BÀ NỘI TÔI 23-05-2013 Thao Nguyen
BÀ NỘI TÔI
Bài viết đoạt giải A của
TRẦN THỊ QUỲNH NA
Lớp 8B THCS Phú Thạnh
Thứ sáu tuần trước là đám giỗ lấn thứ năm của bà nội tôi. Nhanh thật, mới đây mà đã năm năm. Suốt cả tiết học, tôi bồn chồn không yên, chỉ mong sao chuông reo, mau hết giờ. Bản tính tôi vốn hay quậy phá, các buổi tan học trước không bao giờ tôi về nhà liền, mà còn lang thang cùng bạn bè qua các đường phố, quán xá. Nhưng lần này, dắt xe ra khỏi cổng, tôi từ chối tất cả các lời rủ rê kia, lập tức phóng xe về nhà dưới trời nắng gắt, gió ngược. Khách khứa đã tới đông đủ, cười nói vui vẻ, náo nhiệt và đang chuẩn bị vào mâm. Thắp cho bà nén nhang xong, tôi rút vội về phòng riêng, đóng cửa lại. Kí ức tuổi thơ chợt ồ ạt xô về…
Sáu tuổi, tôi thấy và thường nghĩ rằng : các người bà của bạn tôi đều đẹp đẽ, phúc hậu như bà ngoại tôi. Cũng giống nhau ở mái tóc muối tiêu, dài búi cao, cũng dáng người mập mạp, chắc nịch và một khuôn mặt tươi cười, nhân hậu…Bao giờ đi chợ, bà cũng không quên mua quà cho cháu. Suy nghĩ đó đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi.
Nghỉ hè năm đó, sau khi dành một số tiền lớn, ba tôi dẫn cả gia đình về Quảng Ngãi thăm nội. Lúc đó tôi mới biết mình còn một người bà nữa, một người bà tôi chưa bao giờ được gặp và cũng chưa bao giờ nghe nói đến. Trong đầu óc trẻ thơ non nớt của tôi lập tức tưởng tượng ngay về một bà tiên hiền dịu, sẽ ru tôi ngủ vào những buổi trưa hè bằng những lời ru êm mát. Tôi tưởng tượng bà nội sẽ đẹp hơn cả bà ngoại với làn da trắng, mái tóc dài bới thành cục bọc lưới trên đỉnh đầu.
Sau hai ngày đêm ngồi trên xe lửa nóng hầm hập, xuống xe, tôi nhận thấy ngay vùng quê gió cát này không là một thiên đường như mình đã tưởng. Nhưng lúc ấy tôi không thèm để ý đến cảnh vật xung quanh, chỉ mong chạy ào đến gặp bà. Tôi hỏi : “ Cha ! Nhà bà ở đâu ?”. Ba chỉ tay về phía trước : “ Chỗ cây gòn đằng kia”.
Hoàng hôn, khí hậu khô nóng. Bực bội, khó chịu. Đó là những gì tôi còn nhớ được. Tôi chạy ào tới, bỏ mặc cha mẹ và đống hành lí. Cát cuốn xoáy, cuồn cuộn bay cao. Ào tới cửa nhà, tôi la to “Bà nội ơi !”. Trước cửa là một bà cụ ốm yếu, mặt xương, da nhăn nheo, mặc áo rách vai và trời ơi ! Đầu bà đã cạo trọc ! Chỉ mới lún phún những sợi tóc bạc cứng. Bà ngước nhìn tôi với cặp mắt đã mờ và cúi xuống tiếp tục lặt những củ khoai non. Không tin, tôi đứng sững lại. “Bà nội tôi đâu ?”
Ba tôi đã tới tự bao giờ. “Sao con không chào nội đi ?” Nội tôi ? Tôi không tin vào tai mình nữa, nhưng vẫn cúi đầu ngập ngừng “Thưa bà”. Tất cả những ước mơ trẻ con đều đổ sụp. Trước mắt tôi là bong bóng xà phòng đang bay lơ lửng và vỡ tan. Đó là trò chơi tôi hay chơi ở Sài gòn vào những buổi trưa nắng. Bà ngước nhìn ba tôi, điềm nhiên bảo : “Ai vậy bây ?”. Sau khi nghe ba tôi kể xong, bà nói : “Mệt thì ngồi nghỉ, nước ở giếng, để tao vô nấu cơm”. Bữa cơm chỉ có một nồi khoai lang mà tôi thấy bà lặt hồi chiều lẫn với chút cơm trắng cùng với một chén mắm cá cơm đặc sệt chấm với rau lang. Bà còn bảo : “Bữa nay có tụi bây về tao cho ăn mắm, ngày thường chỉ có nước muối”. Bà lựa những hạt cơm trắng, bới vào chén cho ba tôi, còn chén của tôi đầy những khoai. Không quen ăn cực, tôi nhờ mẹ ăn giùm, và nhịn luôn bữa tối đó.
Thế đấy, kì nghỉ hè đó với tôi là một cực hình. Bà thường sai tôi làm những công việc mà tôi cho là nặng vì tôi ham chơi khi còn ở thành phố. Tôi thường trốn nhà rong chơi, trốn luôn cả các công việc và những bữa cơm độn khoai lang kham khổ. Khi về, tôi nghe bà nói với ba tôi : ‘Con này làm biếng, con nít ở đây đã biết phụ gia đình, cha mẹ đầy cả rồi đấy !” Ba la tôi. Từ đó bà đã vĩnh viễn xóa mất chỗ đứng tốt đẹp của bà trong thiên đường tuổi thơ của tôi.
Vài tháng sau khi mua nhà mới, ba bảo mẹ : “Mai về quê rước mẹ lên ở cùng. Để mẹ thui thủi một mình, tội nghiệp”. Tôi khó chịu vô cùng. Bà lên, mọi việc trong nhà đảo lộn. Để tránh bà bực mình, ba tôi bảo tôi làm mọi việc trong nhà. Rồi bữa cơm tôi phải bưng cơm lên cho bà, đứng đợi bà ăn xong, mang trà lên rồi dọn chén xuống. Bà không chịu ăn chung với gia đình với lý do mình ăn chậm. Quả thật bà rất biếng ăn. Mỗi khi có bánh trái gì, mẹ bảo tôi lên mời bà, bà lắc đầu. Nhưng nếu tôi nói : “Ba con mời bà đấy” thì bà lập tức cầm lấy và cố gắng nhai, dù tôi biết bà rất ngán. Tôi đâm có cảm giác ghen hờn : bà thương ba tôi, không để ý đến tôi. Tôi không còn được giỡn thoải mái vì lời la : “Im ! Để bà nghỉ”.
Bà hay ăn trầu và thường nhờ tôi giã trầu vì tay bà yếu. Lúc đầu tôi thích vì thấy nó lạ. Bà ngoại tôi và các bà già ở miền Nam không ăn trầu. Sau tôi thấy mỏi tay, nước trầu hay vung lên áo, dính tay, một màu đỏ như máu mà tôi rất sợ. Tôi không thích giã trầu nữa. Để tránh việc đó, tôi thường đem giấu cối trầu nhỏ của bà ở chỗ khác để bà khỏi ăn nữa. Những lần như thế bà cũng tìm thấy, nhưng rất mệt vì bà yếu lắm, không đi lại được nhiều. Tìm thấy, bà mắng tôi nặng nề. Có lần bà tìm không thấy, không ăn trầu được, bà ngả bệnh cả tuần. Ba tôi lo sốt vó, đánh tôi thật đau, tôi mới trả cối cho bà.
Nói chung bà tôi không đẹp lão, tính tình khắc nghiệt. Bà rất tiết kiệm. Tôi không có tình cảm sâu nặng với bà như đối với bà ngoại. Tôi có cảm giác bà không thương tôi, cứ tìm mọi cách chỉ trích tôi, sau đó mách ba để tôi bị nặng đòn.
Một lần ngồi với bà ở trên ghế, nhìn ra ngoài ngõ, tôi chỉ bà xem một bà cụ đang chống gậy ăn xin. Tôi thấy bà thương cảm. Một tia sáng lóe lên trong đầu : bà cụ ăn xin giống bà tôi ! Tôi lỡ miệng : “Sao bà không ăn xin giống bà ấy ?”. Bão nỗi lên. Bà giận dữ tát tôi một cái (lần đầu tiên) và vô soạn quần áo chuẩn bị đi về. Ba tôi khóc. Bà đồng ý ở lại. Tôi bị trận đòn đau nhất từ trước đến giờ. Tới lúc nhắm mắt, bà không thèm nói chuyện với tôi một lời nào sau sự cố đó. Năm sau, bà chết. Cái chết đột ngột và êm nhẹ. Bệnh một ngày, tối ngủ và sáng hôm sau không còn dậy nữa. Ba tôi khóc ròng. Khi mọi người lo đám tang, tôi chạy vào buồng, giở tấm che mặt bà ra và thét lên : “Bà ơi !” Toàn thân đảo lộn, nước mắt giàn giụa. Bầu trời chao đảo, chao đảo và sụp đổ. Bà đã ra đi và vẫn không tha lỗi cho tôi.
Khi cục đất cuối cùng ném xuống huyệt, tôi bàng hoàng nhận ra rằng từ nay tới chết, tội lỗi tôi vẫn không được rửa sạch. Về nhà, vừa khóc ba vừa kể : “Ông nội đi kháng chiến, mình bà tất tả cực nhọc, nuôi tám đứa con trai. Ba là con út, được bà thương cho ăn học đầy đủ. Thế mà bây giờ vẫn chưa trả hiếu cho trọn. Giờ bà đã nhắm mắt, ba lại không có mặt bên giường để nghe lời trăn trối sau cùng của bà”.
Có phải cái gì mất đi mình mới cảm thấy quý giá ? Bây giờ, lâu lâu tôi lại ra chợ mua trầu về ngồi giã, xong đổ đi. Có lần tôi tò mò nếm thử, nhăn mặt “sao cay quá”. Bà ơi ! Có phải cuộc đời bà khổ cực quá nên bà mới khó khăn. Nhưng bà khó cũng vì bà thương con cháu, bà mong chúng nên người. Trong ngày bệnh, như linh tính chuyện gì, bà mở kim tây bọc túi ra, rút một xấp tiền đưa cho ba tôi : “Con giữ lấy. Cho mấy đứa nhỏ vài đồng ăn bánh”. Số tiền quá ít ỏi, toàn là tiền mới. Số tiền còn lại của những năm cuối đời. Bà nghèo lắm !
Thời gian vô tình trôi qua, mọi người cười “Bà thọ quá !” và không ai nhớ đến bà nữa. Cuộc sống tất bật, vội vã đã choáng hết thời gian của mọi người. Nhưng liệu nó có cuốn trôi đi tình cảm của con người không ? Mộ bà xa quá, gia đình con chưa một lần về thăm, chỉ trừ có ba…Ngày mai, ngày mai thôi con sẽ về thăm bà, dù bà có đồng ý gặp mặt con hay không…
Kí ức về bà chỉ có thế thôi ! Trăn trở ray rứt với những ân hận về tội lỗi của mình đối với bà, tôi nức nở. Xin bà hãy tha lỗi cho đứa cháu bất nghĩa này. Nó còn ngu dại lắm. Ngập ngừng tôi tự hỏi : “Giá mà bà sống lại một lần nữa !”
*TRẦN THỊ QUỲNH NA
Phản hồi (3)
Nguyên Thanh (author)
Tháng Năm 24th, 2013 lúc 07:55Đây quả là hình ảnh sống động, đặc trưng của các bà mẹ (bà cụ) xứ Quảng – từng là quê hương của đói nghèo và cách mạng. Quan hệ bà-cháu trong trường hợp đặc biệt này đã được lột tả một cách rất thực. Nếu quả đây chính là bài viết của Quỳnh Na thì xin được chúc mừng em : theo tôi, em đã là một “chuẩn nhà văn” rồi đó.
Không biết em là người làng nào : Kế Môn, Vĩnh Xương, Thanh Hương hay Vân Trình ?, nhưng chắc chắn em vẫn thuộc Phong Điền. Vậy xin được mời em tham gia vào trang web và tập san của Hội Đồng hương Phong Điền tại Tp. HCM sẽ ra mắt một ngày không xa.
tieuyen
Tháng Sáu 7th, 2013 lúc 12:47Đây có phai là bài viết của học sinh Phú Thạnh không thì chính thầy cô giáo dạy ngữ văn ở trường rõ nhất..theo tôi một học sinh lớp 8 có thể có xúc cảm để viết bài nhưng lối hành văn thì bài này quá lão luyện. Phải ngang tầm với Nguyễn Ngọc Ánh..hoàn cảnh xảy ra câu chuyện hoàn toàn xa lạ với vùng đất và con người Ngũ Điền.
Tung long
Tháng Sáu 10th, 2013 lúc 16:42ngoại em vẫn chưa già
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường
Mắt bà vẫn rất tinh tường
Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày
Nhưng Bà em vẫn rất hay
Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm
Công việc bà vẫn ôm đồm
Chăm lo con cháu sớm hôm không nề
Hôm nay cô giáo ra đề
Bắt em phải tả viết về Bà em
Em tả giống hệt bên trên
Cô bắt viết lại – mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời
Bà cũng không được ăn chơi
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu
Đã Bà là phải ngồi khâu
Không được ngồi hát Ka – Râu – Ô – Kề
Nhất là không được ghi đề
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào
Em nghe chẳng hiểu thế nào
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này
Tả sai thì lại không hay
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi
Kiểu này phải bảo mẹ thôi
Hay đổi Bà khác đúng lời của cô???”
sưu tầm thơ vui
Bình luận