nhiên khi có đứa còn không biết cây lúa là cây gì, “mọc” ở đâu!
Ai? Ai đã “cầm tù” chúng? Đã tước đi tuổi thơ, tuổi hoa niên và Cảm Xúc Ngày Hè của chúng? Cái cảm xúc tươi thắm như màu hoa phượng đỏ, với niềm vui đan xen nỗi buồn man mác ngây thơ của tuổi học trò. Ôi ! màu hoa phượng đỏ bây giờ đã không còn dành cho lũ trẻ nữa, dù sân trường lác đác đó đây vẫn còn màu hoa phượng của ngày hè. Cũng không còn lời trách móc vô tư, đáng yêu của chúng:
“Phượng thắm chi cho sân trường vắng vẻ
Hạ về chi cho bè bạn cách xa ?
Chín mươi ngày bao bước chân hối hả
Thương bạn, nhớ thầy rộn rả những buồn vui”…
Phải chi tụi nhỏ học hành như vậy mà thành đạt thì hay biết mấy. Nhưng thực tế là không. Hãy nhìn ra thế giới mà xem: có mấy người Việt của giới trẻ và trung niên hiện nay đạt được những thành tựu đáng kể trong cái đích cuối cùng của học tập? Có được bao nhiêu người như Ngô Bảo Châu? Ở đây xin không bàn về các “tiến sĩ giấy” vốn đang được “sản xuất” hàng loạt, theo chiều hướng …”phổ cập”, đầy rẫy như “sao mùa hạ”, nhưng công trình nghiên cứu của họ thì hiếm như “lá mùa thu”. Rõ ràng những vị này chỉ sử dụng tấm bằng như một vật trang sức, như một nấc thang để tìm kiếm lợi lộc và thăng tiến cho bản thân, chứ chẳng đóng góp gì cho xã hội cả.
Người ta đã kể một câu chuyện ví von như thế này: “Trong một cuộc chạy đua ma-ra-tông giữa một người Việt và một người Mỹ. Đầu cuộc đua, người Việt hăm hở dùng hết sức mình tiến lên, bỏ xa người Mỹ. Giữa cuộc đua, người Mỹ đuổi kịp. Và cuối cuộc đua, người Mỹ đã cho người Việt “hữi khói” phía sau”. Đó cũng chính là hình ảnh so sánh về thành tích học tập của hai bên. Ở bậc tiểu học và trung học, học trò Việt luôn vượt xa học trò Mỹ, nhưng lên đại học họ bắt đầu đuổi kịp, và sau đại học, sinh viên Việt đuối sức, bị sinh viên Mỹ bỏ lại đằng sau.
Điều đó cũng giải thích tại sao, học sinh, sinh viên Việt Nam thường xuất sắc đoạt giải trong các cuộc thi quốc tế, như toán và vật lý chẳng hạn, nhưng cuối cùng chẳng ai trong số đó làm nên được trò trống gì cho khoa học thế giới nói chung và góp phần xây dựng đất nước mình nói riêng cả. Người Việt chẳng có được một công trình đáng giá nào được thế giới vinh danh trong mọi lĩnh vực về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội.
Đó là chưa nói đến những di họa từ việc vùi đầu học quá mức có thể gây ra cho sức khỏe bản thân và giống nòi. Chưa ngã bệnh là may, nói chi có được một thân thể khỏe mạnh cường tráng của tuổi thanh niên. Chẳng ngạc nhiên gì khi chiều cao của người Việt ngày càng sa sút, thay thế dần vị trí “lùn” nhất thế giới của người Nhật trước đây. Bởi cứ vùi đầu học tập, cứ mang vác hàng chục kí sách vở trên lưng, nhưng đâu phải trò nào cũng đủ điều kiện để được uống sữa bù lại năng lượng và tăng chiều cao! Hãy xem người Nhật, từ sau chiến tranh, họ đã cao dần lên – và bây giờ chẳng thua kém ai – vì trẻ em Nhật từ thời ấy đã được nhà nước cho uống sữa miễn phí. Việt Nam thì sao? Nhà nước có làm được như vậy không, hay trái lại, vẫn mang tiếng là xứ sở có giá sữa cao nhất thế giới?
Đã vậy, nhà trường lại không chú trọng vào việc giáo dục các kỹ năng sống cho học trò, khiến một lớp trẻ ngu ngơ trong giao tiếp, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Một cái bắt tay, một lời “xin lỗi” hay “cảm ơn” cũng còn chưa phổ biến, nói chi đến khả năng xử lý các tình huống trong giao tiếp hàng ngày. Nhà trường hầu như chỉ dạy cho học trò những điều “trên trời dưới đất” mà quên đi những điều nhỏ nhặt nhất, những chuyện liên quan tới vệ sinh căn bản hàng ngày. Chẳng trách “một bộ phận không nhỏ” giới trẻ ngày nay, ở nơi công cộng, ăn uống, nằm ngồi ở đâu là xả rác la liệt ở đó. Tóm lại, “giáo dục về nhân cách” cho giới trẻ hiện nay chỉ là con số 0 tròn trĩnh không hơn không kém.
Như vậy, chuyện “thi đua học tập” của học trò ngày nay, không những đã không mang lại lợi ích gì, mà còn dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Chuyện “thi đua học tập” này cũng đang “cầm tù” các thế hệ học sinh, đặc biệt là ở cấp phổ thông, đã tước đi của chúng những Cảm Xúc Ngày Hè quý báu mà chúng đáng được hưởng, đáng được trải nghiệm ở thời ấu thơ và niên thiếu, như thời của Xuân Tâm.
Lỗi này do đâu? Đừng có nói là tại học sinh muốn như thế. Hãy làm một cuộc điều tra thử xem có bao nhiêu phần trăm học sinh muốn bị “cầm tù” như vậy. Rõ ràng đây chính là lỗi của giáo dục, của một nền giáo dục không theo kịp những bước tiến của thời đại, khi mà loài người đang bước vào thế kỷ 21. Nói như vậy có chính xác không? Nếu không tin thì hãy đi mà khảo sát nội dung chương trình giáo dục ở các nước thử xem. Họ đang dạy cho con em của họ những gì? Dạy như thế nào? Hay cứ ở đó mà tự hào rằng giáo dục của mình mới là “ưu việt”?
Điều đáng buồn khi đồng lõa với nó lại chính là các thầy cô giáo trong nhà trường. Tất nhiên tôi không nói là tất cả, là “vơ đủa cả nắm”, bởi vẫn còn không ít những thầy cô giáo đáng kính, xứng danh là những “kỹ sư tâm hồn” đúng nghĩa. Nhưng họ ở thế phải thầm lặng, bất lực, không làm được gì để thay đổi một thực tế phũ phàng trước mắt, chỉ vì yếu thế, vì nồi cơm. Tôi chỉ muốn nói đến một số các thầy cô giáo thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiếu ý thức giáo dục, đã vô tình hay hữu ý, lấy lý do này nọ, để thúc ép học sinh – đúng hơn là bắt bí – học trò của mình. Nhiều học sinh đã từng than vãn: rằng “ở trường cô dạy khó hiểu quá, về học thêm ở nhà cô, mới hiểu”! Tại sao? Ở trường không đủ tiết dạy ư? Hay là tại một lý do nào khác?
Thầy giáo, cô giáo không chỉ là một nghề – để mưu sinh, mà còn là một thiên chức: Thiên chức Nhà giáo. Cũng như nghề thầy thuốc – bác sĩ, là “lương y như từ mẫu” vậy. Một bên là “dạy người”, còn bên kia là “cứu người”. Nó khác với các nghề thợ điện, thợ xây, thợ mộc hay thư ký, ca sĩ, diễn viên. Bởi vậy mà truyền thống xã hội Việt luôn coi trọng hai thành phần này. Song một khi mà thầy giáo hay bác sĩ trở thành nhà kinh doanh, chỉ vì lợi nhuận, thì giáo dục không còn là giáo dục nữa, bệnh viện cũng không còn là “nhà thương” mà trở thành… “nhà ghét”! Một đất nước mà hai ngành này suy bại thì khả năng “trồng người” sẽ không còn.
Xin hãy vì tương lai của con em chúng ta, vì tương lai của nước Việt mà hãy suy nghĩ lại, cải cách lại, chỉnh đốn lại môi trường giáo dục nước nhà. Hãy trả lại tuổi thơ cùng tuổi hoa niên cho các em, trả lại những Cảm Xúc Ngày Hè quý báu cho các em, thế hệ tương lai của đất nước, của dòng giống Rồng Tiên, để chúng có được một tinh thần minh mẫn trong một thể chất khỏe mạnh nhất.
HOÀNG VÂN
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận