CHIẾC CÀ -VẠT CỦA THẦY TÔI ( Bút ký ) 28-12-2011 minhhien

CHIẾC CÀ -VẠT CỦA THẦY TÔI ( Bút ký )

( tặng Thí, Lý, Thọ, Mai và các bạn cùng lớp năm xưa để cùng nhớ lại hình ảnh một Người Thầy )

Tuổi của tôi năm nay đã thuộc về loại “xế chiều”,nhưng mỗi lần Tết đến, tôi lại thường vừa mĩm cười một mình vừa ngâm nga câu hát ” Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa …”; câu mở đầu trong một bài hát về Xuân của Nhạc sĩ Châu Kỳ. Lời hát ấy, theo tôi, thật đời thường, thật mộc mạc nhưng ý nghĩa làm sao ! Đơn giản vì ai trong chúng ta khi đón mùa xuân này lại không nhớ về một mùa xuân cũ nào đó : một mùa Xuân đã khắc vào ký ức dấu ấn sâu đậm mà ta không bao giờ quên ?
Tôi cũng vậy. Mùa Xuân ấy đang nằm trong ký ức về tuổi thơ của tôi, về một làng quê: làng Kế-Môn tôi đó .Năm ấy, tôi đang học lớp Ba trường làng, như đồng nghĩa với một năm học phải dời chỗ tới ba lần : đầu năm, học cạnh sân Đình, giữa năm được dời lên bên hông Chùa làng và cuối năm mới được dọn vào trong ngôi trường Tiểu học Phong Hương nằm cạnh đường Quan gần Ủy ban Xã thời ấy.
Nhưng chuyện tôi đang kể lại rơi vào thời gian ở ” Trường Chùa”, một ngôi chùa đơn sơ của làng, nằm ở phía Tây, giáp với làng Vĩnh Xương. Gọi là ” trường” cho oai chứ thật ra , đấy chỉ là một ” mái tranh nghèo “, là “nhà tăng” của chùa cho mượn tạm .Duy nhất chỉ có một lớp Ba với xấp xỉ 40 học sinh cả nam lẫn nữ.Thầy giáo chủ nhiệm lớp là Thầy Kiện, Thầy Tô Thành Kiện mới từ Truồi được điều về .
Cho đến lúc này, sau hơn nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn còn nhớ như in, khuôn mặt cũng như tính khí của từng bạn học cùng lớp mà nay, có “đứa” đã sớm về với tổ tiên, vài ” đứa” đang phiêu bạt bên phương trời Tây xa xôi, những “thằng” khác thì “có duyên” bám trụ lại ở quê nhà. Nhưng đặc biệt và may mắn là cũng còn vài ” ông, bà ” đang sống ở gần nhau trong hội Đồng hương tại thành phố Bác.

Thời gian chúng tôi học ở Chùa rơi vào dịp Tết đến. Hôm ấy là ngày cuối năm âm lịch, khoảng 27 hay 28 tháng Chạp gì đó tôi không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ ngoài kia, ai cũng đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Những con đường Xóm, đường Ngang, ngày thường toàn một màu đất nâu xám xịt, nay đã được phủ một lớp cát trắng phau phau, gánh từ sau Rú ra vài ngày trước đó. Suốt con Đường Ngang từ đầu làng tới cuối làng, một dãy lồng đèn bánh ú bằng giấy đủ màu sắc đã được giăng lên. Đâu đây, vẵng lại vài tiếng pháo đốt lẻ, xen lẫn trong tiếng “đì đẹt” của dạng pháo “tự chế” bằng “van” xe đạp nhồi diêm quẹt của bọn con nít trong làng.
Bọn học trò lớp tôi, chiều hôm ấy, ai cũng nao nao như tâm trạng ” sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết..”, câu thơ đầu tiên trong bài thơ diễn tả ” nỗi niềm ” của học trò trong giờ phút chia tay để nghỉ hè .Vừa xếp bút, xếp tập, chúng vừa xôn xao nói chuyện rồi lại im bặt.Trong tâm trí mỗi đứa lúc này, không còn có con chữ nào hết, mà chỉ toàn hình ảnh của pháo đỏ, của bánh tét xanh, của những chiếc bánh in bột nếp đủ màu sắc…Bỗng tiếng Thầy dõng dạc :
– Buổi học cuối năm hôm nay kết thúc. Các em sẽ được nghỉ Tết 10 ngày. Chúc các em ăn Tết vui vẻ. Cho thầy chuyển lời chúc Tết đến gia đình các em. Sang năm mới thầy trò mình sẽ gặp nhau lại.Tạm biệt !
Chỉ đợi có bấy nhiêu, tất cả cùng đứng dậy reo lên. Tôi cũng nao nức, hối hả và vụng về làm rớt cái mũ “bê-rê” xuống nền nhà bằng đất nện.
– Tụi bây ơi ! coi nè , thằng Mạo cạo đầu mới ăn Tết nè !
Hóa ra tụi nó đang cười cái đầu “trọc” của tôi. Cái đầu láng o mới được chú ( tức cha tôi ) cạo một ngày trước đó, để, theo lời ông là ” cho sạch sẽ mà đón ông bà ” và cũng đỡ …tốn kém ! Thật ra, đây không phải là lần đầu, tôi không phải đi hớt tóc, mà đã trở thành ” truyền thống “. Đến nỗi, trước đây, mỗi khi đang ngồi học trong lớp, các bạn phía sau đã giật lấy mũ của tôi và dấu đi, tiếp đó là một tràng cười giễu cợt với cái đầu không tóc của tôi. Ít ai biết được rằng, chính vì sự” tức tối” trong lòng ,đã giục giã tôi phải học cho thật giỏi , thật xuất sắc, để các bạn… ” nể nang” mà không còn trêu ghẹo nữa. Và, không ngờ, tôi đã đạt được điều tôi muốn ngoài mong đợi.
Nhưng bỗng Thầy lên tiếng :
– Tất cả các em có thể về được rồi, riêng trò Mạo ở lại thầy nhờ !
Tôi cụt hứng, tự hỏi không biết Thầy định nhờ mình gì đây ? Có lâu không ?
Sau khi mọi người biến, chỉ còn lại hai thầy trò. Thầy cẩn thận lôi trong túi quần ra một rong vải dài màu xám xanh, trao cho tôi và nói :
– Em mang cái cà-vạt này về làng nhờ người thắt giùm hộ thầy. Thầy nghe nói có ông Nhạc xóm Ngược em thắt được đấy ! Hóa ra , đấy chính là cái ” sợi dây vải” mà quý ông trong Dinh hay thắt ở cổ cho oai. Tôi dạ dạ mấy tiếng, trong bụng mĩm cười, thầm nghĩ chắc thầy mình định ” diện ” trong ba bữa Tết đây, rồi vụt chạy theo con Đường Ngang về làng, bên tai vẫn nghe tiếng Thầy nói vọng theo :
-Mau lên, thầy đợi ở đây nhé !
Lúc này, thoáng nhìn bên phải, tôi thấy mặt trời đã về bên kia dãy núi Trường sơn. Hoàng hôn đang xuống dần.Trên con Đường Ngang trắng trẻo chỉ còn lại một mình tôi, một tay cầm chiếc cà vạt của Thầy, tay kia là tập vở, lọ mực và cây bút ” lá tre” đựng trong cái túi ny-lông cũ kỹ, úa màu.Dưới chân tôi, cát trắng cũng tung tăng như cùng chia xẻ sư rộn ràng trong lòng tôi, nhưng bây giờ lại pha lẫn một chút âu lo vì một ” sứ mệnh” chưa thành !
Tôi biết nhà ông Nhạc nằm ở xóm ngược, giữa hai họ Nguyễn, nên vội rẽ lên xóm. Đến trước cổng, hơi ngần ngại một chút, nhưng rồi cố can đảm, tôi bước vào sân nhà. Không thấy người lớn, chỉ thấy cô bé Lý, con ông chủ.Tôi hỏi :
-Có dượng ỏ nhà không ?
-Vô rú rồi ! Hỏi chi?
-Thầy tui nhờ cái này. Tôi vừa nói, vừa đưa chiếc cà- vạt lên cho Lý thấy. Giọng cô bé :- Ngồi chờ đó đi, chút ba tui về !
Tôi rụt rè ngồi vào chiếc ghế gỗ trong bộ bàn ghế kê ở giữa nhà, chờ đợi.Lòng tôi nôn nao, chốc chốc lại nhìn ra cổng. Trời tối dần. Lại những tiếng pháo đâu đây vẵng về như thúc giục. Tư nhiên tôi giận Thầy. Tôi vân vê chiếc cà vạt, rồi lại nhìn lên bàn thờ, nơi đã chưng lên một bình bông trang màu đỏ và nãi chuối hườm hườm. Tôi giật mình nhớ lại là đã hứa với chú tôi ở nhà là sẽ lo việc chưng hoa quả ấy trước buổi tối.
Gần một giờ nữa trôi qua,không thấy gì.Lòng bồn chồn thêm. Tôi đứng lên, bước ra sân. Trời bắt đầu lạnh. May thay, có tiếng ông Nhạc tằng hắng ngoài ngõ, tôi mừng quá, chạy ra .Rồi không tới một phút, chiếc cà vạt đã được thắt xong, như một cái thòng lọng có cái ” nơ” tam giác nằm chính giữa, lịch sự và duyên dáng. Tôi cám ơn rối rít …
– Không có chi, đem về cho Thầy đi ! Ông Nhạc cười vui vẻ.
Tôi lại băng băng trở lên chùa theo con đường cũ.Trời gần như tối hẵn, chỉ có cát trắng dưới chân soi đường cho tôi đi. Nhưng bây giờ chân tôi nhẹ hẫng, lòng vui mừng khôn xiết vì đã làm xong việc cho Thầy.Nhưng đến nơi, tôi không còn thấy Thầy ở đó nữa.Chuông chùa bắt đầu ngân vang, chậm rải, từng tiếng một.Đèn nến trong Điện Phật thắp sáng soi rọi khuôn mặt hiền từ của Đức Thế Tôn. Tôi vụt chạy qua nơi tạm trú của Thầy gần đó và cẩn thận trao chiếc cà-vạt cho Thầy.
-Ồ ! đẹp quá ! đẹp quá. Thầy vừa khen vừa ngắm nghía chiếc cà vạt của mình. Lòng tôi cũng như muốn chia vui với Thầy. Tôi không còn giận Thầy nữa. Trên đường về, tôi cứ hình dung Thầy trong bộ com-lê trắng với chiếc cà vạt màu xám xanh với nụ cười hiền hòa của Thầy.

Từ mùa Xuân ấy, tôi cứ lớn dần theo thời gian, và ngày càng xa thầy, xa bạn, xa dần cả nơi chôn nhau cắt rốn của mình.Tôi vào tận Miền Nam , và chiến tranh cũng không cho phép tôi ở một chỗ nào cố định.Những tin tức về Thầy cũng ngày càng mơ hồ. Cho đến lúc này tôi cũng không thể biết Thầy đang ở phương trời nào, còn sống hay đã mất .
Nhưng dù tôi ở đâu, mỗi khi có việc phải mặc y phục trang trọng, cầm chiếc cà vạt trên tay, tôi lại nhớ đến Thầy.Tôi yêu cái quê mùa của Thầy, cũng như yêu lắm cái tính chân chất, mộc mạc của Thầy, một người Thầy quá gần gủi, quá thân thương, mà có lẽ suốt đời, cho đến khi nằm xuống, tôi cũng không bao giờ quên được .

Thảo Dân, Saigon, những ngày cuối năm 2011.

Phản hồi (2)

  • Hoàng Lý
    Tháng Mười Hai 28th, 2011 lúc 16:01

    Thăm Mạo.
    Cám ơn Mạo đã nhắc lại những kỷ niệm những ngày học tại trường “Chùa” với thầy Tô Thành Kiện. Không biết những bạn cùng học đó nghĩ sao, riêng cá nhân mình thì học với Thầy Kiện không lâu, nhưng có lẽ thầy là một trong những người mình kính trọng và nhớ nhiều nhát, bôi vậy đã hơn nũa thế kỷ, mình không thế nào quên tên và hình dáng, khuôn mặt phúc hậu của thầy cả,..
    Cho mình hỏi: Mai và Thọ trong baì này có phải Mạo nhắc đến chị Mai con Mụ Cửu Trâm (Em chị Yến)cô giáo làng sau 1954 và Thọ là Bùi Thọ con chú Trình, hình như đang ở Nha Trang phải không? cả gần 50 năm rồi chưa gặp lại những anh chị đó. Nếu đúng như vậy, và nếu Mạo có liên lạc được với họ, cho Mình gởi lời thăm… HOÀNG LÝ

  • thaonguyen
    Tháng Mười Hai 29th, 2011 lúc 00:14

    Thăm Lý,
    Đúng, chính là Bùi Viết Thọ, trắng trẻo, bảnh trai , “mắt lồi” thời ấy ! Đang sống ở Nha trang. Có hai con trai đang sinh hoạt ở Hội ĐH Saigon. Còn Mai chính là em Cô Yến, ” hoa khôi” của làng mền hồi đó chứ còn ai vô đó nữa ? ! Cô Yến đã qua đời mấy năm rồi. Gia đình của Mai và Hương vẫn ở Saigon và rất thường xuyên tham gia họp mặt ở Hội. Mình sẽ chuyển lời hỏi thăm của Lý đến những bạn này.
    Bạn ở lớp mình hồi đó thì đông, nhưng sở dĩ mình nhớ dai tên hai anh chị này vì, nói thật, chính mình là tác giả của cái trò quỹ quái …lấy bông thọ, bông kè,bông mai ở vườn bông chùa đem cột vào nhau đó mà !
    ( nếu Mai và Thọ đọc được cũng… xí xái cho M. nhé). Còn không biết Lý có biết không, lớp mình có hai “tay”
    đang ở VN hiện là ” đại gia” tầm cỡ đấy, nhưng hiện mình cũng …khó liên lạc để …làm quen lại nên…không chuyển được lời của Lý hỏi thăm đâu.
    Chúc Lý và gia đình vui khỏe, hạnh phúc. Email : thaodan1946@gmail.com CP : 0908383984

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác